Ngư dân chờ mong dự án nạo vét Cửa Lấp
Bất tiện, tốn thêm chi phí và rủi ro là những gì mà chủ cả ngàn tàu đánh bắt hải sản ở xã Phước Tỉnh (huyện Long Điền) đang phải gánh chịu trước tình trạng Cửa Lấp bị bồi lấp nghiêm trọng như hiện nay. Việc nạo vét cửa thông thoáng để tàu, thuyền ra vào thuận tiện đã được tính toán nhưng lại chưa thể triển khai do đang chờ vốn.
VỪA TỐN KÉM, VỪA RỦI RO
Để vươn khơi, tàu đánh bắt xa bờ của ngư dân Phước Tỉnh phải đi vòng qua hướng cầu Cửa Lấp, cầu Cỏ May, cầu Gò Găng về TP. Vũng Tàu với quãng đường hơn 30 hải lý mới ra được tới khu vực Sao Mai, phường 5, TP. Vũng Tàu. Trong ảnh: Những chiếc tàu cá của ngư dân xã Phước Tỉnh trong một chuyến vươn khơi. |
Hiện nay khu vực Cửa Lấp tiếp tục bị bồi lấp nghiêm trọng. Nếu thủy triều xuống, nước cạn, tại khu vực cửa biển hình thành một bãi cát lớn, người dân chỉ cần xắn ống quần là lội qua được, thậm chí, một vài người dân của xã cho hay, họ có thể chạy xe Honda vượt qua bãi cát ra gần cửa biển cào nghêu.
“Mặc dù từ cảng cá Phước Tỉnh ra khỏi cửa biển Cửa Lấp chỉ khoảng 2 hải lý, nhưng do cửa bị cạn nên các phương tiện ghe thuyền của ngư dân ở Phước Tỉnh phải đi vòng qua hướng cầu Cửa Lấp-cầu Cỏ May-cầu Gò Găng về TP. Vũng Tàu với quãng đường hơn 30 hải lý nên đội thêm chi phí tiền dầu. Mà việc chạy đường vòng giờ cũng gặp nhiều rủi ro, đó là từ cầu Cửa Lấp ra cầu Cỏ May có đoạn người dân san lấp làm cầu cảng nhưng không kè, chắn kỹ đã để đất đá trôi xuống lòng sông làm cạn dòng. Nếu không tính kỹ thủy triều hoặc chưa hiểu luồng lạch, qua khu vực này, tàu cá dễ bị mắc cạn, gãy chân vịt và chủ tàu phải tốn từ 300-400 triệu đồng thay chân vịt, đồng thời trễ cả chuyến biển. Vì vậy mong sao Nhà nước sớm nạo vét cửa biển Cửa Lấp và xử lý các điểm cạn để ngư dân được nhờ!”, ông Bạch Lứa, ngư dân ở ấp Tân Lập, xã Phước Tỉnh nói.
Trên địa bàn huyện Long Điền hiện có 1.834 tàu cá, trong đó 1.335 tàu đánh bắt xa bờ có công suất từ 90CV trở lên. Lực lượng trực tiếp tham gia đánh bắt trên tàu khoảng 11.837 người. Thế nhưng, từ 10 năm nay, tàu thuyền của xã Phước Tỉnh đang bị “khóa” đường vào ra bởi cửa biển đang bị bồi lấp nghiêm trọng.
“Với chiều dài quãng đường gần 30 hải lý từ Phước Tỉnh sang TP. Vũng Tàu, mỗi cặp ghe phải tốn thêm khoảng 500 lít dầu. Với 500 cặp ghe trên địa bàn xã, tính riêng tiền dầu chạy máy cũng mất 5 tỷ đồng cho mỗi chuyến biển. Mỗi năm đi được 5 đến 6 chuyến biển thì chi phí tiền dầu tăng thêm hàng chục tỷ đồng. Trong khi đó, đi biển ngày càng khó, việc phát sinh thêm chi phí càng khiến ngư dân thêm khổ. Vì vậy, Nhà nước nên nạo vét cửa biển Cửa Lấp càng sớm càng tốt để giảm chi phí cho ngư dân”, ngư dân Trà Văn Hoành, ở ấp Phước Lộc, xã Phước Tỉnh tính toán.
Cuối tháng 4-2017, tàu vỏ thép BV 96789TS của ngư dân Thái Thuần Tốt (ấp Tân An, xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền) được đóng mới bằng nguồn vốn vay ưu đãi theo Nghị định 67 đã hạ thủy, vươn khơi. Đây là tàu dịch vụ hậu cần thủy sản vỏ thép lớn thứ 2 của tỉnh. Tàu dài 52,9m, rộng 9,29m, được trang bị 2 động cơ mới 100% hiệu Mitsubishi công suất 1.032 CV mỗi máy. Ông Thái Thuần Tốt cho biết: “Đóng tàu lớn, nhưng giờ cửa biển bị bồi lấp, tàu không thể vào cảng cá Phước Tỉnh mà phải đậu ở cảng cá ở TP. Vũng Tàu. Mong sao cửa biển Cửa Lấp sớm nạo vét để đưa tàu về cảng Phước Tỉnh đậu không mất thời gian và chi phí đi lại và con tàu 67 của gia đình được “về nhà”, ông Tốt trầm ngâm.
