.

Sống gần trạm thu phí T3: Tiền vé qua trạm cũng đã đủ khổ!

Cập nhật: 19:31, 03/04/2018 (GMT+7)

Nhiều hộ dân sống gần trạm thu phí T3 (gần ngã ba Long Sơn, QL 51, huyện Tân Thành) phản ánh lên Báo BR-VT cho rằng, khoảng cách di chuyển quá ngắn nhưng hàng ngày họ vẫn phải trả phí qua trạm.

Trung bình mỗi ngày có khoảng 1.750 lượt xe qua trạm T3 trong đó có nhiều phương tiện của các hộ dân sống gần trạm.
Trung bình mỗi ngày có khoảng 1.750 lượt xe qua trạm T3 trong đó có nhiều phương tiện của các hộ dân sống gần trạm.

NGƯỜI DÂN KÊU THIỆT

Anh Hoàng Đại Hải, Giám đốc Công ty SX-TM-DV Tiến Dũng (tổ 13, ấp Phước Tấn, xã Tân Hòa, huyện Tân Thành) cho biết, công ty của anh chỉ cách trạm dự án BOT QL 51 (trạm T3) khoảng hơn 1km. Mỗi ngày 2 chiếc xe Inova 7 chỗ của công ty phải đi qua lại trạm thu phí 5-6 lượt để giao dịch với khách hàng ở Bà Rịa, Vũng Tàu. Mỗi lần qua trạm anh phải mua vé 20.000 đồng/lượt. Có khi chỉ đi khoảng 1-3km cũng phải mua một lượt vé rất tốn kém nên anh phải chuyển qua mua vé tháng 600.000 đồng/tháng/xe.

Còn ông Nguyễn Văn Hưng, Tổ trưởng tổ rau an toàn Láng Cát (ấp Láng Cát, xã Tân Hải) phàn nàn, hiện tổ rau an toàn Láng Cát có 23 thành viên, trồng 2,8ha trung bình mỗi ngày tổ thu hoạch khoảng 4 tấn rau. Mỗi ngày có khoảng hơn 10 chuyến xe chở rau từ tổ đi đến các chợ ở TP. Bà Rịa, TP. Vũng Tàu và một số chợ như Ngọc Hà, Mỹ Xuân (huyện Tân Thành), Công ty Đạm Phú Mỹ, Công ty thép miền Nam và một số tỉnh, thành lân cận. Mỗi ngày trung bình tổ rau an toàn Láng Cát phải mất trung bình 200 ngàn đồng tiền phí qua trạm T3. Trong khi hiện nay giá cả canh tác trồng trọt bấp bênh, chi phí đầu tư tăng, việc tốn thêm phí qua lại trạm thu phí làm người trồng trọt gánh thêm chi phí. “Vì vậy, chúng tôi hy vọng chủ đầu tư dự án BOT QL 51 có những chính sách hỗ trợ, giảm chi phí qua lại trạm cho bà con tại địa phương”, ông Hưng cho biết.

Được biết, các xã Tân Hải, Tân Hòa (huyện Tân Thành) và phường Kim Dinh (TP. Bà Rịa) là các địa phương chuyên trồng rau và hoa màu. Xã Long Sơn (TP. Vũng Tàu) là vùng chuyên nuôi trồng thủy sản. Do đó, số lượng xe tải vận chuyển thủy sản, rau và hoa quả nhiều và cũng có tần suất qua trạm lớn. Việc phải chi trả phí qua trạm nhiều lần trong ngày làm cho giá cả hàng hóa tăng lên, khó cạnh tranh trên thị trường, dẫn đến việc nuôi trồng, tiêu thụ sản phẩm của người dân ở đây gặp nhiều khó khăn.

Anh Nguyễn Văn Dũng, chủ nhân của xe số 72A-00716 là một trong số gần 20 hộ dân có phương tiện thường xuyên qua trạm thu phí T3 ký đơn kiến nghị gửi Tổng cục Đường bộ Việt Nam và các cơ quan chức năng tại tỉnh BR-VT về việc miễn giảm phí qua trạm T3 cho các hộ dân sống gần trạm. Anh Dũng cũng cho rằng, chất lượng mặt đường QL51 không tốt, chưa tương xứng với dịch vụ mà người có phương tiện (xe 4 bánh) lưu thông qua trạm phải trả. Cụ thể toàn tuyến QL51 xuất hiện rất nhiều ổ gà, các khe co giãn qua các cầu không êm dễ gây hư hỏng cho phương tiện. Thêm vào đó, hệ thống cống, mương thoát nước không được nạo vét, khơi thông nên vào mùa mưa thường xuyên gây ngập, xe di chuyển khó khăn và mất an toàn.

