.

Liên kết trong sản xuất, tiêu thụ giữa doanh nghiệp - nông dân: Thiếu những cam kết có tính bảo đảm

Cập nhật: 21:02, 25/01/2018 (GMT+7)

Trong bối cảnh thị trường nông sản thường xuyên biến động, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ nông sản giữa doanh nghiệp (DN) và nông dân là hướng đi cần thiết, là giải pháp bảo đảm sự phát triển bền vững cho ngành nông nghiệp địa phương. Việc tham gia vào quá trình liên kết, đòi hỏi cả DN và nông dân phải nhận thức và tuân thủ nghiêm túc các cam kết. Tuy nhiên, nhìn vào các dạng liên kết sản suất, bao tiêu nông sản từ trước đến nay, có thể thấy tính ràng buộc trong các cam kết còn thiếu.

LIÊN KẾT LÀ CÓ LỢI

Năm 2014, hơn 900 hộ dân của 2 huyện Châu Đức và Xuyên Mộc được Công ty Harris Freeman Việt Nam mời tham gia dự án “Phát triển hồ tiêu bền vững Việt Nam - Harris Freeman”. Đến nay, dự án đã phát triển thêm 1.339ha với hơn 1.000 hộ tham gia. Khi tham gia dự án, người dân được DN chuyển giao kỹ thuật trồng tiêu theo chuẩn Global GAP, SAN. Tham gia dự án, nông dân được hỗ trợ trả chậm tiền phân bón, được cam kết bao tiêu sản phẩm đúng giá thị trường. Đối với sản phẩm chất lượng vượt trội, DN sẽ thưởng thêm cho nông dân 5.000 đồng/kg. Đổi lại, các hộ nông dân tham gia vào dự án phải cam kết sản xuất đúng theo quy trình kỹ thuật mà công ty hướng dẫn. 

Ông Nghiêm Khắc Tuấn (ở thôn Tân Long, xã Kim Long, huyện Châu Đức) - một trong những người tham gia dự án ngay từ những ngày đầu tiên, cho biết: Trước đây, với 1ha đất trồng tiêu, nếu canh tác theo kiểu truyền thống tiền chi phí đầu tư cho phân bón, thuốc BVTV hết 60 triệu đồng/ha, với phương thức canh tác mới chi phí giảm còn 30 triệu đồng/ha. Theo đó, năng suất, chất lượng hồ tiêu cũng tăng từ 20-30% so với trước. “Tham gia dự án này, điều chúng tôi yên tâm nhất là được DN bao tiêu sản phẩm theo giá thị trường. Hơn nữa, sức khỏe cũng được bảo đảm khi người nông dân không phải tiếp xúc nhiều với thuốc trừ sâu, BVTV, môi trường sống không bị ô nhiễm”, ông  Tuấn cho hay.

Ông Nghiêm Khắc Tuấn phơi tiêu để chuẩn bị bán cho Công ty Harris Freeman Việt Nam.
Ông Nghiêm Khắc Tuấn phơi tiêu để chuẩn bị bán cho Công ty Harris Freeman Việt Nam.

Theo ông Lương Văn Thăng, Phó Chủ tịch Hội Hồ tiêu tỉnh, việc liên kết bước đầu thay đổi được tập quán canh tác hồ tiêu của nông dân, tăng cường được mối liên kết giữa người dân, DN, nhà quản lý và nhà khoa học, hướng đến sản xuất hồ tiêu bền vững. Thu nhập của người dân trồng tiêu được bảo đảm trước những biến động về giá của thị trường, đồng thời giúp giữ vững thương hiệu “Hồ tiêu BR-VT”. Đặc biệt là hiện nay, khi giá hồ tiêu đang “lao dốc”, thị trường tiêu thụ khó khăn thì DN vẫn bảo đảm việc thu mua như đã cam kết với bà con nông dân.

Theo báo cáo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, hiện nay ngoài gần 1.339ha hồ tiêu đã được DN bao tiêu sản phẩm tại các địa phương Châu Đức, Xuyên Mộc, một số DN cùng liên kết với các địa phương để bao tiêu các sản phẩm khác như: lúa (huyện Đất Đỏ), chuối, bắp (huyện Châu Đức), thanh long (huyện Tân Thành), với tổng diện tích 340ha. Theo đó, DN hỗ trợ cung ứng vật tư đầu vào (phân bón, thuốc BVTV), nông dân sản xuất theo quy trình của công ty, cuối vụ công ty thu mua 100% lượng sản phẩm với giá cao hơn thị trường.

