.

Mập mờ trái cây ngoại

Cập nhật: 16:58, 02/05/2018 (GMT+7)

Hiện nay, tại một số chợ, cửa hàng, nhiều loại trái cây được dán tem là hàng nhập từ Úc, Mỹ, Hàn Quốc… Giá bán các mặt hàng này rất cao, nhưng khi người mua dùng phần mềm để truy xuất nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm thì không tìm thấy thông tin như người bán quảng cáo.

Cán bộ Ban Quản lý chợ Vũng Tàu kiểm tra hàng hóa tại quầy bán trái cây của bà Nguyễn Thị Lùn,  đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (TP. Vũng Tàu).
Cán bộ Ban Quản lý chợ Vũng Tàu kiểm tra hàng hóa tại quầy bán trái cây của bà Nguyễn Thị Lùn, đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (TP. Vũng Tàu).

Theo thông tin từ Tổng cục Hải quan, thời gian qua, trái cây Trung Quốc chiếm hơn 50% lượng trái cây nhập khẩu vào Việt Nam. Tuy nhiên, khảo sát tại các chợ, sạp trái cây ở TP.Vũng Tàu thì trái cây Trung Quốc gần như “vắng bóng”. Hầu hết các loại táo, lê, nho, cam... đều được các tiểu thương giới thiệu là hàng nhập khẩu từ Mỹ, Úc, New Zealand, Hàn Quốc... Nếu như trước đây, trái cây nhập khẩu từ các nước nêu trên chỉ có ở các siêu thị, cửa hàng lớn, thì nay được bày bán đại trà tại các chợ, vỉa hè.

Anh Nguyễn Văn Quang (ngụ tại 123/4, đường Phạm Văn Đồng, phường Linh Trung, quận Thủ Đức, TP.Hồ Chí Minh), một “lái” chuyên bỏ mối trái cây ở chợ Vũng Tàu cho biết, hiện nay, hơn 80% trái cây ngoại (mận, lê, táo, nho đen, dưa lưới, dâu…) đang được bày bán trên thị trường có xuất xứ từ Trung Quốc. Sau khi nhập hàng Trung Quốc về, tiểu thương ở chợ đầu mối đã “phù phép” dán mác thành hàng Úc, Mỹ, New Zealand… để lừa người tiêu dùng.

Trái cây Trung Quốc được bày bán trước cổng chợ Vũng Tàu.
Trái cây Trung Quốc được bày bán trước cổng chợ Vũng Tàu.

Theo các DN nhập khẩu, trên mỗi loại trái cây nhập khẩu đều có dán tem và trên chiếc tem ấy có một mã số được gọi là PLU code. Trong PLU code gồm có các thông tin cần thiết của sản phẩm như: nguồn gốc xuất xứ, chủng loại... Người tiêu dùng có thể sử dụng phần mềm “icheck” và “search plu” để kiểm tra nguồn gốc xuất xứ của trái cây. Khảo sát nguồn gốc xuất xứ sản phẩm tại một số quầy bán trái cây ngoại ở chợ Vũng Tàu cho thấy, các loại táo, nho… đều có dán tem. Điều đáng nói, con tem này không có dấu chỉ đặc biệt (như tem dán lên chai rượu, mũ bảo hiểm, tem chống hàng giả…) nên ai cũng có thể in và dán lên được, khiến người tiêu dùng hoài ghi về tính xác thực nguồn gốc của các loại trái cây nhập khẩu. Khi chúng tôi dùng phần mềm “icheck” và “search plu” để kiểm tra thì không thể truy xuất được nguồn gốc sản phẩm. Bà Nguyễn Thị Lùn, chủ ki-ốt bán trái cây trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, TP.Vũng Tàu cho biết: “Hàng của chúng tôi nhập về từ chợ đầu mối Thủ Đức, TP.Hồ Chí Minh. Vựa nói hàng của Mỹ, Úc thì chúng tôi biết vậy chứ thực sự cũng không biết rõ nguồn gốc”.

Nhiều loại trái cây có xuất xứ từ Trung Quốc nhưng dán nhãn mác hàng châu Âu, Hàn Quốc tại một điểm bán trái cây trên đường Lê Quý Đôn (TP.Vũng Tàu).
Nhiều loại trái cây có xuất xứ từ Trung Quốc nhưng dán nhãn mác hàng châu Âu, Hàn Quốc tại một điểm bán trái cây trên đường Lê Quý Đôn (TP.Vũng Tàu).

Theo ông Lưu Đức Lục, Trưởng Ban Quản lý chợ Vũng Tàu, các loại trái cây ngoại khi về tới chợ Vũng Tàu đã trải qua nhiều khâu trung gian, do đó khó kiểm soát được nguồn gốc xuất xứ hàng hóa. Thời gian tới, Ban Quản lý chợ sẽ thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở tiểu thương chấp hành nghiêm các quy định về bảo đảm chất lượng hàng hóa, không bán hàng hóa trôi nổi, không rõ nguồn gốc.

Trong khi đó, ông Vũ Đông Hòa, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 1 (Chi cục Quản lý thị trường) cho biết, trái cây từ Úc, Mỹ muốn nhập vào Việt Nam phải có giấy PC (kiểm dịch) và CO (chứng nhận nguồn gốc) từ nước xuất xứ. Đồng thời, khi vào Việt Nam, DN nhập khẩu phải có tờ khai hàng hóa nhập khẩu ghi rõ số lượng, chủng loại, nguồn gốc... được ngành Hải quan xác nhận và phải có giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật nhập khẩu do Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) cấp. Để không bị mua nhầm trái cây trôi nổi, khách hàng có thể yêu cầu người bán cho xem các giấy tờ nói trên.

Ông Vũ Đông Hòa cho biết thêm, trước những thông tin về trái cây trôi nổi, trái cây Trung Quốc “đội lốt” hàng Mỹ, Úc, Hàn Quốc…, thời gian tới, cơ quan quản lý thị trường sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát, có chế tài xử phạt thích đáng (tiêu hủy, xử phạt hành chính…) để bảo đảm sức khỏe, quyền lợi của người tiêu dùng.

Bài, ảnh: TRÀ NGÂN

 

.
.
.