Gỡ khó cho các đơn vị vận tải xe buýt
Phương tiện cũ, chưa được quản lý và điều hành chặt chẽ, thiếu cơ chế, chính sách hỗ trợ… đó là những bất cập hiện nay của hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh. Trước thực trạng này, mới đây, Sở GT-VT đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức hội thảo để đưa ra các biện pháp giải quyết tình trạng này.
NHIỀU BẤT CẬP
Xe buýt tuyến số 11 lưu thông trên Quốc lộ 51, đoạn qua địa bàn TX. Phú Mỹ. |
Ông Trần Thượng Chí, Phó Giám đốc Sở GT-VT cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện có 6 tuyến xe buýt đang hoạt động gồm: Tuyến Vũng Tàu - Biên Hòa (số 611), tuyến Long Điền - Xuân Lộc (số 606), tuyến Vũng Tàu - Phú Túc (số 22), tuyến Xuyên Mộc - Dầu Giây (số 15), tuyến Bình Châu - Lagi (số 8) và Vũng Tàu - Bình Châu (số 4). Các tuyến này được 2 DN, HTX của tỉnh và 4 đơn vị ngoài tỉnh khai thác, với 135 đầu xe, giá vé từ 5 ngàn đến 45 ngàn đồng/lượt.
Hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt đang có nhiều bất cập như: phương tiện cũ, không có máy lạnh; nhả khói ô nhiễm môi trường; dừng đón trả khách không đúng nơi quy định; không có thông tin về lộ trình tuyến xe tại các trạm, điểm dừng; chưa có bến xe buýt riêng, chưa có trung tâm điều hành và quản lý, chưa có trang web cập nhật thông tin hoạt động, lộ trình tuyến, thời gian đón khách tại trạm dừng; mạng lưới tuyến hoạt động chưa phủ khắp địa bàn tỉnh, thiếu các tuyến kết nối giữa các huyện và vùng; chưa có sự kết hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý Nhà nước và các đơn vị vận tải. Bên cạnh đó, các DN, HTX khai thác loại hình vận tải này nhỏ lẻ; không đủ vốn nâng cấp xe và nâng cao năng lực phục vụ của đội ngũ nhân viên...
TĂNG HỖ TRỢ ĐỂ PHÁT TRIỂN XE BUÝT
Trước thực trạng trên, vào cuối tháng 6-2018, Quỹ Đầu tư phát triển BR-VT phối hợp với Sở GT-VT đã tổ chức hội thảo “Đầu tư phát triển mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng phương tiện xe buýt” trên địa bàn tỉnh. Tại hội thảo, đã có nhiều ý kiến về việc nâng cao chất lượng vận tải bằng xe buýt.
Xe buýt tuyến Vũng Tàu-Biên Hòa lưu thông trên đường Trần Hưng Đạo (TP.Vũng Tàu). Ảnh: PHƯƠNG NAM |
Ông Vũ Thanh Hùng, Giám đốc HTX Dịch vụ Vận tải TP.Bà Rịa cho biết: HTX hiện đang khai thác 3 tuyến xe buýt (số 606, số 611 và số 22). Sau nhiều năm hoạt động, hầu hết các phương tiện đã xuống cấp. HTX cũng muốn đầu tư xe mới, tuy nhiên lãi suất vay mua xe buýt (khoảng 1,3 tỷ đồng/xe) đang khá cao, nếu đầu tư dễ dẫn đến thua lỗ. Do vậy, tỉnh nên quan tâm xem xét, ban hành cơ chế hỗ trợ lãi suất đối với tổ chức, cá nhân vay vốn để đầu tư phương tiện.
Còn ông Nguyễn Xuân Thiện, Giám đốc HTX Dịch vụ Vận tải Thống Nhất - Chi nhánh BR-VT (đơn vị đang khai thác tuyến số 611 và số 22) cho rằng, nhằm chấn chỉnh thái độ, cung cách phục vụ của lái xe, mỗi đơn vị vận tải cần thường xuyên tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình phóng nhanh, vượt ẩu, hút thuốc, nghe điện thoại… trong quá trình vận hành xe. Bên cạnh đó, Nhà nước cần đầu tư thêm các trạm xe buýt nhằm tạo thuận lợi cho người dân và ngăn ngừa việc đón, trả khách không đúng nơi quy định.
Theo bà Lê Thị Thu Vân, Phó Giám đốc Quỹ Đầu tư phát triển BR-VT, trong thời gian tới, để phát triển bền vững, hoạt động vận tải nói chung và vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt nói riêng phải được đầu tư một cách hệ thống, đồng bộ. Trong đó, cần phát triển hạ tầng (điểm đầu, cuối và các điểm trung chuyển), hệ thống thông tin xe buýt, nâng cao chất lượng phương tiện, đội ngũ quản lý và nhân viên xe buýt. Để làm được điều này, cần có sự chung tay vào cuộc của chính quyền địa phương, Quỹ Đầu tư Phát triển, HTX, DN vận tải trong việc đầu tư kết cấu hạ tầng; cho vay vốn lãi suất ưu đãi. Bên cạnh đó, chú trọng đầu tư phát triển các tuyến xe buýt nội đô đưa đón học sinh; tuyến kết nối với các địa điểm du lịch, trung tâm thương mại, KCN…
Ông Trần Thượng Chí, Phó Giám đốc Sở GT-VT cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 13/2015/QĐ-TTg về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt. Theo đó, các tỉnh trực thuộc Trung ương căn cứ vào nguồn lực địa phương hỗ trợ lãi suất vay vốn tại tổ chức tín dụng đối với các dự án đầu tư phương tiện; trợ giá, hoặc hỗ trợ chi phí cho DN vận tải; miễn, giảm giá vé cho người sử dụng dịch vụ xe buýt; hoàn thiện mô hình Trung tâm quản lý hoạt động vận tải hành khách bằng xe buýt. Trên cơ sở này, vừa qua, Sở GT-VT đã phối hợp với các sở, ngành, địa phương và đơn vị tư vấn lập 2 đề án: “Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh BR-VT” và “Xây dựng định mức khung kinh tế - kỹ thuật áp dụng cho vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh BR-VT”. Hiện nay, 2 đề án này đã được thông qua lần 1 với sự tham gia góp ý chỉnh sửa, bổ sung của các sở, ngành, địa phương. Với những ý kiến đóng góp của các đơn vị vận tải xe buýt tại hội thảo, Sở GT-VT sẽ tập hợp để nghiên cứu xây dựng phương án phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng bằng phương tiện xe buýt phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh, hướng đến cải thiện, nâng cao chất lượng dịch vụ và chất lượng phục vụ hành khách.
Bài, ảnh: PHƯƠNG NAM