.

Doanh nghiệp FDI Đồng Nai sắp nắm gần trọn sản xuất thức ăn chăn nuôi

Cập nhật: 11:14, 19/06/2018 (GMT+7)

Đồng Nai được mệnh danh là “thủ phủ” của ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi của Việt Nam với hơn 4,3 triệu tấn/năm, chiếm gần 30% tổng sản lượng cả nước. Tuy nhiên, hơn 87% lượng thức ăn chăn nuôi hiện đang do DN vốn đầu tư nước ngoài (FDI) sản xuất.

Hầu hết các trang trại lớn trong tỉnh đều dùng thức ăn chăn nuôi của doanh nghiệp FDI. Trong ảnh: Một trang trại ở huyện Xuân Lộc sử dụng thức ăn chăn nuôi của doanh nghiệp FDI
Hầu hết các trang trại lớn trong tỉnh đều dùng thức ăn chăn nuôi của doanh nghiệp FDI.
Trong ảnh: Một trang trại ở huyện Xuân Lộc sử dụng thức ăn chăn nuôi của doanh nghiệp FDI

Theo Bộ NN-PTNT, hiện cả nước có 239 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, trong đó nhóm các DN FDI chỉ có 61 nhà máy nhưng sản lượng chiếm hơn 60%. Riêng Công ty CP chăn nuôi C.P. Việt Nam chiếm hơn 20% thị phần, Công ty TNHH Cargill Việt Nam chiếm khoảng 9%.

Tại Đồng Nai hiện có 40 DN sản xuất thức ăn chăn nuôi, trong đó có 21 công ty FDI. Các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi đóng tại Đồng Nai không chỉ cung cấp cho thị trường Đồng Nai mà còn cung cấp cho những tỉnh, thành lân cận.

* Chiếm lĩnh thị trường nội

Đồng Nai là nơi có ngành chăn nuôi phát triển nhất cả nước nên nhiều tập đoàn lớn của nước ngoài khi đầu tư vào ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam hầu hết đều chọn tỉnh là điểm đến. Cụ thể như: Tập đoàn C.P. (Thái Lan), Cargill (Mỹ), CJ (Hàn Quốc), De Heus (Hà Lan), Haid (Singapore), Emivest (Malaysia)...

Một thực tế diễn ra trong nhiều năm qua là trong khi các doanh nghiệp FDI đầu tư vào sản xuất thức ăn chăn nuôi vẫn đang tiếp tục mở rộng sản xuất thì những DN nhỏ trong nước lại thu hẹp thị phần. Nếu vào năm 2015, sản lượng thức ăn chăn nuôi sản xuất trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 2,5 triệu tấn và DN FDI chiếm 70% thì sau gần 3 năm, sản lượng tăng thêm 1,8 triệu tấn và thị phần của các doanh nghiệp FDI tăng thêm 17%, đạt mức 87%.

Ông Lê Thanh Phương, Giám đốc chăn nuôi Công ty TNHH Emivest Feedmill Việt Nam, cho biết: “Do ngành chăn nuôi phát triển nên nhu cầu thức ăn chăn nuôi của Việt Nam tăng, vì vậy các nhà máy đều có kế hoạch mở rộng sản xuất, đáp ứng nhu cầu của thị trường”.

Chăn nuôi Việt Nam hiện đang cần khoảng 16 triệu tấn thức ăn chăn nuôi mỗi năm với tổng trị giá 6 tỷ USD. Dự báo đến năm 2020, nhu cầu sẽ tăng lên 25 triệu tấn, trị giá 10,5 tỷ USD. Những năm qua, Việt Nam phải chi 3 tỷ USD/năm để nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu để sản xuất. Với tốc độ tăng trưởng từ 10-15%/năm, ngành này rất hấp dẫn nhà đầu tư ngoại, nhất là những doanh nghiệp đang muốn đầu tư vào nông nghiệp Việt Nam.

