.

An toàn thực phẩm - "bắt đúng bệnh" để có giải pháp hiệu quả - Bài 2: Nhân rộng mô hình "sạch từ vườn đến bàn ăn"

Cập nhật: 17:13, 19/06/2018 (GMT+7)

Những năm gần đây, công tác quản lý ATTP trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực.  Các giải pháp như: quản lý ATTP theo chuỗi, sắp xếp các điểm bán thức ăn đường phố… đã góp phần từng bước loại bỏ thực phẩm bẩn, thực phẩm không rõ nguồn gốc.

Khách hàng chọn mua thực phẩm tại Co.op BR-VT.
Khách hàng chọn mua thực phẩm tại Co.op BR-VT.

KIỂM SOÁT TẬN GỐC THỰC PHẨM

Cơ sở giết mổ tập trung Nguyễn Công Chính (phường Mỹ Xuân, TX. Phú Mỹ) tham gia “chuỗi TPAT” từ tháng 7-2015. Ông Nguyễn Công Chính, chủ lò giết mổ này cho hay, để tham gia chuỗi TPAT, ông đầu tư gần 2 tỷ đồng mua sắm thêm hệ thống móc treo, lát gạch khu vực giết mổ và xây dựng hệ thống xử lý nước thải biogas với sức chứa 20m3/ngày. Lò giết mổ của ông Nguyễn Công Chính mua heo từ DN Bảo Ngọc - là cơ sở chăn nuôi cũng đã tham gia “chuỗi TPAT” nên việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm dễ dàng. Sau khi giết mổ và được kiểm dịch viên đóng dấu, ông Chính cung cấp thịt heo cho cơ sở kinh doanh tại chợ Ngọc Hà (phường Mỹ Xuân, TX. Phú Mỹ) và cho hệ thống siêu thị Co.op Mart, MM Mega Market (TP. Vũng Tàu).

Mô hình thu mua, giết mổ, tiêu thụ heo khép kín của ông Nguyễn Công Chính là một trong những chuỗi TPAT đầu tiên của tỉnh. Mô hình này kết nối sản phẩm từ nơi sản xuất đến nơi tiêu dùng. Mỗi một “mắt xích” trong chuỗi đều phải bảo đảm đạt tiêu chuẩn về ATTP.

Không chỉ hình thành các chuỗi nông sản, các sở, ngành còn xây dựng các chuỗi cửa hàng kinh doanh TPAT, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Chẳng hạn, cửa hàng bữa cơm ngon thuộc Công ty TNHH thực phẩm an toàn BR-VT (186, Nguyễn Hữu Cảnh, TP. Vũng Tàu), hiện tại cửa hàng bán 4 nhóm sản phẩm gồm: rau, củ (rau ngót, rau cải, cà rốt, khoai tây…), thịt gia súc, gia cầm, trái cây, gạo… Tất cả các sản phẩm bán tại cửa hàng đều lấy từ các HTX thuộc chuỗi TPAT của tỉnh hoặc các cơ sở sản xuất nông sản đã được chứng nhận đạt ATTP.

Khách hàng chọn mua rau an toàn tại Cửa hàng thực phẩm sạch Sao Mai (287, Trương Công Định, TP. Vũng Tàu). Ảnh: VÂN ANH 
Khách hàng chọn mua rau an toàn tại Cửa hàng thực phẩm sạch Sao Mai (287, Trương Công Định, TP. Vũng Tàu). Ảnh: VÂN ANH 

Theo báo cáo của BCĐ liên ngành ATTP tỉnh, trên địa bàn tỉnh hiện đã có 17 chuỗi TPAT nông sản với 46 cửa hàng. Các sản phẩm bán tại các cửa hàng đều được chứng nhận bảo đảm ATTP, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Ông Lê Hoàng Mãnh, Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công thương) cho biết, việc xây dựng và quản lý ATTP theo chuỗi đem lại nhiều lợi ích thiết thực và là cơ sở vững chắc trong việc xây dựng niềm tin đối với người tiêu dùng. Đồng thời việc tham gia chuỗi giúp chủ cơ sở tiết kiệm, dễ dàng trong việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm. 

Bên cạnh các chuỗi ATTP, một số địa phương đã xây dựng mô hình quản lý thức ăn đường phố. Đơn cử, khu chợ đêm Trung tâm thương mại Bà Rịa, đến nay, đã tập hợp được 36 cơ sở kinh doanh ăn uống, chế biến thực phẩm. Các cơ sở này thường xuyên được kiểm tra về ATTP, cũng như được hỗ trợ tập huấn cho nhân viên về các quy định bảo đảm ATTP trong chế biến, kinh doanh. 

