Sức khỏe của doanh nghiệp tạo sức bật tăng trưởng
Khách hàng tìm hiểu về sản phẩm cà phê của Công ty TNHH Sản xuất và xuất nhập khẩu cà phê Nón Lá. Ảnh: ĐÔNG HIẾU |
Năm 2017 đã khép lại với tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) tăng cao hơn so với Nghị quyết đề ra, ở mức 7,09% (Nghị quyết 6,7%). Mức tăng này khẳng định tính hiệu quả của các biện pháp chỉ đạo, điều hành, nổi bật là việc khơi thông các “điểm nghẽn”, tạo điều kiện cho DN đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh.
NHIỀU DN VƯƠN RA BIỂN LỚN
Cuối năm 2017, Công ty TNHH Sản xuất và xuất nhập khẩu cà phê Nón Lá (xã Tân Hải, huyện Tân Thành) tăng tốc sản xuất để chuẩn bị xuất khẩu 2 container cà phê (khoảng 20 tấn) vào thị trường Mỹ. Ông Trần Kim Khuê, Phó Giám đốc công ty cho biết: Để đưa cà phê Việt Nam vào được thị trường Mỹ, cà phê sạch được chọn lựa kỹ lưỡng tại những vườn cà phê đạt tiêu chuẩn VietGAP của Đắk Lắk, Lâm Đồng…, Công ty TNHH Sản xuất và xuất nhập khẩu cà phê Nón Lá đã nghiên cứu, sản xuất 5 sản phẩm gồm: cà phê hạt Robusta, Arabica; cà phê bột Robusta, Arabica và cà phê hòa tan 3 trong 1. Trước khi đưa sản phẩm cà phê Nón Lá ra thị trường, công ty đã gửi mẫu nhờ các chuyên gia tại Mỹ đánh giá chất lượng và được đánh giá có hương vị không thua cà phê Stabucks của Mỹ (một thương hiệu cà phê nổi tiếng thế giới - PV).
Theo ông Trần Kim Khuê, tuy mới có mặt tại thị trường chưa đầy 1 năm, nhưng thương hiệu cà phê Nón Lá đã được người tiêu dùng đón nhận và tin dùng. “Chúng tôi tự hỏi: Tại sao Mỹ không trồng cà phê nhưng lại trở thành nơi sản xuất nhiều thương hiệu cà phê nổi tiếng thế giới. Trong khi đó, BR-VT có gần 6.000ha cà phê, tập trung ở 2 huyện Châu Đức và Xuyên Mộc, với chất lượng hạt cà phê được thị trường đánh giá cao. Từ suy nghĩ đó, chúng tôi đã bắt tay xây dựng thương hiệu cà phê riêng của BR-VT”, ông Trần Kim Khuê cho hay.
Năm 2017 cũng là năm có nhiều khởi sắc đối với Công ty TNHH Mật ong rừng Forny (109/17/8A Võ Thị Sáu, TP.Vũng Tàu). Hiện nay, các sản phẩm của công ty như: mật ong, tinh nghệ đã có mặt tại các siêu thị, nhà thuốc, cửa hàng tự chọn… trên địa bàn: BR-VT, TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai, Cần Thơ, An Giang, Huế, Hội An, Nha Trang, Phan Thiết, Cam Ranh, Ninh Thuận, Phú Yên. Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Mật ong rừng Forny cho biết, ngoài trang trại trồng nghệ ở Suối Nghệ (huyện Châu Đức), thời gian tới, công ty sẽ xây dựng nhà máy sản xuất tinh bột nghệ mới tại huyện Đất Đỏ với sản lượng dự kiến khoảng 15 tấn/năm. Đồng thời, công ty đang nghiên cứu để sản xuất thêm một số sản phẩm mới như: mật ong chanh đào, bột rau má, trà rau má, tinh dầu nghệ. Nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, Công ty TNHH Mật ong rừng Forny đã đầu tư trang thiết bị sản xuất theo tiêu chuẩn ISO:22000 và HACCP. Nhằm mở rộng thị trường, năm 2017 công ty cũng tích cực tham gia các hội nghị xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, giới thiệu sản phẩm tại Hội chợ thực phẩm Hàn Quốc...
