Khi con gái học ngành kỹ thuật

Thứ Ba, 25/09/2018, 18:32 [GMT+7]
In bài này
.

Lâu nay, nhiều người vẫn cho rằng chỉ có nam giới mới phù hợp với các ngành kỹ thuật như công nghệ ô tô, chế tạo khuôn mẫu, cắt gọt kim loại… Vậy nhưng, những nữ sinh của Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ BR-VT đã chứng minh nữ giới cũng có thể đảm đương được lĩnh vực này nhờ sự khéo léo, tỉ mỉ. 

SV nữ học nhóm ngành kỹ thuật có nhiều thuận lợi. Trong ảnh: SV năm thứ nhất lớp nghề cắt gọt kim loại  Trường CĐ Kỹ thuật công nghệ.
SV nữ học nhóm ngành kỹ thuật có nhiều thuận lợi. Trong ảnh: SV năm thứ nhất lớp nghề cắt gọt kim loại Trường CĐ Kỹ thuật công nghệ.

Giờ học của lớp nghề chế tạo khuôn mẫu, Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ BR-VT bắt đầu bằng môn lý thuyết lắp ghép diễn ra rất sôi nổi, khi SV liên tục đặt câu hỏi, nhất là SV nữ. Lớp học tưởng chừng như chỉ dành cho nam giới này có tới 6 SV nữ. Là 1 trong 6 SV của lớp, Nguyễn Lý Thị Bích Trâm cho biết, từ nhỏ Trâm đã đam mê các ngành học liên quan đến kỹ thuật. Vì thế, học xong lớp 12, Trâm quyết định theo học nghề cắt gọt kim loại tại Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ BR-VT.

Trâm chia sẻ: “Mọi người thường nghĩ nghề kỹ thuật chỉ dành cho nam giới, nhưng thực tế, hiện nay, nghề kỹ thuật có thể phù hợp với cả nữ giới nhờ sự hỗ trợ ngày càng nhiều của các thiết bị, máy móc hiện đại”. 

Trong khi đó, em Nguyễn Thị Kim Chi từng đậu vào ngành thiết kế thời trang, Trường ĐH Công nghiệp TP.Hồ Chí Minh. Sau 1 năm học, Kim Chi quyết định rời bỏ giảng đường ĐH để chọn học nghề cắt gọt kim loại tại Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ. Kim Chi cho biết, việc học ĐH khiến gánh nặng kinh tế đối với gia đình quá lớn khi mỗi năm tiền học phí gần 18 triệu đồng. Trong khi, ngành thời trang học xong ra trường chưa chắc tìm được việc làm tốt. Sau khi tìm hiểu kỹ thông tin, biết nữ học ngành kỹ thuật có nhiều lợi thế, môi trường học tập thuận lợi và ra trường có việc làm ngay nên Kim Chi chọn học nghề cắt gọt kim loại. Hiện đang học năm thứ nhất, Kim Chi cho biết: “Lúc đầu vào học em cũng hơi lo lắng vì đa phần sinh viên trong lớp đều là nam giới, nhưng quá trình học được thầy, cô và các bạn hướng dẫn nhiệt tình nên việc học với em dễ dàng hơn”.  

SV nữ năm thứ nhất lớp nghề cắt gọt kim loại trường CĐ Kỹ thuật  công nghệ.
SV nữ năm thứ nhất lớp nghề cắt gọt kim loại trường CĐ Kỹ thuật công nghệ.

Em Nguyễn Thị Bảo Trang là nữ sinh duy nhất của Lớp công nghệ kỹ thuật ô tô, Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ BR-VT. Trang lựa chọn ngành học xuất phát từ niềm đam mê ô tô. Với Trang, khoảng thời gian được xuống xưởng thực hành với xe và máy móc hiện đại, được thử sức với thiết bị kỹ thuật, tự mày mò đưa từng ốc vít nhỏ là điều vô cùng thú vị. Trang cho biết, lý do nữa để em chọn ngành học này còn vì sau khi tìm hiểu, em nhận thấy thị trường ô tô ngày càng phát triển, có nhiều cơ hội việc làm. Điển hình như, học xong Trang có thể đi làm chuyên về phụ tùng, cố vấn kỹ thuật hoặc kinh doanh. Trang nhớ lại: “Lúc đầu khi nghe em muốn học ngành công nghệ ô tô, ba mẹ phản đối vì nghĩ ngành này học vất vả, khô cứng vì học về máy móc, động cơ… không phù hợp với con gái. Khi nghe em phân tích về tương lai của ngành mình lựa chọn và niềm đam mê của mình, ba mẹ em mới đồng ý. Hiện tại em vừa học nghề, vừa học để lấy bằng THPT”.

Tại Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ BR-VT hiện đang có 3.600 SV thì có 27 SV nữ theo học ngành cơ khí gồm: Cắt gọt kim loại, công nghệ kỹ thuật ô tô, chế tạo khuôn mẫu… Theo thống kê của Phòng Đào tạo, hàng năm, trường có khoảng 10 SV nữ theo học các nhóm ngành kỹ thuật. Theo bà Trương Huỳnh Như, Hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ BR-VT thì những năm qua, nữ SV theo học các nhóm ngành kỹ thuật có chiều hướng gia tăng. Hiện SV nhóm ngành kỹ thuật trong quá trình học không còn phải dùng sức mạnh để học như trước mà hầu hết học trên phần mềm và các phương tiện máy móc hiện đại. Vì thế, đòi hỏi người học cần có sự tỉ mỉ, kiên trì, nhẫn nại, cẩn thận dẫn đến SV nữ học ngành này đôi khi lại thuận lợi hơn SV nam. Kết thúc khóa học, các em nữ học nhóm ngành kỹ thuật rất “đắt hàng” và được DN săn đón. “Các DN khi xuống đặt vấn đề tuyển dụng với nhà trường, nhất là DN Nhật Bản rất muốn tuyển lao động nữ. Do vậy, cơ hội việc làm với các em luôn rộng mở. Tất cả SV nữ khi học xong đều có việc làm với mức lương và chế độ đãi ngộ tốt” bà Như chia sẻ.

Bài, ảnh: ĐÔNG TRÚC

 
;
.