Nhiều vùng sản xuất chuyên canh hiệu quả
Thời gian qua, huyện Đất Đỏ đã ưu tiên đầu tư phát triển nông nghiệp. Trên địa bàn huyện đã bắt đầu hình thành các vùng sản xuất chuyên canh đạt năng suất cao, góp phần từng bước nâng cao thu nhập cho nông dân.
Cây mãng cầu ở xã Láng Dài (huyện Đất Đỏ) đã trở thành một trong những cây ăn trái chủ lực của huyện. Ảnh: QUANG VŨ |
Xác định nông nghiệp là ngành kinh tế chủ lực của huyện, đồng thời để thực hiện tốt đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM), các xã trên địa bàn huyện đã chủ động hướng dẫn bà con nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, luân canh cây màu... Đồng thời, phối hợp với ngành nông nghiệp huyện giới thiệu, chuyển giao các mô hình sản xuất mới. Kết quả là có nhiều mô hình được ứng dụng, nhân rộng như: Trồng lúa giống chất lượng cao, trồng rau an toàn, chuyên canh mãng cầu, nhãn xuồng cơm vàng, trồng đậu phộng trên đất trồng mì...
Tại xã Láng Dài, trước đây chỉ có 12 hộ trồng mãng cầu ta với diện tích 28ha. Từ năm 2013, chính quyền địa phương xác định đây là cây trồng chủ lực nên đã quy hoạch vùng trồng tập trung, nâng diện tích trồng mãng cầu lên 60ha. Từ việc quy hoạch vùng trồng tập trung, xã Láng Dài đã tăng cường các chương trình tập huấn, hỗ trợ khoa học kỹ thuật, tạo điều kiện cho người dân vay vốn đầu tư sản xuất. Ông Võ Thanh Dương, Chủ tịch Hội Nông dân xã Láng Dài cho biết, đến nay, cây mãng cầu đã trở thành cây ăn trái chủ lực của xã, mang lại hiệu quả kinh tế cho bà con nông dân. Trong số 60ha trồng mãng cầu của xã, có đến 28ha mãng cầu được nông dân áp dụng kỹ thuật xử lý ra hoa trái vụ, cho mức lãi 90 - 100 triệu đồng/ha/năm.
Là người trực tiếp tham gia vùng trồng chuyên canh cây mãng cầu, ông Trần Văn Châu, ấp Cây Cám, xã Láng Dài cho biết: “Những năm trước đây, gia đình tôi chuyên trồng mì, nhưng thu nhập bấp bênh do giá cả biến động. Năm 2013, qua các lớp tập huấn chuyển đổi cây trồng tổ chức tại địa phương, cũng như tham khảo chủ trương hình thành vùng chuyên canh của địa phương, tôi đã quyết định chuyển từ trồng mì sang trồng mãng cầu. Hiện nay, bình quân 1ha mãng cầu cho năng suất 7-8 tấn/vụ, sau khi trừ chi phí tôi thu lãi từ 120-150 triệu đồng/vụ, cao gấp ba lần so với trồng mì ”.
Giai đoạn 2012 - 2017, Phòng NN - PTNT huyện Đất Đỏ đã phối hợp với các địa phương, Hội Nông dân các cấp khảo sát, chọn nhiều hộ nông dân tham gia các mô hình phát triển sản xuất như: trồng nhãn xuồng cơm vàng, trồng xoài Úc, xoài cát Hòa Lộc, chuyên canh mãng cầu, trồng chuối già Nam Mỹ cao sản... Để các mô hình triển khai hiệu quả, Phòng NN - PTNT đẩy mạnh chuyển giao khoa học kỹ thuật, sản xuất theo hướng an toàn. Đồng thời, tích cực vận động hội viên nông dân tham gia các tổ hợp tác, hợp tác xã, thực hiện liên kết sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ.
Ngoài ra, trong sản xuất lúa, trên những chân ruộng cao, nông dân chủ động luân canh lúa với các loại cây trồng ngắn ngày không đòi hỏi nhiều nước tưới như dưa hấu, rau, bắp, đậu phộng... giúp tăng hiệu quả sử dụng đất, nâng hệ số vòng quay sử dụng đất tăng lên 1,95 lần/năm, giá trị sản xuất bình quân trên 1ha đất nông nghiệp tăng mạnh.
Những giải pháp này đã góp phần thay đổi dần tập quán canh tác cũ, sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất quy mô lớn tập trung, áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới làm tăng hiệu quả kinh tế. Tại các xã NTM đời sống của nông dân ngày một nâng cao, thu nhập bình tại các xã trên địa bàn huyện đạt từ 36 đến 44 triệu đồng/người/năm.
Ông Tạ Văn Bửu, Chủ tịch UBND huyện Đất Đỏ cho biết: Trong thời gian tới, huyện sẽ đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá, gắn sản xuất với chế biến, kinh doanh. Trong quá trình đó, sẽ hình thành các vùng sản xuất tập trung, có cơ chế khuyến khích sản xuất tập trung để tạo vùng hàng hoá gắn với chế biến và bảo quản sau thu hoạch.
THANH NGHI