Bà Phạm Thị Ánh Tuyết (ấp 6, xã Hòa Bình, huyện Xuyên Mộc) chăm sóc vườn nghệ của gia đình.
Bà Phạm Thị Ánh Tuyết (ấp 6, xã Hòa Bình, huyện Xuyên Mộc) chăm sóc vườn nghệ của gia đình.

NHƯNG CŨNG NHIỀU NGUY CƠ ĐỔ VỠ 

Khi liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nhà nông và DN đều cần phát huy tối đa trách nhiệm. Tuy nhiên, thực tế, mối liên kết giữa DN và nông dân không phải lúc nào cũng như hứa hẹn ban đầu. Bà Nguyễn Thị Thùy Dung, Phó Tổng Giám đốc Công ty Harris Freeman Việt Nam cho biết: Để có sản phẩm hồ tiêu đạt chất lượng, Harris Freeman Việt Nam đã liên kết với nông dân nhiều địa phương trong cả nước tham gia vào các dự án. Tuy nhiên, thời gian qua, đã xảy ra tình trạng, nông dân không bán sản phẩm cho DN. “Họ thu hoạch xong nhưng trữ lại chờ giá cao mới bán, điều này khiến DN rất bị thụ động”, bà Dung nói.

Hay như năm 2013, chuỗi liên kết được triển khai thực hiện tại xã An Nhứt (huyện Long Điền) với mô hình cánh đồng mẫu lúa lớn 30ha chuyên sản xuất lúa sạch. Theo đó, ngành nông nghiệp tỉnh đã phối hợp với UBND huyện Long Điền hỗ trợ 30% giống lúa chất lượng cao cho các hộ dân tham gia, cùng tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về quy trình sản xuất lúa sạch, bảo đảm chất lượng theo tiêu chuẩn VietGAP; kết nối với DN bao tiêu sản phẩm của nông dân với giá cao hơn thị trường từ 2.000-3.000 đồng/kg. Tuy nhiên việc liên kết này không thể duy trì bền vững do nông dân tự phá vỡ cam kết, sau khi thu hoạch xong tại ruộng, họ bán lúa cho thương lái.

Một số vụ “đổ vỡ” lại xuất phát từ sự thiếu trách nhiệm của DN. Đã có nhiều trường hợp, DN ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm, nhưng đến kỳ thu hoạch lại không thu mua cho nông dân. Câu chuyện bí đao ở xã Suối Rao (huyện Châu Đức) là một ví dụ. Đầu tháng 3-2010, 52 hộ nông dân ở xã Suối Rao đã phải vứt bỏ hơn 100 tấn bí đao ra đường vì Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Long Thủy (TX. Thủ Dầu Một - Bình Dương) không thu mua sản phẩm bí đao của họ theo như hợp đồng bao tiêu sản phẩm đã ký kết.

Do chưa có sự liên kết nên sản phẩm nông nghiệp chưa có thị trường tiêu thụ ổn định. Trong ảnh: Thu hoạch thanh long tại xã Bưng Riềng (huyện Xuyên Mộc).  Ảnh: ĐINH HÙNG
Do chưa có sự liên kết nên sản phẩm nông nghiệp chưa có thị trường tiêu thụ ổn định.
Trong ảnh: Thu hoạch thanh long tại xã Bưng Riềng (huyện Xuyên Mộc). Ảnh: ĐINH HÙNG

Điều đáng nói là những sự “đổ vỡ” kể trên đều chưa được xử lý đến cùng. Hậu quả là DN hoặc nông dân phải tự “cắn răng” gánh chịu thiệt hại do đối tác gây ra. Vì vậy, theo ông Nguyễn Tiến Bảy, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh: Để ràng buộc các mối liên kết giữa DN và nông dân một cách bền vững, cần phải phân định rõ lợi ích và trách nhiệm của các bên. Đối với chính quyền cơ sở và cơ quan quản lý Nhà nước, không gì hơn là phải tăng cường công tác hướng dẫn xây dựng mô hình liên kết cụ thể, rõ ràng để nông dân và DN thấy được lợi ích mang lại, từ đó có trách nhiệm thực hiện đúng các nội dung cam kết. Về phía chính quyền địa phương cần có giải pháp theo dõi việc thực hiện nội dung của hợp đồng liên kết. Về phía DN, có kế hoạch cụ thể về nhu cầu, khả năng tiêu thụ sản phẩm đúng đơn đặt hàng, tạo uy tín cao đối với nông dân; phối hợp với cơ quan chức năng hướng dẫn hộ sản xuất đúng theo quy trình kỹ thuật và chất lượng hàng hóa.

Bài, ảnh: PHAN HÀ, TRÀ NGÂN

.
.
.