Thực phẩm "nhiều không" vẫn được bày bán tại chợ
Thời điểm này, tại các chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh đã tràn ngập thực phẩm Tết như giò chả, bánh kẹo, mứt... Trong số đó, có không ít sản phẩm không có nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ, không có hạn sử dụng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP). Trước thực trạng này, cơ quan chức năng cho biết sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm ATVSTP.
THỰC PHẨM KHÔNG RÕ NGUỒN GỐC TRÀN NGẬP CHỢ
Bánh, kẹo không rõ nguồn gốc, không có nhãn mác bày bán tại chợ Rạch Dừa, TP. Vũng Tàu. |
Khảo sát cho thấy, nhiều mặt hàng thực phẩm được bày bán tại các chợ không có nhãn mác, không hạn sử dụng và không rõ nguồn gốc. Tại khu bán hàng tạp hóa ở chợ Vũng Tàu, các loại kẹo bắp, kẹo dừa, mứt bí, mứt cà rốt, hạt hướng dương… được đóng gói trong các bao ni lông màu trắng nhưng không có nhãn mác, tên cơ sở sản xuất, hạn sử dụng… Chị Sương, tiểu thương bán bánh kẹo ở chợ Vũng Tàu cho biết, các mặt hàng này được bán theo kg. Cụ thể, kẹo 50.000 - 60.000 đồng/kg, mứt 150.000 - 180.000 đồng/kg… Khi chúng tôi hỏi nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm thì chỉ nhận được câu trả lời chung chung là “hàng được lấy từ Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh”.
Còn tại chợ Rạch Dừa (TP.Vũng Tàu), ở khu vực hàng khô, ngoài các loại bánh kẹo có thương hiệu như Nabati, Kinh Đô, nhiều loại bánh kẹo, mứt không nhãn mác cũng bày bán tràn lan. Tiểu thương sử dụng các thùng các tông để đựng kẹo, bánh, chocolate, hay dùng hũ nhựa, thủy tinh để đựng mứt dừa, mứt hạt sen, hạt điều… Ghé vào một quầy bán bánh kẹo ở chợ Rạch Dừa, chúng tôi ghi nhận, các loại bánh kẹo, mứt bày bán ở đây không một dòng thông tin về nơi sản xuất, thành phần của sản phẩm, hạn sử dụng. Cầm một túi bánh que lên quan sát, chúng tôi thấy bánh được đóng trong các bịch ni lông cột dây thun và không có bất cứ thông tin nào về sản phẩm. Thấy chúng tôi tỏ vẻ e ngại, chị chủ quầy nói: “Bánh tai heo, bánh que giá 10.000 đồng/bịch. Em cứ yên tâm mua về dùng, bánh này do Việt Nam sản xuất, không phải hàng Trung Quốc đâu”.
Thời điểm này, một số loại lạp xưởng và hải sản khô cũng được bày bán nhiều ở các chợ. Tại chợ Ngọc Hà (thị trấn Phú Mỹ, huyện Tân Thành), các chuỗi lạp xưởng có màu đỏ bắt mắt được treo trên sạp hoặc đựng trên mâm nhưng không có bao bì, nhãn mác, không được che đậy. Những người bán hàng ở đây tự tin giới thiệu với chúng tôi: “Đây là hàng nhà làm nên ngon và sạch”.
Với mặt hàng thịt tươi sống, ngoài các loại thịt được giết mổ ở các lò mổ tập trung và có dấu kiểm dịch, vẫn còn tình trạng giết mổ gia súc, gia cầm tự phát tại các chợ, sau đó bày bán cho người dân.
TĂNG CƯỜNG KIỂM TRA, XỬ LÝ
Cá đù một nắng không có bao bì, nhãn mác được bán theo kg tại chợ Xóm Lưới (TP. Vũng Tàu). Ảnh: VÂN ANH |
Ông Lê Quang Hải, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh cho biết, hiện nay, một số cơ sở sản xuất, kinh doanh chưa chấp hành nghiêm các quy định về ATVSTP, không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, không tổ chức khám sức khỏe định kỳ và tập huấn kiến thức ATVSTP cho nhân viên... Trong tháng 1-2018, lực lượng quản lý thị trường đã tiến hành kiểm tra 105 cơ sở, qua đó phát hiện 23 cơ sở vi phạm quy định về ATVSTP, ra quyết định xử phạt hành chính hơn 154 triệu đồng.
Theo đánh giá của lực lượng quản lý thị trường, dịp giáp Tết, lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường lớn, sức mua tăng cao. Vì vậy, hoạt động buôn lậu, vận chuyển, buôn bán hàng cấm, hàng quá hạn sử dụng, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, không bảo đảm ATVSTP và các hành vi gian lận thương mại khác diễn biến phức tạp, tinh vi và tăng về số lượng cũng như tần suất hoạt động. Nhằm ngăn chặn tình trạng trên và bình ổn thị trường Tết, lực lượng quản lý thị trường sẽ tập trung đấu tranh phòng chống buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu, hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng; tăng cường kiểm tra việc thực hiện đăng ký, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết; kiểm tra việc thực hiện các quy định về đo lường hàng hóa (cân, đo, đóng gói)… “Lực lượng quản lý thị trường sẽ tập trung kiểm tra nguồn gốc xuất xứ các mặt hàng lương thực, thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến đóng gói; các loại bánh mứt, kẹo, sữa, rượu, bia; việc sử dụng hóa chất, phụ gia trong việc chế biến thực phẩm. Việc kiểm tra sẽ diễn ra liên tục từ nay đến ngày 28-2-2018”, ông Lê Quang Hải nói.
Ông Mã Trung Kiên, Trưởng Ban Quản lý chợ Bà Rịa cho biết, hàng tuần, BQL chợ tổ chức kiểm tra 2-3 lần. Qua kiểm tra, nếu phát hiện các mặt hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm ATVSTP, BQL chợ sẽ phối hợp với lực lượng quản lý thị trường, y tế tiến hành lấy mẫu xét nghiệm để có hướng xử lý phù hợp. Nếu hộ kinh doanh nào cố tình vi phạm, BQL chợ sẽ buộc đóng cửa.
Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU - QUANG VŨ
Theo Chi cục Quản lý thị trường tỉnh, khi lựa chọn thực phẩm ngày Tết, người tiêu dùng cần chú ý các nội dung như: tên thực phẩm; tên, địa chỉ thương nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa; định lượng của thực phẩm; thành phần cấu tạo; chỉ tiêu chất lượng chủ yếu; ngày sản xuất, thời hạn sử dụng, thời hạn bảo quản; hướng dẫn bảo quản, hướng dẫn sử dụng và xuất xứ của hàng hóa… |