Xây dựng chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp
Xã viên HTX Hưng Thịnh (xã Bưng Riềng, huyện Xuyên Mộc) chăm sóc thanh long. |
Thời gian qua, khâu tiêu thụ sản phẩm của một số HTX nông nghiệp luôn gặp khó, khiến đời sống xã viên chưa cao. Từ thực tế này, việc các HTX sản xuất theo chuỗi là hướng đi cần thiết để bảo đảm đầu ra của sản phẩm, nâng cao thu nhập bền vững cho nông dân.
LIÊN KẾT CÒN YẾU
Chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp gồm những công đoạn chính là: sản xuất, thu mua và tiêu thụ sản phẩm. Trong đó, HTX là một trong những mắt xích quan trọng, là cầu nối liên kết hữu hiệu giữa DN và nông dân trong thu mua, tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, theo đánh giá của Liên minh HTX Việt Nam, hiện nay, chỉ có khoảng 9% HTX bao tiêu được “đầu ra” sản phẩm cho xã viên. Đây chính là một trong những nguyên nhân khiến nông dân thường xuyên bị động trong khâu tiêu thụ sản phẩm, dễ bị ép giá.
HTX Dịch vụ - Nông nghiệp Hưng Thịnh (xã Bưng Riềng, huyện Xuyên Mộc) được thành lập năm 2014, với 29 thành viên, ngành nghề chính là trồng thanh long trên diện tích 50ha. Hiện nay, giá bán thanh long giảm sâu, chỉ còn 7.000 đồng/kg. Trong khi đó, chi phí sản xuất như: điện, phân bón, thuốc BVTV, công lao động… tăng nên các thành viên HTX gặp nhiều khó khăn, sản phẩm làm ra “mạnh ai nấy bán”. Ông Trần Quang Hải, Giám đốc HTX Dịch vụ - Nông nghiệp Hưng Thịnh cho biết, giá bán thanh long phải từ 15.000 đồng/kg trở lên, nông dân mới có lãi. Hiện HTX đang phải gánh nợ tiền phân bón cho các hộ trồng thanh long; giấy chứng nhận VietGAP đã hết hạn nhưng HTX chưa có kinh phí để thực hiện thủ tục đăng ký lại.
Tương tự, HTX Dịch vụ nông nghiệp Hải Phát (xã Tân Hải, huyện Tân Thành) thành lập tháng 11-2016, với 43 thành viên, chuyên sản xuất rau an toàn trên tổng diện tích 18ha, mỗi ngày thu hoạch hơn 6 tấn rau các loại. Những ngày đầu thành lập, HTX triển khai sản xuất rau an toàn, nhưng giá bán không cao hơn các loại rau thông thường khác do không tìm được đầu ra ổn định. Sau vài vụ thu hoạch, HTX phải bù lỗ cả 100 triệu đồng nay đang đứng trước nguy cơ giải thể. Ông Nguyễn Hùng Cường, Chủ tịch HĐQT HTX Dịch vụ nông nghiệp Hải Phát cho biết, nếu được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà xưởng sơ chế, máy đóng gói bao bì, tạo cơ hội liên kết với DN để có đầu ra ổn định thì HTX mới có thể triển khai sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP để có đầu ra ổn định, giá bán cao.
Xã viên HTX Hưng Thịnh (xã Bưng Riềng, huyện Xuyên Mộc) lo lắng vì đầu ra của trái thanh long chưa ổn định. |
HÌNH THÀNH CHUỖI TỪ SẢN XUẤT ĐẾN TIÊU THỤ
Theo Sở NN-PTNT, hiện nay, trong số 55 HTX nông nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh, chỉ có 15 HTX làm ăn hiệu quả; 8 HTX chưa chuyển đổi theo Luật HTX 2012, hiện đang ngưng hoạt động; 1 HTX đã giải thể.
15 HTX nông nghiệp đang hoạt động hiệu quả đều là những đơn vị đã thực hiện mô hình sản xuất, dịch vụ theo chuỗi. Điển hình như HTX Nông nghiệp - Dịch vụ An Nhứt (xã An Nhứt, huyện Long Điền), thành lập từ năm 1986, với 310 hộ thành viên, chuyên canh tác lúa trên diện tích 220ha, sản xuất hơn 3.300 tấn lúa/năm. Theo ông Huỳnh Trung Thành, Giám đốc HTX Nông nghiệp - Dịch vụ An Nhứt, thực hiện mô hình chuỗi khép kín “sản xuất - sơ chế - tìm thị trường đầu ra”, HTX quy hoạch diện tích 20ha để sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP. Đồng thời, HTX còn liên kết với các DN, cơ sở kinh doanh trên địa bàn huyện Châu Đức, TP.Bà Rịa, TP.Vũng Tàu… để mở rộng đầu ra tiêu thụ nông sản.
Ngoài ra, một số HTX nông nghiệp khác đã liên kết với Công ty TNHH Sản xuất-Thương mại-Dịch vụ Tâm Nông (huyện Châu Đức) cung cấp hơn 2 tấn gạo, 1.500kg rau, củ, quả/tháng cho 8 bếp ăn trường học (trên địa bàn huyện Châu Đức) và Bệnh viện Tâm thần tỉnh. Bên cạnh đó, từ nguồn hàng do các HTX cung ứng, Công ty TNHH Sản xuất-Thương mại-Dịch vụ Tâm Nông còn mở cửa hàng bán các sản phẩm: Thanh long (Xuyên Mộc), hạt điều Thành Lợi, mật ong Anh Tiến (Châu Đức), bưởi da xanh (Tân Thành)...
Ông Phan Nhật Nam, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho rằng, việc liên kết sản xuất là yêu cầu tất yếu đối với các HTX nhằm tạo chuỗi giá trị sản phẩm, gắn sản xuất với tiêu thụ. Sự kết hợp giữa Nhà nước, DN, HTX và nông dân giúp chuyên nghiệp hóa quy trình sản xuất, tăng thu nhập cho bà con và hạn chế tình trạng thương lái ép giá. Tuy nhiên, cần đề cao vai trò hỗ trợ, điều tiết của các ngành đối với các khâu như: Sở NN-PTNT đảm nhiệm cây giống, kỹ thuật; ngành KH-CN đảm nhiệm về mã số, mã vạch, chuyển giao công nghệ; ngành Công thương hỗ trợ về thị trường tiêu thụ…
Bài, ảnh: TRẦN MINH