Theo ông Montri Suwanposri, Tổng giám đốc Công ty CP chăn nuôi C.P. Việt Nam, hiện công ty có 10 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi và thủy sản trên cả nước, tổng công suất 4,2 triệu tấn/năm. Trong đó có một số nhà máy đặt tại Đồng Nai và C.P dự tính vẫn tiếp tục mở rộng sản xuất ở lĩnh vực này. Các tập đoàn khác như: CJ, De Heus, Haid... cũng dự kiến tiếp tục nâng công suất các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi để cung cấp cho thị trường Đồng Nai và các tỉnh lân cận.

* DN nội tìm lại thế cân bằng

Theo ông Đồng Văn Hóa, Phó giám đốc Công ty TNHH Thanh Bình (TP.Biên Hòa), gần đây những DN nhỏ chuyên sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước dần co cụm lại hoặc chuyển sang đầu tư lĩnh vực khác vì khó cạnh tranh. Nguyên nhân là do DN FDI không chỉ sản xuất thức ăn chăn nuôi mà còn làm thêm con giống, chăn nuôi, giết mổ, chế biến... tạo thành chuỗi khép kín để hạ giá thành sản phẩm và có đầu ra ổn định. Những DN nhỏ trong nước muốn tồn tại, phát triển cần liên kết lại với nhau làm theo chuỗi khép kín từ trang trại đến bàn ăn.

Gần đây, có các tập đoàn trong nước như: Masan, Hòa Phát, Hùng Vương, Vingroup cũng bắt đầu có những đầu tư lớn vào ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi với mong muốn “lội ngược dòng”, giành lại thị phần.

Cụ thể, Masan đã mua lại Proconco, Anco, Green Feed vươn lên vị trí cung ứng thức chăn nuôi lớn thứ 2 trên cả nước và trở thành tập đoàn Việt Nam lớn nhất trong sản xuất thức ăn chăn nuôi. Tập đoàn Hòa Phát cũng xây dựng và đi vào hoạt động nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi tại KCN Long Khánh (TX.Long Khánh) với công suất 200 ngàn tấn/năm. Các tập đoàn này đang liên kết tạo thành chuỗi phát triển sang lĩnh vực chăn nuôi, tiêu thụ và bước đầu đã thành công.

Ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - thú y Đồng Nai, cho biết: “Masan và Hòa Phát đều có nhà máy tại Đồng Nai, 2 tập đoàn Hùng Vương và Vingroup cũng đang liên kết có khả năng sẽ đầu tư vào tỉnh”. Tuy nhiên, việc giành lại thị phần không dễ bởi DN FDI đang nắm ưu thế quá lớn do đã gia nhập thị trường Việt Nam cách đây 10-25 năm, có nguồn vốn dồi dào, chiến lược xâm nhập và chiếm lĩnh thị trường bài bản. 

Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, chia sẻ: “Ngoài việc có chất lượng sản phẩm ổn định thì doanh nghiệp FDI sản xuất thức ăn chăn nuôi làm rất tốt khâu tiếp thị, hậu mãi. Các trang trại mua thức ăn của họ sẽ được hỗ trợ về kỹ thuật chăn nuôi để tiết kiệm chi phí, phí vận chuyển. DN trong nước chưa làm tốt khâu này, nên muốn giành lại thị phần thì DN Việt cần làm tốt hơn”.

Có ý kiến cho rằng thị trường sản xuất thức ăn chăn nuôi hiện nay cũng chỉ có 4 tập đoàn Việt kể trên mới đủ sức mạnh để lật lại thế cờ giành lại thị phần. Thế nhưng nếu DN nhỏ trong nước hợp tác lại tạo thành chuỗi khép kín, đảm bảo chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, làm tốt khâu quảng bá, chăm sóc khách hàng thì cơ hội vực dậy tìm lại thế cân bằng có thể đạt được.

Theo Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, Việt Nam đang đứng đầu các nước ASEAN về sản xuất thức ăn chăn nuôi và xếp thứ 12 trên thế giới. Hội nhập khiến chăn nuôi trong nước khốn đốn nhưng các doanh nghiệp FDI lại nhìn thấy cơ hội lớn từ Việt Nam nên bước đầu họ đổ vốn vào làm thức ăn chăn nuôi và bước tiếp theo là sản xuất giống, chăn nuôi, giết mổ, chế biến.

HƯƠNG GIANG
(Theo baodongnai.com.vn)

.
.
.