.

Giải tỏa lượng container phế liệu tồn đọng ở cảng

Cập nhật: 18:50, 29/08/2018 (GMT+7)

Theo Cục Hải quan tỉnh, hiện tại khu vực Cái Mép - Thị Vải, lượng container tồn đọng đã giảm hơn 50% so với tháng 6-2018. Tuy nhiên, số container chứa phế liệu vẫn còn khá nhiều. Về lâu về dài, các DN cảng và ngành hải quan cần có những giải pháp căn cơ để xử lý triệt để tình trạng tồn đọng nói trên, nhất là các container chứa phế liệu.

Hiện tại khu vực Cái Mép - Thị Vải còn tồn khoảng 3.218 container.
Hiện tại khu vực Cái Mép - Thị Vải còn tồn khoảng 3.218 container.

RÀ SOÁT XỬ LÝ NHANH CONTAINER TỒN ĐỌNG

Để xử lý các container tồn đọng đối với hàng phế liệu, Cục Hải quan tỉnh chỉ đạo các Chi cục rà soát và thông báo cho DN có hàng hóa nhập khẩu (NK) là phế liệu đang lưu giữ tại Cái Mép-Thị Vải khẩn trương làm thủ tục thông quan. Đồng thời, phân loại để xử lý các container phế liệu tồn đọng quá 90 ngày theo quy định tại Thông tư số 203/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính. Tiến hành rà soát sớm giao cho cơ sở xử lý chất thải tiêu hủy các lô hàng phế liệu vi phạm quy định về bảo vệ môi trường…

Sau một tháng tập trung xử lý các container hàng hóa chậm lưu chuyển có nguy cơ tồn đọng, hiện tại khu vực Cái Mép - Thị Vải còn tồn khoảng 3.218 container (giảm 3.315 container so với tháng 6-2018). Tuy nhiên, hiện nay, các container tồn đọng vẫn chủ yếu là các hàng phế liệu (sắt thép, nhựa, giấy).

Phân tích về những nguyên nhân dẫn đến tình trạng ùn ứ container phế liệu tại các cảng biển, Bộ TN-MT cho biết, từ cuối năm 2017, Trung Quốc dừng nhập khẩu 24 loại phế liệu phục vụ tái chế. Do đó, các nước có nhu cầu về sử dụng phế liệu để tái chế như Việt Nam, Thái Lan, Malaysia có điều kiện nhập hàng. Dù vậy, quy định về nhập khẩu phế liệu của nước ta là rất khắt khe. Trong khi đó, nhiều DN NK phế liệu, dù chưa có Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường nhưng vẫn ký hợp đồng mua bán. Điều này, dẫn đến tình trạng, nhiều lô hàng đã về đến Việt Nam chưa đủ điều kiện thông quan, gây ùn ứ. Cũng có trường hợp, DN không bổ sung được các giấy tờ cần thiết nên bỏ luôn hàng. Thậm chí, một số DN nhập khẩu phế liệu đăng ký địa chỉ kinh doanh không đúng với thực tế (địa chỉ ma) hoặc đã chuyển địa chỉ mà không cập nhật nhưng cố tình nhập phế liệu không đáp ứng quy chuẩn, quy định. 

Ngoài ra, còn có tình trạng, một số hãng tàu vận chuyển trong tờ khai E-Manifest lược khai hàng hóa không có phế liệu, nhưng thực tế có phế liệu, sau khi dỡ hàng xuống cảng mới khai báo cụ thể số lượng, chủng loại hàng phế liệu. Trong khi đó, Việt Nam chưa có cơ chế phòng ngừa, kiểm soát việc NK phế liệu từ xa, từ ngoài biên giới, chỉ khi tàu cập cảng, hàng hóa được vận chuyển sắp xếp lên bờ lúc đó mới làm thủ tục thông quan và kiểm tra giấy phép nhập khẩu phế liệu. Do đó, cơ quan chức năng luôn bị động phải đối phó với những chủ tàu, chủ hàng cố tình vi phạm, gian lận  nhập phế liệu không đúng hoặc không có giấy phép vẫn nhập về.

Cần siết chặt việc nhập phế liệu để hạn chế các container tồn đọng. Trong ảnh: Vận chuyển hàng container tại cảng TCIT. Ảnh: THANH NGA
Cần siết chặt việc nhập phế liệu để hạn chế các container tồn đọng.
Trong ảnh: Vận chuyển hàng container tại cảng TCIT. Ảnh: THANH NGA

CẦN SỚM THÁO GỠ VƯỚNG MẮC

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, các giải pháp xử lý container phế liệu tồn đọng còn mang tính chất “chữa cháy”, chỉ giải quyết được phần ngọn, chưa đủ để giải quyết phần gốc. Do vậy, theo đề xuất của ông Phạm Anh Tuấn, Phó Giám đốc cảng Tân Cảng - Cái Mép (TCIT), muốn giải quyết được vấn đề này cần xử lý ngay từ khâu nhận đơn hàng. Tức là trước khi hàng phế liệu NK vào cảng, cần làm rõ chủ hàng là ai, loại hàng hóa gì. Nếu chủ tàu không trả lời được, cần tạm dừng việc NK hàng phế liệu vào cảng và có cơ chế xử lý đối với các hãng tàu vận chuyển hàng không đúng quy định.