CHỦ ĐẦU TƯ NÓI KHÓ KHĂN

PV đã liên hệ với ông Đinh Hồng Hà, Tổng Giám đốc Công ty CP Phát triển đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (BVEC),  là nhà đầu tư dự án BOT xây dựng, mở rộng QL 51. Ông Hà cho biết, BVEC đã nhận được đơn kiến nghị của các hộ dân và hiện đã chuyển đơn thư này lên Bộ GT-VT xin hướng dẫn của Bộ để giải quyết. Tuy nhiên, ông Hà giải thích thêm, BVEC là nhà đầu tư dự án BOT đầu tư xây dựng mở rộng QL 51 đoạn Km0+900÷Km73+600 (dài 72,7km). Dự án được khởi công ngày 2-8-2009 và nghiệm thu hoàn thành đưa vào sử dụng tháng 4-2013. Dự án gồm 2 trạm thu giá chính và 1 trạm thu giá phụ T2 (km28+480) nhằm chống thất thu cho dự án BOT đầu tư xây dựng mở rộng QL 51 khi dự án đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây đi vào khai thác. Theo quy định của cơ quan quản lý Nhà nước khoảng cách giữa các trạm thu phí là 70km. Dự án đầu tư xây dựng mở rộng QL 51 có chiều dài 72,7km đặt 2 trạm thu phí là hoàn toàn hợp lý. Giá vé qua trạm thu phí trên QL51 là thấp nhất trên cả nước (20.000 đồng/lượt/xe cơ bản).

Đến nay, dự án đã đầu tư và đưa vào khai thác được 9 năm nhưng BVEC chưa được hoàn vốn và cũng chưa nhận được cổ tức trên phần vốn đã góp theo quy định. Trong khi chưa hoàn vốn được nhưng BVEC đã phải chuẩn bị thu xếp vốn để thực hiện trùng tu QL51 vào năm 2018 và 2019. Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 120 tỷ đồng. Do đó, nhà đầu tư gặp rất nhiều khó khăn. Thời gian hoàn vốn cho dự án theo phương án tài chính trong hợp đồng BOT đã ký với nhà đầu tư và Bộ GT-VT là 23 năm 8 tháng. “Nếu miễn giảm các hộ dân lân cận các trạm thu phí trong đó có trạm T3 trên toàn tuyến sẽ phá vỡ phương án tài chính. Vì trên tuyến có nhiều KCN, khu kinh tế và dân cư đô thị hóa cao. Khi đó, các ngân hàng tài trợ vốn không đồng ý thay đổi kế hoạch trả nợ. Dự án sẽ kéo dài thời gian thu phí lên đến 35-40 năm. Dự án sẽ phá sản”, ông Hà nói.

Trong khi đó, các hộ gia đình, các DN hiện cư ngụ và đóng trên địa bàn các xã Tân Hải, Tân Hòa (huyện Tân Thành), phường Kim Dinh (TP.Bà Rịa), xã Long Sơn (TP.Vũng Tàu) vẫn tiếp tục kiến nghị Tổng cục Đường bộ Việt Nam, UBND tỉnh và BVEC xem xét và giải quyết việc miễn giảm phí ô tô qua trạm T3. Theo một hộ dân này, quãng đường mà họ sử dụng dịch vụ của Công ty BVEC là 5-20km. Trong khi đó, trạm T3 lại thu phí của người dân toàn quãng đường cả dự án QL51 gần 70km. Như vậy là không công bằng, thiệt thòi cho những hộ sống gần trạm.

Trao đổi với phóng viên Báo BR-VT, ông Trần Thượng Chí, Phó Giám đốc Sở GT-VT cho biết, những phản ánh và kiến nghị của người dân là hoàn toàn hợp lý. Do đó, Công ty BVEC nên xem xét để có phương án giải quyết ổn thỏa, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, DN khi qua trạm, giảm bớt áp lực về tiền vé.

Hiện nay mức thu phí được Công ty BVEC triển khai tại trạm T3 như sau: Xe ô tô từ 5-10 chỗ hoặc xe có tải trọng dưới 2 tấn có mức thu 20.000 đồng/lượt; xe khách từ trên 10 chỗ đến dưới 30 chỗ hoặc xe có tải trọng từ 2 tấn đến dưới 4 tấn thu 30.000 đồng/lượt; xe khách trên 30 chỗ hoặc xe có tải trọng từ trên 4 tấn đến dưới 8 tấn thu 44.000 đồng/lượt; xe tải trọng trên 8 tấn đến dưới 18 tấn thu 80.000 đồng/lượt; xe tải trọng trên 18 tấn thu 160.000 đồng/lượt. Hiện công ty cũng bán vé tháng, vé quý để đáp ứng việc thu phí qua lại đối với các xe có số lượt qua trạm thường xuyên. Trung bình mỗi ngày có 1.750 lượt xe qua trạm.

Bài, ảnh: QUANG VŨ - THANH TRÍ

.
.
.