Hay khu phố ẩm thực đường 2/9 (từ vòng xoay đường Lê Hồng Phong đến tượng đài dầu khí, TP.Vũng Tàu), khu phố này được triển khai từ tháng 11-2014. Các quán ăn hè phố ở đây đều được cơ quan y tế giám sát thường xuyên các tiêu chí ATTP.

Chăm sóc rau an toàn tại HTX rau sạch Sunny Farm.
Chăm sóc rau an toàn tại HTX rau sạch Sunny Farm.

PHÁT TRIỂN SẢN PHẨM SẠCH 

Song song với việc loại trừ thực phẩm không bảo đảm an toàn, BR-VT còn chú trọng phát triển các sản phẩm đạt tiêu chuẩn khắt khe về ATTP bằng các giải pháp: đưa công nghệ cao vào sản xuất, áp dụng các quy trình quản lý chất lượng. Ông Trần Văn Cường, Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết: Đến nay, toàn tỉnh có 76 cơ sở ứng dụng công nghệ cao trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; 40 cơ sở chế biến nông lâm thủy sản áp dụng chương trình quản lý chất lượng HACCP… Ngoài ra, các HTX, cơ sở sản xuất cũng tăng cường liên kết, hình thành các mô hình sản xuất - tiêu thụ quy mô lớn.

Bên cạnh đó, các DN mạnh dạn đầu tư công nghệ, mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh để đưa ra thị trường ngày càng nhiều các sản phẩm thực phẩm sạch. Chẳng hạn, mô hình kinh doanh thực phẩm sạch của Công ty CP thực phẩm Lekima (TP. Vũng Tàu), đa số các mặt hàng bán tại Lekima như rau, heo, gà được nuôi trồng tại các nông trại của công ty theo quy trình sản xuất nông nghiệp theo phương pháp hữu cơ. Trung bình mỗi tháng, công ty cung ứng ra thị trường khoảng 2 tấn rau, 300 con gà, 1 tấn thịt heo. Ông Lê Tư, Giám đốc công ty này cho hay: “Thời gian tới, chúng tôi dự định đầu tư thêm một trang trại có diện tích khoảng 8ha để sản xuất các loại nông sản theo tiêu chuẩn Global GAP và chăn nuôi hữu cơ theo phương pháp của Nhật nhằm mở rộng mạng lưới cửa hàng cung cấp thực phẩm sạch cho người tiêu dùng”, ông Lê Tư nói.

Một trong những yếu tố thúc đẩy nhận thức, thói quen tiêu dùng văn minh, tiêu dùng an toàn là sự xuất hiện ngày càng nhiều chuỗi cửa hàng bán lẻ thực phẩm: chuỗi cửa hàng Co.op Food (Saigon Co.op), chuỗi cửa hàng tiện lợi Vinmart+ (Tập đoàn Vingroup), siêu thị MM Mega Market. Các sản phẩm bày bán tại các cửa hàng được kiểm soát rất nghiêm ngặt về ATTP. Các cửa hàng này cũng có hệ thống bảo quản thực phẩm hiện đại, bảo đảm cách ly được với các yếu tố mất an toàn từ môi trường. Theo đánh giá của Sở Công thương, các mô hình cửa hàng thực phẩm mini đang có xu hướng phát triển và gắn liền với khu dân cư. Đây là kênh mua sắm rất tiện dụng và cũng rất an toàn với người tiêu dùng.

Toàn tỉnh hiện có 52.372 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm. Trong đó, ngành y tế quản lý 8.337 cơ sở (4.734 cơ sở nhỏ lẻ thuộc tuyến xã quản lý, 2.984 cơ sở thuộc tuyến huyện, 619 cơ sở thuộc tuyến tỉnh); ngành công thương quản lý 4.202 cơ sở (300 cơ sở thuộc tuyến tỉnh, tuyến huyện quản lý 1.304 cơ sở sản xuất rượu thủ công và 2.598 cơ sở thực phẩm); ngành NTPTNT quản lý 39.833 cơ sở (tuyến tỉnh quản lý 693 cơ sở, tuyến huyện là 39.140 cơ sở). 

NHÓM PV


An toàn thực phẩm - "bắt đúng bệnh" để có giải pháp hiệu quả - Bài 1: Phổ biến lỗi vi phạm về nguồn gốc thực phẩm

An toàn thực phẩm - "bắt đúng bệnh" để có giải pháp hiệu quả - Bài 2: Nhân rộng mô hình "sạch từ vườn đến bàn ăn"

An toàn thực phẩm - "bắt đúng bệnh" để có giải pháp hiệu quả - Bài 3: Tăng cường nhân lực, thiết bị cho công tác quản lý

.
.
.