.

Nỗ lực để EU gỡ bỏ "thẻ vàng" với thủy sản

Cập nhật: 18:41, 05/03/2018 (GMT+7)

Chỉ còn 2 tháng nữa là hết thời hạn 6 tháng để ngành thủy sản Việt Nam nói chung, BR-VT nói riêng nỗ lực để EU rút lại “thẻ vàng” đối với thủy hải sản xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Ghi nhận tại BR-VT cho thấy, các cơ quan chức năng của tỉnh đã và đang quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp để khắc phục các khuyến cáo của EU.

NGƯ DÂN, DN, CHÍNH QUYỀN CÙNG VÀO CUỘC

Cán bộ Đồn Biên phòng Bến Đá (thuộc Bộ đội Biên phòng tỉnh) tuyên truyền, hướng dẫn ngư dân đánh bắt hải sản đúng quy định. Ảnh: TRẦN TRÀ
Cán bộ Đồn Biên phòng Bến Đá (thuộc Bộ đội Biên phòng tỉnh) tuyên truyền, hướng dẫn ngư dân đánh bắt hải sản đúng quy định. Ảnh: TRẦN TRÀ

Huyện Long Điền là địa phương có số lượng tàu cá khá lớn với 1.848 chiếc, trong đó 1.348 tàu đánh bắt xa bờ công suất từ 90CV trở lên. Trong những ngày đầu năm 2018, huyện Long Điền đã phối hợp với Bộ đội Biên phòng tỉnh tổ chức các buổi tuyên truyền, kêu gọi ngư dân không xâm phạm vùng biển nước ngoài. Tất cả ngư dân đều phải ký vào bản cam kết đánh bắt đúng ngư trường, đúng quy định của pháp luật. Ngư dân nào đánh bắt thủy sản trái phép sẽ bị xử lý. Ngư dân Thái Thuần Tốt, ấp Tân An, xã Phước Tỉnh cho biết, thông qua những buổi tuyên truyền này đã giúp bà con ngư dân hiểu rõ hơn các quy định của pháp luật về khai thác hải sản, từ đó chấp hành nghiêm khi hành nghề trên biển.

Tương tự, tại TP.Vũng Tàu, công tác tuyên truyền cũng được tổ chức thường xuyên tại các địa phương tập trung ngư dân làm nghề khai thác hải sản phư: phường 5, 6, 11, 12. Ngày 12-1-2018, UBND TP.Vũng Tàu đã có công văn số 755/UBND-VP chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm soát hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, bắt buộc chủ tàu cá khai thác xa bờ hoặc thuyền trưởng phải ghi nhật ký khai thác, báo cáo khai thác, lắp đặt, vận hành thiết bị giám sát hành trình theo quy định, bật thiết bị 24/24 giờ và kết nối với các trạm quản lý tại bờ…

Về phía các DN chế biến, xuất khẩu thủy sản, đã có nhiều DN như: Công ty CP Chế biến xuất nhập khẩu thủy sản BR-VT (Baseafood), Công ty CP Hải Việt, Công ty CP Thủy sản và xuất nhập khẩu Côn Đảo (Coimex)… cam kết chỉ thu mua hải sản từ những tàu cá khai thác hợp pháp, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, không thu mua hải sản của tàu cá đánh bắt bất hợp pháp, khai thác không có giấy phép, không có nhật ký và không báo cáo theo quy định, khai thác bằng ngư cụ bị cấm.

Chế biến hải sản tại Công ty CP Chế biến thủy sản BR-VT (Baseafood), một trong những đơn vị cam kết không thu mua hải sản từ nguồn đánh bắt bất hợp pháp. Ảnh: THANH TRÍ
Chế biến hải sản tại Công ty CP Chế biến thủy sản BR-VT (Baseafood), một trong những đơn vị cam kết không thu mua hải sản từ nguồn đánh bắt bất hợp pháp. Ảnh: THANH TRÍ

Ghi nhận cho thấy, những ngày này, trước cổng nhiều DN chế biến hải sản đã đồng loạt treo “Bản cam kết chống khai thác hải sản bất hợp pháp”, với nội dung: “Công ty chúng tôi cam kết không khai thác bất hợp pháp, thu mua, chế biến và xuất khẩu các nguyên liệu, sản phẩm hải sản có nguồn gốc khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định”. Ông Huỳnh Minh Tường, Phó Tổng Giám đốc Baseafood cho biết, hiện nay, các sản phẩm của công ty đã có mặt tại 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Vì vậy, để bảo đảm hoạt động sản xuất liên tục và uy tín của DN, trước khi thu mua nguyên liệu, công ty đã tìm hiểu, khảo sát kỹ nguồn gốc của nguyên liệu thông qua sổ nhật trình đánh bắt, giấy chứng nhận an toàn thực phẩm. Đối với nguyên liệu nhập từ nước ngoài, phải bảo đảm đủ các chứng từ C/O, chứng chỉ, giấy xác nhận chứng nhận xuất xứ...