Trong khi đó, theo các hãng tàu, hiện nay việc xác định thế nào là phế liệu, thế nào là phế thải hiện chưa được rõ ràng, đặc biệt là đối với cụm từ “hàng đã qua sử dụng có tính chất phế liệu”. Với cụm từ này sẽ có nhiều cách hiểu khác nhau, và nếu khách hàng khai là “hàng đã qua sử dụng” thì hãng tàu sẽ không thể yêu cầu khách hàng phải cung cấp giấy phép nhập khẩu. Tuy nhiên, khi hàng về đến cảng thì lại được phân loại thành hàng có tính chất phế liệu và không được thông quan. Bên cạnh đó, hiện nay việc giải quyết những container hàng không còn giá trị (hầu hết những container phế liệu tồn lâu ngày, không có chủ hàng đến nhận đều là những loại hàng này) lại rất khó bởi kinh phí xử lý cao.

Ông Đặng Sơn Hải, Phó Giám đốc Sở TN-MT cho biết, toàn tỉnh hiện có 10 đơn vị đang nhập khẩu, sử dụng phế liệu NK làm nguyên liệu sản xuất. Theo quy định của Luật bảo vệ tài nguyên và môi trường thì tổ chức cá nhân NK phế liệu phải tái xuất nếu không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật về môi trường; trường hợp không tái xuất được thì phải xử lý theo quy định của pháp luật về quản lý chất thải. Nhưng quy định về việc tiêu hủy phế liệu NK hiện còn những bất cập. Theo Thông tư số 41/2015/TT-BTNMT thì tổ chức, cá nhân NK phế liệu gửi văn bản thông báo về lô hàng và báo cáo việc NK cho cơ quan cấp giấy xác nhận. Trong trường hợp giấy xác nhận do Bộ TN-MT cấp hoặc do Sở TN-MT các tỉnh khác cấp nhưng lại NK qua cửa khẩu ở tỉnh BR-VT sẽ dẫn đến việc tiếp cận thông tin để xử lý rất khó khăn.

Ông Bùi Sỹ Đức, Phó Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh cho biết: Để hạn chế tình trạng NK phế liệu như hiện nay, các cơ quan như: Bộ TN-MT, Tổng cục Môi trường cần xem xét, điều chỉnh và tiến tới cấm một số mã hàng như: Mã hàng phế liệu nhựa, giấy không phân loại. Đây là 2 nhóm hàng có nguy cơ gây ô nhiễm. Đồng thời, có một số phế liệu trong nước chúng ta đang dư thừa, khuyến cáo các DN tái chế sử dụng trong nước như: Xỉ cát, thạch cao ở các nhà máy nhiệt điện than. Bộ TN-MT, Tổng cục Môi trường cần phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường thanh kiểm tra việc bảo vệ môi trường trong NK phế liệu, xử lý nghiêm minh những DN vi phạm.

Liên quan đến việc xử lý các container phế liệu tồn đọng, Cục Hàng hải Việt Nam vừa có văn bản gửi các DN cảng biển, các hãng tàu biển nước ngoài phối hợp chặt chẽ với các hãng tàu, đại lý hãng tàu, chủ hàng và cơ quan chức năng khẩn trương rà soát, thống kê, phân loại hàng hóa container phế liệu hiện đang tồn đọng. Trên cơ sở đó, báo cáo đề xuất phương án di dời đối với từng lô hàng để tạo thuận lợi cho vận hành khai thác cảng. Hãng tàu có trách nhiệm cập nhật, thông tin chính xác số lượng hàng hóa còn tồn đọng để các cơ quan liên quan có giải pháp xử lý kịp thời. Trong đó, đối với các trường hợp như: Người nhận hàng không đến nhận hoặc trì hoãn việc nhận hàng và đã quá thời gian theo thỏa thuận; Nhiều người cùng xuất trình vận đơn, giấy gửi hàng đường biển hoặc chứng từ vận chuyển khác có giá trị để nhận cùng một lô hàng; Người giao hàng và người nhận hàng không thanh toán hết các khoản nợ đã được quy định tại hợp đồng hoặc không đưa ra đảm bảo cần thiết thì hãng tàu thực hiện quyền lưu giữ hàng hóa do người vận chuyển lưu giữ tại cảng biển tại Nghị định 169/2016 của Chính phủ. Đối với trường hợp hàng hóa phế liệu khác tồn đọng tại cảng biển, Cục Hàng hải Việt Nam đề nghị các đơn vị thực hiện xử lý theo quy định theo văn bản số 4202 của Tổng cục Hải quan về hướng dẫn phế liệu quản lý phế liệu nhập khẩu từ nước ngoài về Việt Nam, các quy định của Luật Hải quan và các quy định pháp luật liên quan khác. 

Bài, ảnh: TRÀ NGÂN

.
.
.