.

Khởi nghiệp từ những "món ngon" mẹ dạy

Cập nhật: 17:30, 09/09/2018 (GMT+7)

Với niềm đam mê và mong muốn đem những sản phẩm truyền thống của gia đình đến người tiêu dùng, nhiều phụ nữ bắt tay vào khởi nghiệp và bước đầu đã thành công. Trong số đó có cơ sở sản xuất "Lạp xưởng Hai Nghĩa" của chị Phan Thị Ngọc Sang và cơ sở sản xuất bánh tráng của chị Đào Thị Cúc (TP.Bà Rịa). 

Với mô hình sản xuất bánh đa sạch đã giúp chị Cúc phát triển kinh tế gia đình.
Với mô hình sản xuất bánh đa sạch đã giúp chị Cúc phát triển kinh tế gia đình.

Cơ sở sản xuất “Lạp xưởng Hai Nghĩa” của chị Phan Thị Ngọc Sang (tổ 10, KP 2, phường Phước Trung) là điển hình cho sự khởi nghiệp thành công của phụ nữ. Từng tốt nghiệp ngành chế biến thủy sản và làm việc tại Xí nghiệp Chế biến Thủy sản Phước Cơ, nhưng năm 2016 chị Phan Thị Ngọc Sang quyết định nghỉ việc và khởi nghiệp với nghề làm lạp xưởng tươi. Sau gần 2 năm nỗ lực, hiện thương hiệu “Lạp xưởng Hai Nghĩa” đã khẳng định được tên tuổi trên thị trường. Chị Sang chia sẻ: “Ngày xưa, vào những ngày đặc biệt trong năm má tôi thường làm lạp xưởng để dùng và biếu người thân. Hương vị món ăn của má khiến tôi luôn nhớ mãi do mọi công đoạn má đều làm thủ công, vị rất đặc biệt. Sau này, tôi thường học má để làm quà biếu người thân, bạn bè. Khi thưởng thức, mọi người thấy ngon nên liên tục đặt hàng cho tôi làm từ vài chục cho tới vài trăm ký lạp xưởng tươi. Nhận thấy sản phẩm của mình được mọi người tin dùng, ủng hộ, tôi quyết định thực hiện ước mơ ấp ủ về làm lạp xưởng tươi bấy lâu để xuất ra thị trường”. Nhớ về những ngày đầu bắt tay vào sản xuất lạp xưởng, chị Sang kể: “Thời gian đầu khi bắt tay vào sản xuất, để tìm được kênh tiêu thụ rất vất vả. Mỗi ngày khi ấy chỉ cần bán được vài ký lạp xưởng tôi thấy mừng lắm rồi. Mãi sau này khi ăn thấy ngon, mọi người giới thiệu mối hàng nên đơn hàng tăng liên tục. Giờ lạp xưởng của tôi không chỉ bán trên địa bàn tỉnh mà còn có mặt tại TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng…”. Hiện nay, cơ sở của chị mỗi ngày sản xuất khoảng 200-300kg lạp xưởng tươi. Đó là chưa kể dịp cao điểm lễ, Tết lượng hàng tăng gấp rưỡi, đến gấp đôi. Không chỉ mang lại thu nhập trung bình mỗi năm gần 200 triệu đồng, chị Sang còn tạo việc làm thời vụ cho từ 6-8 lao động. Chị Sang cho hay: “Mong muốn của tôi là đem đến những sản phẩm sạch, an toàn và chất lượng cho người tiêu dùng. Hơn nữa, tôi mong mình sẽ đem lại nhiều cơ hội việc làm ổn định cho những chị em phụ nữ còn khó khăn”.

Chị Đào Thị Cúc (tổ 16, ấp Đông, xã Hòa Long) lại thành công với mô hình sản xuất bánh tráng, kết hợp trình diễn sản xuất trong các tour du lịch. Lúc chúng tôi đến thăm cơ sở sản xuất của chị, chị Cúc đang tất bật chuẩn bị sửa sang nhà cửa và nơi sản xuất để đón đoàn khách du lịch nước ngoài đã đặt lịch tới tham quan vào đầu tháng 11-2018. Chị Cúc cho biết, hiện chị đã nhận lịch của 3 đoàn khách sẽ đến tham quan mô hình sản xuất bánh tráng của mình. Khởi nghiệp chỉ với kinh nghiệm sản xuất bánh tráng do mẹ chị truyền lại, đồng vốn gần như rất ít, vậy nhưng đến nay chị Cúc đã tự tin khi làm chủ kinh tế gia đình và nuôi 3 người con ăn học. Trước kia, cũng như nhiều phụ nữ nông thôn, không được học hành tới nơi tới chốn, thiếu đất sản xuất, không có nghề nghiệp và chị Cúc chỉ ở nhà nội trợ. Chồng chị là lao động chính với thu nhập từ nghề lái xe ben không đủ lo cho gia đình. Năm 2012, chị Cúc quyết định tiếp nối nghề sản xuất bánh tráng truyền thống của mẹ mình. Với bản tính chịu khó, hàng ngày, 3 giờ sáng chị Cúc đã dậy xay bột, pha chế và đổ bánh tráng đa, bánh tráng đa ngọt để sáng đem phơi. 1 giờ chiều chị mang bánh ra chợ Hòa Long vừa quạt bánh bán vừa bỏ sỉ cho các cửa hàng trong chợ. 2 người con lớn của chị sau giờ đi học về đều phụ mẹ đi bỏ mối bánh tráng cho các quán ăn trên địa bàn TP.Bà Rịa. Hiện mỗi ngày chị Cúc sản xuất hơn 20kg bánh tráng vừa bán, vừa bỏ mối. Sau khi trừ chi phí mỗi tháng chị Cúc lãi khoảng 20 triệu đồng. Đặc biệt từ năm 2016, chị Cúc được Hội Phụ nữ xã Hòa Long giới thiệu liên kết với HTX Hòa Thành đưa khách du lịch vào tham quan cơ sở sản xuất bánh tráng. Chị Cúc chia sẻ: “Nhiều du khách sau khi ăn thử đã tiếp tục đặt hàng để gửi sang nước ngoài. Mỗi năm, mô hình gia đình tôi đón từ 4-5 đợt khách tới tham quan”, chị Cúc cho biết. Đầu năm 2018, chị Cúc được Hội Phụ nữ hỗ trợ vay 30 triệu đồng từ nguồn vốn giải quyết việc làm. Tháng 7-2018, chị tiếp tục được vay 12 triệu đồng để sửa sang cơ sở làm bánh, tạo điểm tham quan, phục vụ du khách. 

Theo bà Ngô Thị Kim Chi, Chủ tịch Hội LHPN TP.Bà Rịa, các cấp hội phụ nữ trên địa bàn luôn khuyến khích và tạo điều kiện để chị em khởi nghiệp, sản xuất, kinh doanh. Những mô hình làm kinh tế của chị Ngọc Sang và chị Cúc là điển hình để chị em phụ nữ khác cùng học hỏi và khẳng định về sự thành công của những nghề truyền thống, gắn với sự chịu thương, chịu khó của chị em. 

Bài, ảnh: ĐÔNG TRÚC

.
.
.