.

Cần đẩy nhanh tái cơ cấu ngành chăn nuôi

Cập nhật: 17:36, 23/03/2018 (GMT+7)

Khi Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực, bên cạnh những thuận lợi, ngành chăn nuôi Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, để đứng vững trên sân nhà và hướng đến xuất khẩu, cần đẩy mạnh tái cơ cấu ngành chăn nuôi.

“THẤT THỦ” VÌ GIÁ

Giá thịt heo nội bày bán tại chợ, siêu thị hiện cao hơn thịt nhập khẩu. Trong ảnh: Khách hàng mua thịt heo tại chợ Rạch Dừa (TP.Vũng Tàu).
Giá thịt heo nội bày bán tại chợ, siêu thị hiện cao hơn thịt nhập khẩu. Trong ảnh: Khách hàng mua thịt heo tại chợ Rạch Dừa (TP.Vũng Tàu).

Hơn 10 năm gắn bó với nghề nuôi gà, chưa khi nào ông Trần Ngọc Châu (tổ 3, ấp Phong Phú, xã Long Phước, TP.Bà Rịa, chủ trang trại nuôi gà quy mô 50 ngàn con) lại lo lắng như lúc này. Những năm trước, giá gà tam hoàng ổn định ở mức 40.000 - 42.000 đồng/kg, ông Châu lãi 600 - 700 triệu đồng/năm từ việc nuôi gà. Tuy nhiên, gần 2 năm trở lại đây, giá gà tam hoàng giảm mạnh khiến việc chăn nuôi của ông gặp nhiều khó khăn, có những lứa nuôi ông Châu lỗ gần 2 tỷ đồng. Trên thị trường, cách đây khoảng 2 tháng, giá heo tại các trang trại dao động ở mức 30.000  - 33.000 đồng/kg, nhưng nay đã giảm xuống còn 26.000 - 29.000 đồng/kg, khiến người nuôi heo đang lỗ 4.000 - 6.000 đồng/kg. Tương tự, thời điểm trước Tết Mậu Tuất, giá gà công nghiệp khoảng 28.000 - 30.000 đồng/kg, nay chỉ còn 18.000 đồng/kg, người nuôi gà đang lỗ 4.000 đồng/kg.

Một trong những nguyên nhân chính khiến gia súc, gia cầm liên tục giảm giá và khó tiêu thụ là do phải cạnh tranh với các sản phẩm thịt nhập khẩu. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, hiện mỗi tháng, Việt Nam nhập khoảng 1.000 tấn thịt heo từ Canada, Đức, Hà Lan, với mức giá từ 1.200 - 2.500 USD/tấn (từ 30.000 - 50.000 đồng/kg); 1.000 tấn thịt bò Úc, Mỹ…, với giá khoảng 2.000 USD/tấn. Trong khi đó, thịt heo trong nước bán lẻ trên thị trường dao động từ 80.000 - 150.000 đồng/kg (tùy loại); thịt bò trong nước có giá bán lẻ từ 180.000 - 260.000 đồng/kg; thịt gà dao động từ 45.000 - 60.000 đồng/kg. Do giá thịt gia súc, gia cầm trong nước cao nên hàng ngoại nhập cùng loại được các DN chế biến thực phẩm, các quán ăn, bếp ăn công nghiệp chọn sử dụng nhiều. Ông Nguyễn Văn Nam (chủ trang trại gà công nghiệp quy mô 10 ngàn con tại thôn 2, xã Suối Rao, huyện Châu Đức) cho biết, những năm qua, thịt gia súc, gia cầm nhập khẩu từ nước ngoài tràn về Việt Nam với số lượng năm sau cao hơn năm trước. Tuy nhiên, người chăn nuôi trong nước vẫn cầm cự được nhưng khoảng 3 năm trở lại đây, ngành chăn nuôi nội thường bị “thất thủ”. Như với gà công nghiệp, có những thời điểm chỉ còn 13.000 - 14.000 đồng/kg; rồi đến heo cũng “tuột” giá không phanh, từ 45.000 - 50.000 đồng/kg rơi xuống 25.000 - 28.000 đồng/kg, có thời thời điểm chỉ còn 17.000 - 18.000 đồng/kg cũng không có người mua. Vì vậy, nhiều trang trại chăn nuôi đã phá sản, treo chuồng vì thua lỗ liên tiếp.

Trong khi đó, việc xuất khẩu của ngành chăn nuôi trong nước vẫn gặp khó khăn, thị trường tiêu thụ chủ yếu là Trung Quốc, giá sản phẩm còn thấp do chất lượng không ổn định và công nghệ chế biến chưa bắt kịp thế giới, chưa đáp ứng được tiêu chuẩn xuất khẩu sang các nước tiên tiến.

LÀM GÌ ĐỂ TĂNG SỨC CẠNH TRANH?

Chăn nuôi gà tại một trang trại trên địa bàn xã Phước Tân (huyện Xuyên Mộc).
Chăn nuôi gà tại một trang trại trên địa bàn xã Phước Tân (huyện Xuyên Mộc).

Theo các chuyên gia, chăn nuôi là ngành bị ảnh hưởng nhiều khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực do sức cạnh tranh của ngành này rất yếu. Khi thuế nhập khẩu giảm theo cam kết của CPTPP thì các sản phẩm chăn nuôi của Canada, Nhật Bản, Australia... sẽ ồ ạt vào Việt Nam. Điều này sẽ tác động tiêu cực đến ngành chăn nuôi trong nước. Do vậy, nếu không nhanh chóng cải tiến quy trình chăn nuôi để giảm giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm và lựa chọn những sản phẩm lợi thế, đặc trưng để tập trung phát triển thì ngành chăn nuôi sẽ gặp nhiều bất lợi.

Ông Giao Văn Sỹ, Trưởng Phòng Chăn nuôi, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đánh giá, hiện giá thành chăn nuôi trong nước còn khá cao so với khu vực. Chẳng hạn, chăn nuôi heo cao hơn 25-30%, gia cầm cao hơn 15%, sản xuất trứng gia cầm cao hơn 12-13% so với khu vực. Thời gian qua, các DN, cơ sở chăn nuôi trong nước không ngừng cải tiến về giống, giảm giá thành sản phẩm nhưng vẫn rất khó cạnh tranh do giá thành chăn nuôi heo của các nước chỉ dưới 30.000 đồng/kg, trong khi ở Việt Nam lên tới 32.000 - 35.000 đồng/kg. Nếu không cơ cấu lại để giảm giá thành, chắc chắn ngành chăn nuôi trong nước sẽ thua ngay trên sân nhà, chớ đừng mong đến xuất khẩu.

Theo các chuyên gia kinh tế, để có thể vượt qua thách thức, đón nhận những cơ hội, tạo lợi thế cạnh tranh tốt, ngành chăn nuôi Việt Nam phải tự đổi mới, chú trọng đầu tư khoa học, công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp trên quy mô lớn theo những quy chuẩn cao. Các địa phương cần đẩy nhanh xây dựng và tạo lập một nền nông nghiệp hữu cơ với sản phẩm là hàng hóa sạch, đồng thời hình thành các liên kết chuỗi để kiểm soát chặt từ khâu sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm. Chuỗi liên kết này cần sự tham gia tích cực của “4 nhà”: Nhà nước, nhà khoa học, nhà DN và nhà nông.

Để phát triển ngành chăn nuôi bền vững, ông Nguyễn Lương Trai, Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho rằng, phát triển liên kết chuỗi giá trị trong chăn nuôi là giải pháp rất quan trọng để tổ chức lại sản xuất chăn nuôi. Đây cũng là giải pháp quan trọng trong tái cơ cấu ngành chăn nuôi. Thực hiện các liên kết này, vai trò của DN luôn giữ vị trí chủ đạo, dẫn dắt các đối tượng tham gia chuỗi. Do vậy, Nhà nước cần khuyến khích sản xuất theo chuỗi giá trị thông qua các chính sách cần thiết.

Bài, ảnh: CÁT TƯỜNG

.
.
.