Nơi Trung thu đến sớm
Từ đầu tháng 7 âm lịch, thị trấn Long Điền (huyện Long Điền) đã rộn ràng không khí Trung thu. Từ cuối tháng 6 âm lịch, các lò bánh Trung thu truyền thống đã nổi lửa.
Khách mua bánh Trung thu tại cơ sở sản xuất bánh Văn Hoà Lạc. |
THƯƠNG HIỆU NỔI TIẾNG
Câu chuyện về chiếc bánh Trung thu ở Long Điền trải dài theo thời gian và đổi thay qua năm tháng nhưng vị ngon và sự tinh túy, cầu kỳ trong từng chiếc bánh vẫn còn vẹn nguyên. Bánh Trung thu Long Điền có nhiều loại trong đó nổi tiếng và cầu kỳ nhất chính là bánh da dộp.
Trong ngôi nhà cấp 4 số 85 Mạc Thanh Đạm, khu phố Long Tân, thị trấn Long Điền, chị Huỳnh Lệ Tiên, chủ lò bánh Văn Tập Hòa cẩn thận bỏ từng chiếc bánh vào hộp trước khi giao cho khách. Gia đình chị bắt đầu làm bánh Trung thu từ những năm 1970. Hồi đó, chiếc bánh chỉ nhỏ lọt lòng bàn tay. Các loại bánh đậu xanh, thập cẩm… thì làm bằng khuôn gỗ. Riêng bánh da dộp phải làm hoàn toàn bằng tay mà không hề có khuôn nào cả. Cuộc sống lúc đó còn khó khăn, bánh Trung thu là thứ xa xỉ nên mỗi mùa Trung thu, các lò bánh ở Long Điền chỉ bán được vài trăm cái. Người dân ăn còn thòm thèm. Khi kinh tế phát triển, đời sống khá giả hơn, bánh Trung thu trở thành quà biếu. Từ những chiếc bánh nhỏ khoảng 200-300gr, các lò bánh Trung thu Long Điền đã sản xuất ra các loại bánh da dộp cỡ lớn, từ 800gr-1,5kg. Rồi bao bì, mẫu mã cũng được thay đổi cho bắt mắt.
Cơ sơ Bánh trung thu Văn Tập Hoà đóng gói bánh Trung thu. |
Chị Lê Thị Thọ Sương, chủ cơ sở sản xuất bánh Trung thu Tuyết Hân (56L2 khu phố Long Hiệp, thị trấn Long Điền) cho biết, khoảng năm 2000 lò bánh của gia đình chị bắt đầu sản xuất các loại bánh da dộp cỡ lớn để sử dụng được các loại hạt điều, hạt bí, mè, khoai môn, mứt, trứng muối, thịt heo, gà quay làm nhân. Theo thời gian, bánh Trung thu Long Điền ngon nổi tiếng không chỉ được người dân địa phương tin dùng mà khách hàng từ các tỉnh, thành lân cận như Đồng Nai, Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh, Long An, Bến Tre…. cũng đặt mua. Khi khách ngày càng đông, các cơ sở sản xuất bánh Trung thu đầu tư thêm lò nướng, máy trộn bột, máy đánh nhân để tiết kiệm thời gian và nhân công. Nhưng hương vị, bí quyết cổ truyền của chiếc bánh Trung thu trong mỗi lò bánh vẫn được truyền lại qua các thế hệ.
Làm nhân bánh tại cơ sở sản xuất bánh Trung thu Tuyết Hân. |
Nắm bắt nhu cầu chuộng các loại bánh ít béo, ít đường và các loại bánh sử dụng nguyên liệu từ thiên nhiên của người tiêu dùng, những năm gần đây, các cơ sở sản xuất bánh Trung thu ở Long Điền đã gia giảm lượng mỡ, lượng đường trong bánh và sử dụng các nguyên liệu tự nhiên như trà xanh, thanh long, dâu, hạt sen, hạnh nhân… Các loại bánh đã được thay thế nguyên liệu từ thịt heo sang thịt gà và dùng dầu ăn xào nhân thay thế mỡ heo. Bên cạnh đó, việc sử dụng các nguyên liệu bằng nguồn gốc thiên nhiên, cải tiến quy trình sản xuất, giảm ngọt, bổ sung chất xơ cho bánh cũng được chú trọng hơn. Theo xu hướng chung của thị trường, các cơ sở bánh Trung thu Long Điền còn sản xuất nhiều loại bánh dành cho người ăn kiêng, người mắc bệnh tiểu đường, bánh chay.
