.

Huyện Châu Đức: Hướng tới huyện nông thôn mới vào năm 2025

Cập nhật: 16:19, 10/09/2018 (GMT+7)

Thời gian qua, việc xây dựng nông thôn mới (NTM) ở các xã đã góp phần tạo nên sự thay đổi cơ bản, toàn diện về kinh tế - xã hội huyện Châu Đức. Chất lượng cuộc sống của nhân dân, cơ sở hạ tầng và môi trường nông thôn của huyện đã được cải thiện đáng kể. Hiện nay, chính quyền địa phương và nhân dân đang phấn đấu đến năm 2025, Châu Đức sẽ trở thành huyện NTM.

Đến huyện Châu Đức hôm nay ai cũng có thể dễ dàng nhìn thấy các công trình phúc lợi công cộng, trường học, trạm y tế… được xây dựng khang trang, kiên cố. Hệ thống truyền tải điện, thủy lợi, các tuyến đường giao thông trục chính, đường liên xã, liên thôn, liên ấp đã được xây dựng đồng bộ, kết nối thông suốt. Chị Nguyễn Thị Hằng (ấp Xà Bang 2, xã Xà Bang) chia sẻ: “Nhờ xây dựng NTM, các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội trên địa bàn xã Xà Bang được đầu tư kiên cố, khang trang, tạo lợi cho người dân phát triển sản xuất, kinh doanh, đời sống các gia đình cũng được từng bước nâng lên”.

Những con đường liên xã, liên thôn trên địa bàn huyện Châu Đức được xây dựng khang trang. Trong ảnh: Tuyến đường Xà Bang-Láng Lớn.
Những con đường liên xã, liên thôn trên địa bàn huyện Châu Đức được xây dựng khang trang. Trong ảnh: Tuyến đường Xà Bang-Láng Lớn.

Theo ông Nguyễn Văn Trọng, Chủ tịch UBND xã Xà Bang, xã triển khai xây dựng NTM từ năm 2014. Thời điểm đó, Xà Bang chỉ đạt 10/19 tiêu chí xã NTM. Bước vào xây dựng NTM, xã tập trung phát triển cơ sở hạ tầng, hướng dẫn người dân áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xây dựng nhiều mô hình sản xuất đạt hiệu quả cao như chăn nuôi heo, trồng nấm, nuôi trùn quế, đan giỏ nhựa, nuôi chim yến. Đơn cử, mô hình trồng nấm (nấm mèo, nấm rơm, nấm linh chi, nấm bào ngư) của gia đình anh Vũ Văn Khánh (ấp Liên Hiệp 1, xã Xà Bang) cho thu nhập 500-600 triệu đồng/năm. “Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã đạt khoảng 40 triệu đồng/người/năm, gấp gần 10 lần so với cách đây 10 năm”, ông Nguyễn Văn Trọng cho biết thêm.

Xuân Sơn là xã thứ 6 của huyện Châu Đức được tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM vào năm 2016. Trong quá trình xây dựng NTM, xã Xuân Sơn đã tập trung phát triển 2 tiêu chí: Xây dựng cơ sở hạ tầng và nâng cao thu nhập cho người dân. “Đến năm 2018, mức thu nhập bình quân đầu người của xã đạt gần 40 triệu đồng/năm, cao hơn gần 11 triệu đồng so với thời điểm địa phương chưa xây dựng NTM, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn khoảng 0,7%. Hiện nay, 100% người dân trong xã đã được sử dụng điện, 99% hộ dân được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh”, ông Nguyễn Thuận Phương, Chủ tịch UBND xã Xuân Sơn thông tin.

Xác định phát triển sản xuất và nâng cao thu nhập cho người dân là nội dung cốt lõi trong xây dựng NTM, những năm qua, huyện Châu Đức đã đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn; đẩy mạnh thu hút đầu tư, liên kết giữa DN với nông dân; tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ cao vào thực hiện các mô hình sản xuất nông nghiệp như: Công nghệ tưới tiết kiệm trong sản xuất hồ tiêu với diện tích khoảng 1.800ha; xây nhà lưới sản xuất rau, củ quả an toàn thực phẩm với quy mô khoảng 3 ha. Trong lĩnh vực chăn nuôi, huyện có 14 trang trại xây dựng chuồng trại khép kín với hệ thống làm mát, điều khiển nhiệt độ chuồng nuôi và sử dụng chế phẩm vi sinh trong chăn nuôi nhằm bảo vệ môi trường.

Mô hình chăn nuôi dê cho thu nhập khá của gia đình anh Phạm Minh Tú (ấp Bình Mỹ, xã Bình Ba).
Mô hình chăn nuôi dê cho thu nhập khá của gia đình anh Phạm Minh Tú (ấp Bình Mỹ, xã Bình Ba).

Ông Lê Thanh Liêm, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Châu Đức cho hay, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đã thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện. Năm 2010, khi chưa triển khai xây dựng NTM, cả 14 xã của huyện đều chưa đạt tới 10 tiêu chí NTM, thu nhập bình quân đầu người khoảng 15 triệu đồng/người/năm. Sau gần 8 năm triển khai xây dựng NTM, toàn huyện đã có 10 xã được công nhận đạt chuẩn NTM. Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện giảm còn khoảng 4,8%. Thu nhập bình quân của người dân các xã NTM đạt khoảng 40 triệu đồng/người/năm. Hiện nay, toàn huyện có 66/89 trường công lập đạt chuẩn trường Quốc gia. Trung tâm Y tế huyện bảo đảm các yêu cầu về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân sự, đáp ứng tốt nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân. 100% xã, thị trấn có bãi xử lý, lò đốt rác tập trung, các cơ sở sản xuất kinh doanh bảo đảm quy định về bảo vệ môi trường.

Theo ông Hồ Thúc Tiên, Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Đức, trong thời gian tới, huyện tiếp tục tập trung các nguồn lực để hoàn thành các tiêu chí NTM đối với 4 xã còn lại, gồm: Bình Giã, Bình Trung, Suối Nghệ và Láng Lớn, hướng tới mục tiêu trở thành huyện NTM vào năm 2025.

Bài, ảnh: TRÚC GIANG

.
.
.