Việc các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) mạnh dạn “vươn ra biển lớn” cho thấy những chính sách hỗ trợ tích cực từ Chính phủ, tỉnh và các sở, ngành, địa phương đã đạt hiệu quả tốt. Ông Lê Hoàng Hải, Giám đốc Sở KHĐT cho biết, năm 2017, toàn tỉnh phát triển thêm 1.364 DN, tăng gần 30% so với năm 2016, tổng số vốn đăng ký của các DN đạt hơn 11.000 tỷ đồng. Thời gian qua, với việc thừa nhận vai trò to lớn của DNNVV đối với sự phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm và bảo đảm an sinh xã hội, năm 2017 Chính phủ đã có những động thái mạnh mẽ về mặt chính sách để thúc đẩy các DN này phát triển. Trên tinh thần đó, BR-VT cũng đã áp dụng những chính sách của Nhà nước một cách hiệu quả nhất nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho DN. Định kỳ hàng tuần, hàng tháng, UBND tỉnh đều bố trí lịch tiếp DN, nhà đầu tư; tổ chức hội nghị đối thoại với DN 2 lần/năm (vào quý II và quý IV) để nắm bắt những vướng mắc, khó khăn, kiến nghị, đề xuất của các DN, qua đó kịp thời tháo gỡ, giải quyết, nhất là các vấn đề về vốn, thuế, môi trường, lao động, quy trình cấp giấy chứng nhận đầu tư…
Đóng gói sản phẩm cá chai tẩm gia vị nướng tại Xưởng chế biến thủy hải sản (ấp An Hải, xã Lộc An, huyện Đất Đỏ) của Công ty CP Sản xuất dịch vụ và thương mại Thuận Huệ. Ảnh: VÂN ANH |
CÁC NGÀNH TĂNG TRƯỞNG ẤN TƯỢNG
Đồng chí Nguyễn Văn Trình, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ, Chỉ thị và Kết luận của Thủ tướng Chính phủ, các Nghị quyết của BCH Đảng bộ tỉnh... UBND tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo các ngành, các cấp triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế năm 2017. Đặc biệt, đã chú trọng tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tập trung thúc đẩy phát triển công nghiệp - cảng biển, dịch vụ hậu cần cảng, tăng cường thu hút đầu tư tư nhân và nước ngoài... Tỉnh cũng tập trung triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy tái cơ cấu các ngành công nghiệp, nông nghiệp như: Tập trung kêu gọi đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp chất lượng cao, công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao...
Nhờ đó, trên một số lĩnh vực kinh tế trọng điểm đã có những con số tăng trưởng khá ấn tượng. Năm 2017, kinh tế của tỉnh đã đạt mức tăng trưởng cao, các chỉ tiêu chủ yếu đều đạt và vượt kế hoạch, GRDP tăng trưởng 7,09%, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội, thành lập mới DN tăng khá. Cơ cấu thu ngân sách chuyển biến tích cực, lần đầu tiên thu nội địa cao hơn thu dầu khí, tổng thu ngân sách đạt 67.573 tỷ đồng. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng trưởng vượt kế hoạch đề ra. Dịch vụ kho bãi và hỗ trợ vận tải đã phục hồi và tăng 4,89%. Tổng khối lượng hàng hóa thông qua cảng ước đạt 62 triệu tấn. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản duy trì được sự tăng trưởng ổn định, cơ bản đạt kế hoạch đề ra. Trong đó, nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển thủy sản bền vững được triển khai. Thu hút đầu tư nước ngoài được quan tâm thực hiện với 29 dự án được cấp mới, 7 dự án tăng vốn với tổng số vốn đăng ký và cấp mới đạt 1,5 tỷ USD.
Đồng chí Nguyễn Văn Trình cho biết thêm, năm 2018 được xác định là năm phải tăng tốc hơn nữa so với năm 2017, phải phấn đấu thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ cao hơn, có hành động quyết liệt hơn cho sự phát triển mạnh mẽ, vững chắc của tỉnh. Tỉnh cũng đặt mục tiêu tiếp tục triển khai các nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020, phát triển kinh tế với tốc độ tăng trưởng hợp lý, sử dụng hiệu quả các nguồn lực tập trung phát triển các ngành và lĩnh vực có lợi thế như: Công nghiệp chế biến, cảng biển, dịch vụ logistic, du lịch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chú trọng bảo vệ môi trường; tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế.
Đồng thời, triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về phát triển kinh tế tại các Nghị quyết của Trung ương và của Tỉnh ủy. Đẩy mạnh thu hút các dự án công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến, chế tạo vào trong các khu, cụm công nghiệp có đủ điều kiện về cơ sở hạ tầng; chú trọng thu hút đầu tư vào các KCN xa hệ thống cảng; hoàn thành Đề án và triển khai thành lập Ban Quản lý cảng biển và logistics BR-VT. Tỉnh cũng chú trọng xây dựng Kế hoạch phát triển các sản phẩm du lịch cho từng năm đến 2020 và Đề án phát triển thị trường du lịch của tỉnh; hoàn thành việc điều chỉnh quy hoạch 1/500 khu vực Bãi Sau, TP.Vũng Tàu. Đẩy mạnh xúc tiến đầu tư các dự án sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; lập đề án và cơ chế chính sách khuyến khích phát triển các vùng nông nghiệp sản xuất theo hình thức hữu cơ (organic) trong lĩnh vực trồng trọt, tiếp tục thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, phấn đấu có thêm 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới...
Năm 2018, tỉnh đặt mục tiêu phấn đấu GRDP tăng 7,2%; giá trị sản xuất công nghiệp tăng 8,56%; Tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng 10,96%; dịch vụ lưu trú tăng 13%; Kim ngạch xuất khẩu trừ dầu đạt gần 4,5 tỷ USD, tăng 12%; Giá trị sản xuất nông nghiệp tăng 3,58%; Tổng vốn đầu tư trên địa bàn khoảng 49.330 tỷ đồng, tăng 11,26%; Thu ngân sách nội địa 29.338 tỷ đồng, tăng 9,17%... |
NGÔ GIA