.

Nâng cao sức cạnh tranh của hàng Việt

Cập nhật: 17:53, 12/01/2018 (GMT+7)

Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng hiện nay, các sản phẩm do DN trong nước sản xuất vẫn đang đứng vững trước sự cạnh tranh khốc liệt của hàng ngoại. Để duy trì “phong độ” này, ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước, các DN Việt cần tiếp tục cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng, hạ giá thành, tăng cường quảng bá, chú trọng xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất, phân phối sản phẩm…

HÀNG VIỆT CHIẾM LĨNH CHỢ, SIÊU THỊ

Khách hàng chọn mua sản phẩm nấm linh chi của Công ty TNHH Thủy Tiên (phường Phước Hiệp, TP.Bà Rịa).
Khách hàng chọn mua sản phẩm nấm linh chi của Công ty TNHH Thủy Tiên (phường Phước Hiệp, TP.Bà Rịa).

Siêu thị Co.op Mart Vũng Tàu hiện đang bày bán hơn 30 ngàn mặt hàng, trong đó 90% là sản phẩm mang thương hiệu Việt. Các mặt hàng mang thương hiệu Việt được trưng bày nổi bật trên các quầy kệ, theo từng nhóm hàng. Phía trước mỗi mặt hàng đều niêm yết giá bán rõ ràng, ghi đầy đủ thông tin xuất xứ sản phẩm. Quan sát tại siêu thị trong buổi tối cuối tuần, điều dễ nhận thấy là các quầy hàng Việt Nam luôn thu hút người tiêu dùng mua sắm.

MM Mega Market (QL 51B, TP.Vũng Tàu) là một trong những siêu thị tích cực hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” dù siêu thị này do DN Thái Lan quản lý. Bà Huỳnh Thị Phương Châu, đại diện siêu thị MM Mega Market cho biết, hiện siêu thị đang phân phối hơn 95% hàng hóa có xuất xứ từ Việt Nam, tập trung vào các mặt hàng: Rau, quả, thực phẩm, đồ gia dụng, đồ dùng thiết yếu…

Tại các chợ nông thôn, hàng Việt Nam cũng chiếm phần lớn thị phần. Ghi nhận tại Cù Bị 2 (xã Cù Bị, huyện Châu Đức) cho thấy, xe hàng của anh Nguyễn Công Tâm, DNTN Tâm Linh, số 270, đường 30-4, TP. Vũng Tàu luôn đông khách. Xe hàng của anh Tâm chuyên bán các mặt hàng như dầu gội đầu, bột giặt, nước rửa chén, kem đánh răng… và đều do các công ty của Việt Nam sản xuất. Anh Nguyễn Công Tâm cho biết: “Trước đây, mỗi tháng 1 lần, tôi đưa hàng về đây bán. Tôi nhận thấy, nhu cầu của người dân rất lớn, nên hiện nay, cứ 3-5 ngày, tôi lại đánh xe chở hàng về đây phục vụ người dân”.

XÂY DỰNG CHUỖI LIÊN KẾT

Khách hàng chọn mua quần áo tại Siêu thị Co.op Mart Vũng Tàu.
Khách hàng chọn mua quần áo tại Siêu thị Co.op Mart Vũng Tàu.

Trong bối cảnh phải cạnh tranh khốc liệt với các DN nước ngoài, bên cạnh việc cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, DN Việt cần xây dựng các liên kết chuỗi trong sản xuất, phân phối. Ông Huỳnh Chí Đông Hải, Phó Giám đốc Liên hiệp HTX Cung ứng nông sản và thực phẩm an toàn BR-VT (Co.op BR-VT) cho biết: Co.op BR-VT đã liên kết chặt chẽ với các HTX trong tỉnh và một số tỉnh bạn để tìm nguồn nông sản an toàn kết nối về BR-VT để tiêu thụ. Đồng thời, đưa các sản phẩm an toàn của tỉnh ra tiêu thụ ở các tỉnh khác. Dù mới đi vào hoạt động hơn nửa năm nay, nhưng Co.op BR-VT đã trở thành một trong những kênh phân phối bán lẻ rau, củ, quả an toàn được người tiêu dùng ưu tiên chọn lựa. Đồng thời, trở thành nơi cung cấp rau an toàn cho một số nhà hàng, khách sạn.

Theo bà Vũ Bích Hảo, Phó Giám đốc Sở Công thương, thời gian qua, các cơ quan chức năng cũng như ngành Công thương đã nỗ lực tuyên truyền và tổ chức các hoạt động nhằm đưa hàng Việt đến gần hơn với người dân, nhất là người dân nông thôn. Năm 2017, ngoài việc tổ chức các chuyến hàng Việt về nông thôn và các chương trình kết nối giao thương, ngành đã xây dựng được một điểm cố định bán hàng Việt tại thị trấn Phước Bửu, huyện Xuyên Mộc. Sau điểm bán hàng cố định này, trong năm 2018, ngành sẽ tiếp tục mở các điểm bán hàng Việt cố định ở các địa phương còn lại trong tỉnh, hình thành các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ.

Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU

Năm 2017, Trung tâm Xúc tiến thương mại đã tổ chức 16 phiên chợ hàng Việt trên địa bàn tỉnh, trong đó có 2 phiên chợ hàng Việt ra Côn Đảo, 1 phiên chợ cho công nhân tại KCN. Các phiên chợ này thu hút 250 lượt DN trong và ngoài tỉnh tham gia, tổng  doanh thu đạt hơn 9,1 tỷ đồng, với gần 80.000 lượt khách tham quan và mua sắm.

 

.
.
.