Đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông kết nối vùng
Sáng 26-4, Bộ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Văn Thể dẫn đầu Đoàn công tác của Bộ GT-VT đã có buổi làm việc với tỉnh BR-VT về tình hình triển khai các dự án giao thông trên địa bàn tỉnh. Các đồng chí: Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Trình, Chủ tịch UBND tỉnh; Trần Đình Khoa, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Lê Tuấn Quốc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện các sở, ngành tham dự buổi làm việc.
GIAO THÔNG KẾT NỐI VÙNG YẾU KÉM
Tại buổi làm việc, tỉnh BR-VT đã kiến nghị với Đoàn Công tác của Bộ GT-VT nhiều vấn đề liên quan đến việc tháo gỡ vướng mắc cho đầu tư phát triển hệ thống giao thông kết nối vùng.
Đồng chí Nguyễn Văn Trình, Chủ tịch UBND tỉnh trình bày những khó khăn, vướng mắc trong phát triển hạ tầng giao thông của BR-VT đến đoàn công tác Bộ GT-VT. Ảnh: THANH TRÍ |
Ông Vũ Ngọc Thảo, Giám đốc Sở GT-VT cho biết, Quốc lộ 51 là tuyến giao thông đối ngoại quan trọng, kết nối tỉnh với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Tuy nhiên trong những năm qua, cùng với việc phát triển hệ thống cảng trung chuyển quốc tế Cái Mép - Thị Vải, mật độ phương tiện lưu thông trên tuyến đã mãn tải (hết công suất khai thác và trở nên quá tải) và luôn tiềm ẩn nguy cơ cao về tai nạn giao thông. Do vậy, cần sớm đầu tư các tuyến giao thông kết nối ngoại vùng để hỗ trợ phát triển hệ thống cảng biển cũng như nhu cầu phát triển của tỉnh.
Cụ thể, với 3 dự án thuộc Bộ GT-VT quản lý, gồm đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, UBND tỉnh kiến nghị Bộ GT-VT khẩn trương hoàn thành thủ tục chuẩn bị đầu tư và khởi công thực hiện giai đoạn 1 trong năm 2018, đồng thời tiếp tục lập dự án và tìm giải pháp về nguồn vốn đầu tư giai đoạn 2. Đối với dự án đường vành đai 4, đoạn qua tỉnh BR-VT từ Trảng Bom (Đồng Nai) tới Phú Mỹ (Tân Thành) có chiều dài khoảng 17,3km, thì tỉnh kiến nghị Bộ GT-VT chỉ đạo sớm triển khai dự án này đoạn qua địa bàn tỉnh BR-VT để kết nối với các vùng trong khu vực. Đối với dự án Quốc lộ 56, đoạn tránh TP.Bà Rịa đã được khởi công từ năm 2012, hiện đã hoàn thành 2/10 gói thầu. Tuy nhiên do nguồn vốn bố trí cho dự án còn thấp nên không đạt tiến độ đề ra. Do vậy, Bộ GT-VT xem xét bố trí đủ số vốn còn lại là 263,37 tỷ đồng để hoàn thành toàn bộ dự án trong năm 2019. Ngoài các dự án trên, tỉnh cũng kiến nghị Bộ GT-VT hỗ trợ, chỉ đạo các cơ quan liên quan sớm hoàn tất các thủ tục, bố trí vốn để triển khai các dự án cầu Phước An; đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu; đường 991B...
Liên quan đến việc khai thác hệ thống cảng Cái Mép - Thị Vải, đồng chí Nguyễn Văn Trình, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, hiện công suất thông quan cảng Cái Mép - Thị Vải mới đạt mức 3,5 triệu TEU, chưa đạt ½ so với công suất thiết kế. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là do giao thông đường bộ kết nối chưa hoàn thiện; luồng hàng hải Vũng Tàu - Thị Vải, Sông Dinh chưa được nạo vét về phía thượng nguồn khiến tàu chở hàng không thể trực tiếp cập cảng bốc xếp dỡ hàng hóa… Do vậy, các DN không đưa hàng về Cái Mép Thị Vải mà cập cảng Cát Lái để làm hàng.
TÍCH CỰC HỖ TRỢ BR-VT TRIỂN KHAI CÁC DỰ ÁN
Việc sớm đầu tư các tuyến giao thông kết nối ngoại vùng nhằm giảm mật độ phương tiện lưu thông trên Quốc lộ 51 giảm nguy cơ tai nạn giao thông. Trong ảnh: Các phương tiện lưu thông trên Quốc lộ 51 (đoạn qua huyện Tân Thành). Ảnh: THANH NGA |
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh, quan điểm của Bộ GT-VT là phải phát triển được hệ thống hạ tầng giao thông, từ đó khai thác hết tiềm năng, thế mạnh của khu vực. Bộ GT-VT nhất trí những đề xuất của BR-VT trong việc đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông kết nối; qua đó sẽ tạo động lực cho sự phát triển của BR-VT nói riêng, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung. Bộ đánh giá tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu là tuyến đường rất quan trọng. Hiện nay, hệ thống giao thông kết nối vào cảng Cái Mép - Thị Vải vẫn còn yếu, chưa đáp ứng đủ nhu cầu chuyên chở hàng hóa , hầu như việc chuyên chở hàng chỉ vận chuyển bằng đường thủy (80%). Do đó việc đầu tư tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu là rất cần thiết. Tuy nhiên, nếu làm theo mô hình BOT hay PPP có thu phí thì sẽ không hình thành được tuyến vận tải hàng hóa với chi phí rẻ. Bộ GT-VT sẽ làm việc cùng UBND TP.Vũng Tàu sớm thống nhất trình Chính phủ dự án này, cố gắng tìm nguồn vốn để thực hiện tuyến đường không thu phí phương tiện. Với các dự án tuyến vành đai 4, Quốc lộ 56 - đoạn tránh TP.Bà Rịa, đường 991B, cầu Phước An, Bộ GT-VT gợi ý UBND tỉnh nên nghiên cứu cách thực hiện theo hướng vận dụng đa dạng các nguồn vốn, không nên chờ Trung ương phân bổ vì sẽ làm chậm trễ tiến độ triển khai thực hiện các dự án.
Về việc quy hoạch Cảng hàng không tại Gò Găng, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể giao Cục Hàng không phối hợp với Sở GT-VT tỉnh BR-VT rà soát lại các văn bản, quyết định của Chính phủ, các ban, ngành liên quan để làm rõ chủ trương phê duyệt dự án. Đồng thời lập đề án chi tiết chỉ rõ các ưu thế về vị trí và quỹ đất tại Gò Găng. Đây là một trong những cơ sở khoa học mời gọi các nhà đầu tư, tạo điều kiện cho nhà đầu tư lập dự án chi tiết báo cáo Chính phủ và Bộ xem xét.
NGÔ GIA - THANH TRÍ
ĐỒNG CHÍ NGUYỄN HỒNG LĨNH, ỦY VIÊN TRUNG ƯƠNG ĐẢNG, BÍ THƯ TỈNH ỦY, CHỦ TỊCH HĐND TỈNH: Cần có chiến lược phát triển xoay quanh 2 trục Cái Mép - Thị Vải và Long Thành Hiện nay, giao thông kết nối vùng chưa được đầu tư đồng bộ đã phần nào làm ảnh hưởng tới sự phát triển của BR-VT nói riêng và khu vực nói chung. Do vậy cần có chiến lược phát triển xoay quanh 2 trục quan trọng là Cái Mép - Thị Vải và Long Thành (Đồng Nai). Để làm được điều này, tỉnh BR-VT kiến nghị Bộ GT-VT sớm trình Chính phủ xin ý kiến chủ trương bố trí nguồn vốn thực hiện các dự án Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Cầu Phước An, Đường 991B, để từ đó tỉnh có thể cân đối với nguồn ngân sách địa phương để có thể sớm đưa các dự án vào thực tế. Với dự án tuyến đường sắt Biên Hòa-Vũng Tàu, việc đầu tư xây dựng là rất cần thiết vì trên thế giới hiện nay không có một cảng trung chuyển quốc tế nào phát triển mà không có đường sắt. Hiện có nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang có ý định đầu tư vào lĩnh vực này, Bộ GT-VT cần xây dựng cơ chế kêu gọi đầu tư rõ ràng, minh bạch trình Chính phủ phê duyệt để kêu gọi đầu tư, bởi trên thực tế việc đầu tư vào lĩnh vực đường sắt đòi hỏi số tiền rất lớn không thể đơn thuần dựa vào nguồn ngân sách. Để hút hàng về Cái Mép - Thị Vải, cần nhanh chóng đầu tư hệ thống giao thông kết nối, thành lập Trung tâm kiểm tra hàng hóa chuyên ngành... để các chủ hàng thấy được lợi ích khi đưa hàng về đây. |