QUYẾT LIỆT TRIỂN KHAI ĐỒNG BỘ CÁC GIẢI PHÁP

Kể từ khi EU rút “thẻ vàng” cảnh báo đối với sản phẩm thủy sản khai thác của Việt Nam, các cơ quan từ Trung ương đến địa phương đã triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp để khắc phục. Ngày 16-1-2018, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch hành động Quốc gia nhằm ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định đến năm 2025. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, từ nay đến tháng 4-2018, ngành thủy sản phải rà soát, sửa đổi và bổ sung các văn bản liên quan đến khai thác thủy sản theo hướng tăng cường hiệu quả kiểm soát khai thác bất hợp pháp, phù hợp với một số khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu (EC) và thực tiễn quản lý tại Việt Nam; rà soát, bổ sung nghề, vùng biển, loài thủy sản cấm khai thác vĩnh viễn, cấm có thời hạn. Bên cạnh đó, ngành tiến hành quy hoạch khai thác hải sản xa bờ đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030; điều chỉnh và vận hành hiệu quả cơ chế chứng nhận xuất xứ thủy sản khai thác trong nước. Cùng  với đó, xây dựng chế tài xử lý nghiêm đối với chủ tàu, thuyền trưởng, ngư dân, người tiếp tay cho hoạt động khai thác, buôn bán hải sản trái phép...

Cá được đưa từ tàu xuống cảng INCOMAP, phường 5, TP.Vũng Tàu vào chiều 5-3. Ảnh: QUANG VINH
Cá được đưa từ tàu xuống cảng INCOMAP, phường 5, TP.Vũng Tàu vào chiều 5-3. Ảnh: QUANG VINH

Ông Trần Văn Cường, Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết, thời gian qua, các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh đã và đang tăng cường siết chặt quản lý hoạt động đánh bắt trên biển. Theo đó, cơ quan chức năng kiểm soát chặt từng tàu cá hành nghề đánh bắt xa bờ, kịp thời ngăn chặn các tàu cá lén lút ra nước ngoài đánh bắt trái phép. Đồng thời, các địa phương trong tỉnh đã nỗ lực kết hợp nhiều biện pháp, vừa tuyên truyền vận động, vừa kiên quyết xử phạt tàu thuyền và ngư dân vi phạm. Hiện Sở NN-PTNT đang xây dựng Đề án và lộ trình chuyển đổi nghề lưới kéo và khai thác hải sản ven bờ. Dự kiến, Đề án sẽ hoàn thành vào cuối năm 2018 và bắt đầu triển khai từ năm 2019, hướng tới chấm dứt loại hình tàu lưới kéo trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, ngành NN-PTNT tỉnh cũng đã ban hành văn bản bắt buộc các tàu cá khai thác hải sản, kể cả tàu dịch vụ hậu cần phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo quy định của pháp luật; không cấp giấy phép, gia hạn giấy phép khai thác đối với các tàu cá chưa trang bị hệ thống này. Cùng với đó, ngành thủy sản tỉnh cũng tuyên truyền, vận động ngư dân cam kết ghi nhật trình khai thác và nộp lại cho cơ quan chức năng tại các trạm kiểm soát ở các cảng cá để theo dõi. Hiện Sở NN-PTNT đang rà soát, kiểm tra lại hệ thống các cảng cá trên địa bàn tỉnh để xây dựng kế hoạch kêu gọi đầu tư xã hội hóa nâng cấp, xây dựng mới cảng cá. Sở cũng tăng cường xúc tiến đưa tàu cá và ngư dân trong tỉnh sang khai thác hợp pháp tại vùng biển các nước theo đề án của Bộ NN-PTNT. Theo lộ trình, trong năm 2018, tỉnh sẽ thí điểm cho 7 DN, HTX hoạt động trong lĩnh vực khai thác thủy sản sang đàm phán với Brunei.

Ngoài ra, ngành nuôi trồng thủy sản  trong tỉnh cũng được kiểm tra, sắp xếp, quản lý chặt chẽ từ nguồn gốc giống thủy sản đến quy trình chăm sóc, phòng chống dịch bệnh để bảo đảm chất lượng thủy sản.

NGÔ THANH

Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, trong thời gian bị “thẻ vàng”, 100% container hàng thủy sản xuất khẩu vào EU bị giữ lại để kiểm tra nguồn gốc khai thác, thời gian sẽ kéo dài tới 3 - 4 tuần/container; phí kiểm tra nguồn gốc khoảng 500 bảng Anh/container, chưa kể phí lưu giữ cảng và hệ lụy kinh doanh của đối tác khách hàng. Rủi ro lớn nhất là tỷ lệ lớn các lô hàng bị từ chối thông quan, trả hàng. Như Philippines đang bị “thẻ vàng”, có đến 70% số container bị trả về.

 

.
.
.