.

Doanh nghiệp dịch vụ dầu khí nỗ lực vượt khó

Cập nhật: 18:29, 19/03/2018 (GMT+7)

Thời gian qua, các DN làm dịch vụ dầu khí (thiết kế, chế tạo giàn khoan, thi công xây lắp...) đã nỗ lực vượt qua khó khăn, sản xuất kinh doanh hiệu quả, an toàn, tạo việc làm ổn định cho người lao động.

Kỹ sư Công ty CP Xây lắp đường ống bể chứa dầu khí trên công trường xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2. Ảnh: PHAN HÀ
Kỹ sư Công ty CP Xây lắp đường ống bể chứa dầu khí trên công trường xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2. Ảnh: PHAN HÀ

Cuối tháng 2-2018, tại cảng hạ lưu PTSC (TP.Vũng Tàu), Công ty Dịch vụ Cơ khí Hàng hải PTSC (PTSC M&C) đã bàn giao 3 giàn khai thác B12-15, B12-11, B12-17 cuối cùng trong tổng số 5 giàn khai thác cho Dự án Daman. Sự kiện này tiếp tục khẳng định thương hiệu và năng lực trong khu vực và trên thế giới của PTSC M&C qua việc thực hiện thành công các dự án xây lắp công trình dầu khí cho chủ đầu tư nước ngoài.

Dự án phát triển mỏ Daman do Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Ấn Độ (ONGC) làm chủ đầu tư. Đây là dự án rất quan trọng của ngành dầu khí Ấn Độ. Ban đầu, dự án này được chủ đầu tư ONGC trao thầu cho tổng thầu Swiber India - trụ sở chính ở Singapore thực hiện. Sau một thời gian triển khai dự án, tổng thầu Swiber không thực hiện đúng cam kết về tiến độ, gặp khó khăn về tài chính. Sau khi cân nhắc, chủ đầu tư ONGC đã lựa chọn PTSC M&C làm tổng thầu EPC (từ khâu thiết kế chi tiết, mua sắm thiết bị, chế tạo, thi công và hạ thủy bàn giao).

Ông Đồng Xuân Thắng, Giám đốc Công ty PTSC M&C cho biết: Để dự án hoàn thành đúng tiến độ, bảo đảm an toàn và chất lượng, ban lãnh đạo PTSC M&C đã chỉ đạo Ban dự án Daman triển khai nhiều phương án, giải pháp kỹ thuật như: tính toán phương án hạ thủy không cần dầm hạ thủy, tận dụng các quy trình thi công sẵn có từ các dự án trước, áp dụng tối đa công nghệ tự động (hàn bán tự động FCAW, cắt gọt bằng các máy móc CNC)… Sau thành công của Dự án Daman, hiện nay, PTSC M&C đang dồn lực để thực hiện song song 2 dự án lớn, trong đó dự án Sao Vàng - Đại Nguyệt của chủ đầu tư Idemitsu có ý nghĩa rất quan trọng. 2 dự án này sẽ đảm bảo một phần công việc ổn định cho người lao động của PTSC M&C từ nay đến hết năm 2020.

Còn với Công ty CP Xây lắp đường ống bể chứa dầu khí (DOBC), hiện DN đang huy động các nguồn lực để hoàn thành các đơn hàng đã ký kết đúng tiến độ. Theo ông Vũ Chí Cường, Giám đốc Công ty DOBC, năm 2018, công ty đặt mục tiêu đạt doanh thu 250 tỷ đồng, 15% so với 2017, lợi nhuận hơn 12 tỷ đồng và tạo việc làm cho gần 500 lao động. Hiện tại, DOBC đang dồn sức để thực hiện hợp đồng vừa ký kết vào ngày 14-3 vừa qua, đó là gói thầu “Thi công xây dựng, cung cấp lắp đặt thiết bị và chạy thử” thuộc Dự án Cảng nhập nguyên liệu công suất 500.000 tấn/năm của Nhà máy Đạm Cà Mau. Đây là một trong những gói thầu quan trọng thuộc Dự án Cảng nhập nguyên liệu công suất 500.000 tấn/năm của Nhà máy Đạm Cà Mau, với giá trị hợp đồng 94 tỷ đồng. Theo hợp đồng, gói thầu này sẽ hoàn thành trong thời gian 345 ngày.

Theo đánh giá của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), từ đầu năm 2018 đến nay, mặc dù tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng PVN và các đơn vị thành viên đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Hầu hết các chỉ tiêu sản xuất của Tập đoàn đều hoàn thành vượt mức từ 4-15% kế hoạch quý I đề ra. Thời gian tới, Tập đoàn tiếp tục tập trung kiểm soát chặt chẽ tiến độ phát triển các mỏ, công trình dự kiến đưa vào khai thác trong năm 2018; vận hành an toàn, ổn định các nhà máy, công trình dầu khí hiện hữu; đẩy nhanh tiến độ các dự án nhiệt điện Long Phú 1, Sông Hậu 1, Thái Bình 2...

Bài, ảnh: PHAN HÀ

Trong 2 tháng đầu năm 2018, tổng sản lượng khai thác (quy dầu) của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đạt 4,13 triệu tấn, sản xuất điện đạt 3,56 tỷ kWh, sản xuất đạm đạt 281,8 ngàn tấn, sản xuất xăng dầu đạt 1,13 triệu tấn. Các chỉ tiêu tài chính của Tập đoàn cũng cao hơn so với cùng kỳ năm 2017. Cụ thể, doanh thu toàn Tập đoàn vượt 12% kế hoạch, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2017; nộp ngân sách Nhà nước vượt 30% kế hoạch, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2017.

 

.
.
.