Huyện Đất Đỏ: Tạo hướng phát triển cho nông nghiệp công nghệ cao
Tại Đất Đỏ, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNƯDCNC) bước đầu đem lại kết quả, là tiền đề để huyện tiếp tục phát triển ngành nông nghiệp theo hướng sạch, bền vững.
Mô hình trồng rau thủy canh hồi lưu của Công ty TNHH Nông nghiệp sạch Sao Mai.
|
Cuối tháng 4, chúng tôi có mặt tại nông trại của Công ty TNHH Nông nghiệp sạch Sao Mai (xã Long Mỹ, huyện Đất Đỏ). Điều dễ nhận thấy là hơn chục loại rau ăn lá, củ như rau dền, rau muống, mồng tơi, cải xanh, cải ngọt, cà chua, khổ qua… được trồng ngay hàng thẳng lối trên giá cách mặt đất khoảng 1m, xanh mơn mởn. Ông Lưu Sơn Tùng, Giám đốc công ty cho biết, nông trại Sao Mai đi vào hoạt động từ tháng 7-2017 với tổng diện tích gần 4ha, trong đó có 2 khu nhà màng rộng khoảng 3.500m2, 1 nhà lưới rộng 12.200m2 trồng rau củ quả. Trong từng khu nhà màng, nhà lưới rau củ được trồng theo 2 phương pháp thủy canh hồi lưu không cần đất và điền canh hữu cơ. Trên từng khu vực đều có bảng theo dõi quá trình sinh trưởng, thu hoạch của cây. Chi phí đầu tư cho hệ thống nhà màng, nhà lưới và kỹ thuật trồng rau theo phương pháp thủy canh hồi lưu khá tốn kém, tuy nhiên về lâu dài hiệu quả mang lại khá lớn. Sản phẩm làm ra bảo đảm an toàn do không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
Hiện nay, mỗi tháng nông trại xuất bán ra thị trường 3,5 tấn rau củ sạch các loại. Sản phẩm được phân phối trực tiếp đến tay người tiêu dùng tại Cửa hàng Sao Mai Farm (287, Trương Công Định, TP. Vũng Tàu) cùng 3 cửa hàng khác ở TP. Vũng Tàu và 2 cửa hàng tại TP. Hồ Chí Minh. Thời gian tới, ngoài phát triển hệ thống phân phối tại tỉnh, Công ty Sao Mai dự định sẽ mở rộng thị trường tiêu thụ tại TP. Hồ Chí Minh.
Cùng với mô hình ứng dụng công nghệ cao trong trồng rau củ, trên địa bàn huyện Đất Đỏ còn có nhiều mô hình NNƯDCNC như: Trồng nhãn xuồng, mãng cầu, trồng hoa, nuôi cá lóc bông… đem lại giá trị kinh tế cao. Có thể kể đến mô hình trồng và nhân giống hoa lan của Vườn lan Minh Ngân (xã Long Mỹ).
Nhân giống, cây mô hoa lan tại vườn lan Minh Ngân (thuộc HTX nông nghiệp kỹ thuật cao Long Mỹ). |
Bà Lê Ngọc Giáng Hương, chủ vườn lan Minh Ngân cho biết, năm 2007, gia đình bà mua hơn 7.000m2 đất tại xã Long Mỹ để trồng hơn 500 chậu bonsai, 3.000 chậu hoa lan. Nhờ chịu khó học tập kinh nghiệm, áp dụng khoa học kỹ thuật, nên vườn lan phát triển tốt, đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ của thị trường. Năm 2013, bà Giáng Hương mạnh dạn đầu tư hơn 500 triệu đồng xây dựng phòng cấy mô hoa lan. Việc làm này vừa bổ sung cây giống cho vườn nhà vừa cung cấp cây giống cho bà con nông dân cùng xã viên trong HTX nông nghiệp kỹ thuật cao Long Mỹ, các nhà vườn trồng lan trong và ngoài tỉnh.
Các mô hình NNƯDCNC trên địa bàn huyện Đất Đỏ bước đầu đã giúp tăng giá trị kinh tế cho các sản phẩm cây trồng, vật nuôi, đem lại thu nhập ổn định cho người nông dân. Tuy nhiên, hiện nay tỷ lệ ƯDCNC trong nông nghiệp còn thấp, rải rác, mới ứng dụng từng phần, chưa đồng bộ thành một hệ thống đối với từng loại cây trồng, vật nuôi; chưa phát triển với quy mô lớn thành từng vùng NNƯDCNC.
Vì vậy, huyện Đất Đỏ đã xây dựng đề án “Phát triển NNƯDCNC đến năm 2020”. Với đề án này, huyện Đất Đỏ quy hoạch 250ha tại các xã Láng Dài, Phước Long Thọ, Phước Hội và thị trấn Phước Hải để trồng các loại rau, củ, quả, lúa và chăn nuôi ƯDCNC. Ước tính tổng vốn đầu tư thực hiện dự án 145 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách hơn 43 tỷ đồng còn lại là vốn vay, vốn tự có của DN, nông hộ, HTX. Đề án nhằm xây dựng và đưa vào hoạt động vùng NNƯDCNC với các sản phẩm nông nghiệp sạch ƯDCNC theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ đáp ứng được yêu cầu của thị trường.
Đồng chí Hồ Văn Lợi, Bí thư Huyện ủy Đất Đỏ cho biết, để phát triển NNƯDCNC trên địa bàn huyện, trong năm 2018, huyện tiếp tục tạo điều kiện cho DN đầu tư các dự án NNƯDCNC; phối hợp với các ngành liên quan xây dựng các điểm tiêu thụ nông sản sạch cho người dân, làm thế nào để hình thành chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ đạt hiệu quả cao. Đây là hướng phát triển mang lại hiệu quả, tạo sản phẩm chất lượng làm tăng giá trị, tăng sức cạnh tranh, bền vững cho nền kinh tế nông nghiệp mà huyện Đất Đỏ đang hướng tới.
Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU