SỐNG Ở LÀNG BÈ

Bài 6: Môi trường nuôi còn nhiều bất lợi

Thứ Hai, 25/11/2013, 05:50 [GMT+7]
In bài này
.

Bầu trời không một vì sao. Tiếng gió rít trên sông, tiếng cá quẫy trong lồng bè ngay sát chỗ nằm ngủ cho tôi cảm giác như đang ở giữa biển khơi. Đêm chưa kịp tan, đã nghe tiếng anh Châu, chủ bè kêu lên thảng thốt: “Sao hôm nay cá chết nhiều vầy nè!”. Mọi người đang lơ mơ nhảy nhổm hết dậy. Bè bên cạnh cũng lao xao tiếng người. Bắt đầu một ngày đầy lo toan.

Nước rửa chén cùng rác thải sinh hoạt xả thẳng xuống sông cũng là một trong những nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước nuôi cá.
Nước rửa chén cùng rác thải sinh hoạt xả thẳng xuống sông cũng là một trong những nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước nuôi cá.

Cá bị nhiễm ký sinh trùng

Anh Bình, cán bộ phòng nuôi trồng thủy sản quỳ xuống thành bè, vớt 1 con cá chẽm chưa đầy 300 gram đang nổi lềnh bềnh giữa bè. Vẹn cũng gom mấy con cá chim nhỏ đã chết ở lồng kế bên. Anh Châu cho hay, mấy hôm nay, các nhà bè xung quanh cũng có hiện tượng cá bỏ ăn, bơi chậm. Tay vạch mang, rồi săm soi những mảng đỏ trên lưng chú cá chim, Bình kết luận: Bị nhiễm ký sinh trùng. Ngay lập tức, phương án tắm cá được triển khai. Long, Đen, Vẹn tất bật lấy thau nhựa lớn cho nước ngọt vào và pha thuốc tím (KmnO4) liều 10g/m3 nước. Anh Nam, anh Châu thì dùng vợt vớt từng đợt 5-7 con cho vào thau nước thuốc, chờ 5-10 phút cho chúng quẫy sủi bọt rồi lại vớt sang lồng bè khác.

Chủ bè Trịnh Kỳ Hòa giải thích, tắm cá là một giải pháp nhanh và đơn giản nhất để đẩy những con ký sinh (trùng mỏ neo, rận cá, bọ vè) hút máu, phá hủy da làm viêm loét trên thân cá, gây hoại tử trên vây, đuôi. Mức độ nhẹ thì cá bỏ ăn, kém tăng trưởng. Nặng thì gây chết hàng loạt, có thể lên đến 30-50% số cá trong lồng. Sau 3 ngày, cá cần được tắm thêm lần nữa và phải thường xuyên theo dõi, cô lập cá bệnh để tránh lây lan.

Cá chim nuôi ở lồng bè nhà anh Cường chết hàng loạt sáng 15-9-2013.
Cá chim nuôi ở lồng bè nhà anh Cường chết hàng loạt sáng 15-9-2013.

Theo Hữu Thi, Trưởng phòng Nuôi trồng thủy sản thì, đây chỉ là giải pháp tạm thời. Vì có nhiều nguyên do để cá bị nhiễm ký sinh: Mật độ nuôi quá dày (mật độ trong lồng thường cao hơn cho phép theo kỹ thuật nuôi trồng và khoảng cách giữa các bè không đạt được tiêu chuẩn từ 20-30m như quy định). Thức ăn cho cá không đúng liều lượng, thừa đọng, gây ôi chua, ô nhiễm nguồn nước. Rác, nước thải sinh hoạt tù đọng làm giảm chất lượng nước. Điều đó còn làm cho chỉ số oxy trong nước bị suy giảm, ảnh hưởng đến hô hấp của cá. Do vậy, giãn mật độ nuôi trong lồng, kiểm soát và giảm thiểu tối đa lượng thức ăn thừa, cải thiện chất lượng nguồn nước mới là giải pháp rốt ráo. Chủ bè Phạm Văn Dư cũng công nhận, với con số 115 hộ nuôi 2.866 lồng bè, sử dụng gần 1.000 lao động bán thời gian trên nhà lồng thì, lượng rác thải, nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý xả thẳng ra sông cũng là một trong nguy cơ gây bệnh đối với các loại thủy sản nuôi trồng trên sông Chà Và.

