17.400 con cá đồng loạt chết chưa phải là con số cuối cùng khi mà nguy cơ ô nhiễm nguồn nước trên sông Chà Và chưa được giải quyết rốt ráo.
Lượng thức ăn thừa sau thời gian nổi lềnh bềnh trên nước, lại lắng xuống đáy bè gây ô nhiễm cục bộ nguồn nước. |
Tác động ngoại sinh: khai thác cát, nước xả thải chưa qua xử lý
Năm 2013, Sở Tài nguyên & môi trường phối hợp với Viện Môi trường – tài nguyên thuộc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh đã tiến hành 2 đợt điều tra, khảo sát thực tế công tác nuôi trồng thủy sản (NTTS) trên sông Chà Và. Kết quả cho thấy, hoạt động khai thác cát trên sông Chà Và và xả nước thải chưa qua xử lý của các cơ sở chế biến hải sản Tân Hải là những nguyên nhân chính dẫn đến cá chết đồng loạt.
Ghi nhận thực tế tại hiện trường nơi xảy ra các vụ cá, hàu chết đồng loạt cho thấy, toàn bộ diện tích mặt nước phía sau cổng số 6 trở ra đến hết nhánh rạch Ván và đoạn đầu sông Chà Và nối tiếp sau đó bị nhuộm bởi màu đỏ tía. Các thông số được ghi nhận (vào thời điểm cá chết) như ôxy hòa tan, chất hữu cơ, dinh dưỡng đều không đạt hoặc vượt quy chuẩn nhiều lần cho phép.
Bên cạnh đó, những trận mưa đầu mùa thường rửa trôi phèn và lôi cuốn các chất bẩn tích tụ trên mặt đất vào nguồn nước (tăng hàm lượng sắt, nhôm, ion sulfat, độ màu và độ đục của nước sông) gây sốc đột ngột cho cá. Hoặc nhiệt độ nước sông mùa nắng tăng cao, có lúc lên đến 33-340C cũng có thể gây sốc cho cá (trong khi nhiệt độ cao nhất thích hợp cho các loài cá nuôi là 320C - riêng cá chim là 280C).
Nhiều căn nhà mái, vách bằng tôn tạm bợ, hệ thống phao nổi sơ sài như thế này rất khó chống chọi với thời tiết xấu. |
Nguy hại từ yếu tố nội sinh
Những yếu tố phát sinh từ chính hoạt động nuôi cá bè trên sông Chà Và cũng là nguyên nhân gây ô nhiễm cục bộ trong NTTS. Một số quy định cơ bản về kỹ thuật nuôi trồng chưa được bà con ngư dân thực hiện đúng như khoảng cách giữa các bè quá ngắn, chỉ chừng 3-4m mặt nước; do vốn ít nên người nuôi cố tình nuôi số lượng cá vượt gấp đôi, gấp ba cho phép. Một số chủ bè sử dụng nguồn thức ăn là cá tạp bị ươn thối, dễ phân hủy gây ô nhiễm nguồn nước ngay tại khu vực nuôi. Thực phẩm nuôi cá cho quá liều lượng cần thiết cũng lắng đọng dưới bè, tạo điều kiện cho các loài vi khuẩn cộng sinh phát triển.
Chủ bè Phạm Văn Dư cũng công nhận: “Có nhiều đợt sau khi các bè bên cạnh xịt rửa lưới vài ngày thì cá trong bè nhà mình lừ đừ, bỏ ăn. Lập tức vợ chồng tui thuê ghe máy đẩy bè ra xa các bè khác, thậm chí chấp nhận lấn luồng lạch vài hôm để cá có nước sạch, có đủ oxy để thở. Nhờ vậy mà bè cá nhà tui được mấy phen… thoát nạn! Nhưng nghĩ về lâu về dài thì làm vậy chắc không ăn thua”.
Khoanh vùng và ngăn chặn
Về giải pháp giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm môi trường, gây tác hại không nhỏ tới hiệu quả NTTS trên sông Chà Và, lãnh đạo Sở TN&MT cho hay, UBND tỉnh đã tạm đình chỉ một phần hoạt động khai thác cát của Công ty CP Hoàng Linh và hiện nay công ty này đã dừng hoàn toàn việc khai thác. Song về lâu về dài, tỉnh cần nghiên cứu lại và tiến tới hủy bỏ quy hoạch khai thác cát nhiễm mặn tại khu vực Ghềnh Rái; đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm hành vi khai thác, nạo vét cát trái phép.
Đặc biệt, đối với nguồn ô nhiễm do chất xả thải chưa qua xử lý đã được kiểm tra và xác nhận là từ các cơ sở chế biến hải sản khu vực Tân Hải, Sở TN&MT cần phối hợp với địa phương tăng cường tổ chức thanh, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường, kiểm tra chặt chẽ nguồn nước sau sản xuất của các cơ sở này; nhất là đối với các trường hợp xả thải lén về đêm, né tránh kiểm soát của các ngành chức năng, thì phải kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Đồng thời Sở TN & MT cũng cần thiết tiến hành khảo sát, lập dự án đầu tư công trình xử lý ô nhiễm cống xả số 6 trình UBND tỉnh xem xét.
Bài, ảnh: GIA AN
ÔNG LÊ VĂN SÂM, GIÁM ĐỐC SỞ TN & MT: Kiên quyết đóng cửa các cơ sở xả thải gây ô nhiễm nguồn nước sông Chà Và Thời gian qua, sở TN & MT đã phối hợp với cảnh sát môi trường và các ngành liên quan tăng cường thanh, kiểm tra và yêu cầu các doanh nghiệp chế biến hải sản Tân Hải phải đầu tư xử lý nguồn nước thải trước khi xả ra môi trường. Tại khu vực chế biến hải sản Tân Hải có 6 cơ sở bảo đảm các yêu cầu về môi trường được phép hoạt động. 6 cơ sở đang đầu tư cải tạo hệ thống xử lý chất thải; 10 cơ sở đang bị tạm đình chỉ hoạt động. ÔNG VÕ VĂN MÙI, CHỦ TỊCH UBND XÃ LONG SƠN: Phát triển kinh tế phải gắn với việc bảo vệ môi trường sinh thái Giải bài toán ô nhiễm môi trường trên sông Chà Và vào thời điểm hiện nay là hết sức quan trọng. Được vài ngàn tấn cá mà lại đánh mất môi trường sống trong lành của một dòng sông là không thể chấp nhận được. Bản thân người nuôi trồng thủy sản phải nhận thức được điều đó và phải hợp tác với các ngành chức năng giải quyết vấn đề này. CHỦ BÈ NGUYỄN CÔNG BIÊN: Các hộ dân phải thực hiện phân loại và đưa rác thải về bờ xử lý Rác thải, nước thải sinh hoạt, xác cá chết đều quẳng hết xuống sông, không ô nhiễm sao được! Theo tôi, bản thân các hộ nuôi cần phải rà soát thực hiện phân loại và đưa rác thải về bờ xử lý. |