CHỜ BỐ TRÍ VỐN
Một tàu cá bị mắc cạn tại cửa biển Cửa Lấp trong chuyến biển đầu năm 2014. Ảnh: THÀNH HUY |
Theo phản ánh của ngư dân Phước Tỉnh, việc Cửa Lấp bị bồi lắng đã diễn ra từ 10 năm trước và bà con đã phản ánh lên các cấp chính quyền về tình trạng này. Để giải quyết tình trạng bồi lấp huyện Long Điền đã thực hiện dự án duy tu, nạo vét khơi thông luồng tại các điểm cạn và dòng chảy bị thu hẹp khu vực Cửa Lấp. Tuy nhiên việc nạo vét cũng không mang lại hiệu quả, tình trạng bồi lắng đến nay chưa được giải quyết mà ngày càng nặng hơn. Nếu tàu cá không về được các cảng ở Phước Tỉnh, thì không chỉ chủ ghe chịu thiệt hại mà còn kéo theo hàng nghìn lao động trên bờ cũng thất nghiệp. Chẳng những thế, những dịch vụ làm theo nghề thủy sản cũng bị tác động dây chuyền.
Ông Nguyễn Văn Bạn, ngư dân ấp Tân Phước, xã Phước Tỉnh cho biết: “Luồng Cửa Lấp bị bồi lấp không chỉ gây khó cho đường ghe ra biển, mà khi ghe đánh bắt về cũng không thể cập cảng được. Các ghe này phải chạy sang các tỉnh Bình Thuận, Sóc Trăng… để bán cá nên chi phí “đội lên”, không những thế địa phương lại mất nguồn thu”.
Đồng ý kiến, ông Nguyễn Văn Nhỏ (ấp Tân An, xã Phước Tỉnh) cho hay, nếu như trước đây, mỗi lần ghe tàu về cảng là tôm, cua, cá đầy, người lao động ngơi tay không hết việc, thì giờ các dịch vụ đều vắng bởi tàu, ghe đánh bắt về “đổ” hàng tại TP.Vũng Tàu hoặc cảng xã Phước Hưng, hoặc đi xa hơn. Hiện nhiều lao động có nhu cầu chuyển đổi ngành nghề, nhưng cũng rất khó”.
Theo ông Nguyễn Thành Tuynh, Chủ tịch UBND xã Phước Tỉnh, suốt 10 năm qua, ở bất kỳ cuộc họp, tiếp xúc cử tri nào, người dân địa phương cũng “kêu cứu” về tình trạng bồi lấp ở Cửa Lấp. Tuy nhiên dù đã có dự án nhưng đến nay vẫn chưa được triển khai. “Đánh bắt hải sản là nghề truyền thống của bà con ở Phước Tỉnh từ xưa tới giờ, kèm theo đó là các dịch vụ kinh doanh đi kèm, nhưng hiện đều đang “chuyển hướng” qua các nơi khác như xã Phước Hưng, TP.Vũng Tàu, tỉnh Bình Thuận, gây ảnh hưởng đến kinh tế người dân và cả địa phương. Không chỉ thế, việc các tàu cá bị hỏng rất thường xuyên, khiến ngư dân không yên tâm bám biển bởi chi phí cao, lãi ít, thậm chí hòa vốn. Chính quyền địa phương mong mỏi dự án sớm được triển khai”, ông Tuynh nói.
Nhưng việc đi đường vòng giờ cũng gặp rủi ro nếu không canh nước lớn, điểm cạn thì nguy cơ gãy chân vịt khi tàu rơi vào các điểm cạn. Trong ảnh: Ngư dân phải kéo một chân vịt của tàu bị sự cố khi chạy vào điểm cạn. |
Dự án “Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá tại Cửa Lấp” đã được phê duyệt, triển khai thực hiện theo Quyết định số 1349/QĐ-TTg ngày 9-8-2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh quy hoạch khu neo đậu, tránh trú bão cho tàu cá đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Theo đó, dự án có thể phục vụ 1.200 tàu cá có công suất 300CV trở lên neo trú bão. Theo dự toán, tổng mức đầu tư điều chỉnh của dự án hơn 464 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương 390 tỷ đồng và ngân sách địa phương hơn 74 tỷ đồng. Thời gian thực hiện trong vòng 4 năm kể từ ngày khởi công. Trong dự án này có việc nạo vét cửa biển, luồng Cửa Lấp và xây dựng 2 đê chắn sóng ngăn cát trước cửa biển. Dự án đã có, nhưng vẫn chưa thể triển khai vì còn chờ vốn.
Cửa Lấp bị bồi lấp gây nhiều bức xúc cho ngư dân vì chi phí cho mỗi chuyến biển bị đội lên rất nhiều. Chỉ cần nhẩm tính, để ra cửa biển, mỗi tàu đi vòng, chi phí tăng thêm khoảng chục triệu đồng tiền dầu/lượt. Với hơn một ngàn chiếc tàu phải đi vòng như thế thì chi phí trên lên vài chục tỷ đồng. Xét ở góc độ kinh tế, dự án nạo vét luồng Cửa Lấp là một bài toán đầu tư hiệu quả, tiết kiệm chi phí hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng mỗi năm cho bà con ngư dân. Vì vậy, cần sớm thực hiện việc nạo vét cửa biển Cửa Lấp cho ngư dân an tâm ra khơi bám biển.
Bài, ảnh: THÀNH HUY, MINH QUANG
Ông Trần Văn Cường, Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết: “Để thúc đẩy tiến độ của dự án các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã làm việc với Bộ NN-PTNT, Bộ KH-ĐT, trong đó Bộ KH-ĐT đã ghi nhận và hứa ưu tiên bố trí vốn cho dự án. Hiện nay vẫn đang chờ thông báo kết luận của liên bộ Bộ NN-PTNT và Bộ KH-ĐT có thống nhất về việc ghi vốn và bố trí vốn để thực hiện dự án, nếu bố trí vốn trong năm 2018 thì dự án sẽ được khởi công vào đầu năm 2019. Tổng dự toán của dự án đã được điều chỉnh nhiều lần, để thực hiện dự án ngoài nguồn vốn Trung ương còn có nguồn vốn của địa phương”. |