Cá chết hàng loạt vì nguồn nước bị ô nhiễm

Đến bè nuôi cá của anh Lê Văn Cường (thôn 8, xã Long Sơn), cách chân cầu Chà Và 1 km về phía thượng nguồn sông vào thời điểm này thật là buồn. 20 hộc lồng trống trơn. Toàn bộ lưới bọc lồng được kéo lên phơi khô trên miệng bè. Anh Cường cho hay, khoảng 10 giờ tối 14-9, anh nghe tiếng nước đổ cuộn rất khác thường và xông lên mùi hôi nồng nặc. Trong vòng 1 tiếng đồng hồ từ 12 giờ khuya qua rạng sáng 15-9, toàn bộ 4.700 con cá chim 4 tháng, nặng 400 gram/con trên bè anh bị chết hết, không sống sót con nào. Sáng 15-9, đoàn cán bộ, chuyên viên Phòng Nuôi trồng và quản lý giống (Chi cục Nuôi trồng thủy sản), Phòng kiểm dịch động (Chi cục Thú y) đã đến hiện trường khảo sát, ghi biên bản xác nhận “hiện tượng nước có màu đen, hôi và có váng dầu trên mặt nước. Cá chẽm, cá hường không bị ảnh hưởng nhiều, riêng cá chim chết 100%. Sau khi mổ khám nghiệm cá cho thấy, không có biểu hiện bệnh lý”. Đoàn tiến hành lấy 4 mẫu nước “để phân tích, trả lại kết quả xét nghiệm cho các hộ và sẽ có biện pháp hướng dẫn khắc phục”.

Nhà lồng bè mọc san sát, không theo quy hoạch, không bảo đảm các tiêu chuẩn quy định về khoảng cách giữa các bè.
Nhà lồng bè mọc san sát, không theo quy hoạch, không bảo đảm các tiêu chuẩn quy định về khoảng cách giữa các bè.

Anh Cường cho hay, cách đây hơn 1 năm, ngày 9-9-2012, cũng đã từng xảy ra hiện tượng cá chết đồng loạt  đối với  bè của 5 hộ Lê Văn Cường, Nguyễn Trọng Nghĩa, Nguyễn Thị Thanh Thúy, Đoàn Văn Tâm, Đoàn Công Minh, gây thiệt hại 14.700 cá nuôi các loại. Các hộ này đã báo cáo về Chi cục Nuôi trồng thủy sản và có đơn xin cứu xét gửi UBND TP.Vũng Tàu, Phòng tiếp dân UBND tỉnh, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội & HĐND tỉnh. Nhưng kể từ đó đến nay, các hộ dân này cũng chỉ cầm trong tay các tờ giấy biên nhận, chưa nhận được phản hồi từ các ngành chức năng và chính quyền địa phương về vấn đề này.

Bài, ảnh: GIA AN

 

 

Đơn xin cứu xét của anh Lê Văn Cường và các hộ dân có cá chết do ô nhiễm nguồn nước gửi các ngành chức năng từ năm 2012 đến nay vẫn chưa có hồi âm.
Đơn xin cứu xét của anh Lê Văn Cường và các hộ dân có cá chết do ô nhiễm nguồn nước gửi các ngành chức năng từ năm 2012 đến nay vẫn chưa có hồi âm.

Theo phản ánh của nhiều chủ bè, trong 2 năm trở lại đây, nguồn nước ở khu vực thượng nguồn sông Chà Và – đoạn gần các cơ sở chế biến hải sản xã Tân Hải (huyện Tân Thành) thường xuyên xảy ra tình trạng bị vẩn đục. Có lúc nước đen nhờn cả khúc sông kèm theo váng, bọt sủi, bốc mùi hôi thối. Dư luận cho rằng, nguồn xả thải không qua xử lý của các cơ sở chế biến hải sản ở xã Tân Hải là nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường nguồn nước trên sông Chà Và, khiến nhiều đợt cá nuôi trong các lồng bè đang mạnh khỏe bị chết hàng loạt.

 

;
.