GIỮ LỬA NGHỀ TRUYỀN THỐNG
Khác với các loại bánh công nghiệp, bánh Trung thu Long Điền không có chất bảo quản nên thời gian sử dụng chỉ được khoảng 10 ngày. Vì vậy, bánh luôn tươi mới. Chiếc bánh cắt ra không bị khô, có vị dẻo của khoai, của đậu, vị ngọt bùi của các loại mứt.
Theo các cơ sở sản xuất bánh Trung thu Long Điền, mùa bánh Trung thu Long Điền kéo dài khoảng một tháng rưỡi (từ đầu tháng 7 đến rằm tháng 8 âm lịch), nhưng cao điểm nhất là từ đầu đến giữa tháng 8 âm lịch. Những người theo nghề làm bánh Trung thu dù đang làm gì, ở đâu thì mùa bánh cũng quay về Long Điền để nối nghiệp cha ông. Anh Văn Chí Cường, chủ tiệm bánh Văn Mỹ Phong (212 Võ Thị Sáu, khu phố Long Tân, thị trấn Long Điền) cho biết, gia đình anh đã 3 đời làm bánh. Riêng anh cũng làm chủ tiệm bánh này được 30 năm. Mặc dù đã đi làm ăn ở Mỹ khoảng 10 năm nay, nhưng hàng năm cứ đến đầu tháng 7 âm lịch, anh lại về Long Điền cùng anh em làm bánh Trung thu.
Gần 10 năm qua, cứ vào mùa bánh Trung thu, hai chị em Văn Mỹ Linh và Văn Chí Thắng lại bận rộn với cơ sở bánh Trung thu Văn Hòa Lạc (299 Võ Thị Sáu, khu phố Long Tân, thị trấn Long Điền) do cha truyền lại. “Mỗi năm, chúng tôi chỉ làm một mùa bánh Trung thu. Thời gian làm chỉ 1-2 tháng nhưng khi đã vào mùa thì dù bận rộn đến đâu cũng phải cố gắng sắp xếp mọi việc để làm bánh cho thật ngon. Bao nhiêu tâm huyết về nghề truyền thống ba đã truyền lại nên chúng tôi phải cố gắng hết sức để gìn giữ và phát triển nó”, chị Văn Mỹ Linh nói.
Theo chị Linh, mỗi công đoạn sản xuất bánh, cơ sở đều có một người trong gia đình giám sát. Và cứ một ngày làm bánh thì một ngày nghỉ để có thời gian cho bánh khô, cứng và tiêu thụ hết trong ngày. “Nếu mở đại lý ở một nơi nào đó thì việc cung cấp bánh tươi đến người tiêu dùng rất khó bảo đảm. Còn nếu mở thêm cơ sở để sản xuất bánh ở một nơi khác thì lại khó quán xuyến, dễ làm mất thương hiệu. Do vậy, dù những năm gần đây lượng khách đông, không có đủ bánh để bán nhưng chúng tôi vẫn không vì lợi nhuận mà làm ẩu”, chị Linh tâm sự.
Đó không chỉ là câu chuyện về việc giữ gìn thương hiệu bánh Trung thu truyền thống của riêng Văn Hòa Lạc mà còn là ý thức chung của các cơ sở sản xuất bánh Trung thu Long Điền từ nhiều năm qua.
Giá bánh Trung thu Long Điền năm nay tăng nhẹ 2-3% do nguyên liệu làm bánh tăng. Theo đó, bánh Trung thu nhỏ từ 1-3 trứng: 50.000-65.000 đồng/cái. Bánh da dộp loại 600gr-1,5kg giá từ 270.000-480.000 đồng/cái. |
Bài, ảnh: QUANG VŨ