SỐNG Ở LÀNG BÈ

Bài 4: Ăn cơm đứng… nuôi hàu, nuôi tôm

Thứ Sáu, 22/11/2013, 06:10 [GMT+7]
In bài này
.

Dân gian thường nói: “Nuôi heo ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng” là muốn nói bằng nghĩa bóng về sự an nhàn của nuôi heo so với nuôi tằm. Nhưng với người nuôi tôm, nuôi hàu ở sông Chà Và thì chuyện “ăn cơm đứng” lại đúng hoàn toàn bằng nghĩa đen.

Anh Phạm Tấn Thảo nuôi lứa tôm hùm này được 8 tháng, cân nặng 300g/con.
Anh Phạm Tấn Thảo nuôi lứa tôm hùm này được 8 tháng, cân nặng 300g/con.

Nghe tiền triệu mà ham, nhưng…

Anh Nguyễn Hữu Thi, Trưởng Phòng Nuôi trồng, Chi cục Thủy sản phân tích: Con hàu nó sống trong nước động, càng nhiều phiêu sinh vật càng nhanh lớn. Con nước và dòng chảy của khúc sông Chà Và này hợp với con hàu thiên nhiên. Cứ mỗi dây thường 7-8 con bám. Có dây chúng còn xếp chồng lên nhau, 10-12 con. Rồi cũng có dây cả con vẹm xanh, con cua, rong rêu cũng bám vào thân hàu mà sống. “Bởi vậy, người nuôi phải thường xuyên kiểm tra, gỡ bớt những loại khác để con hàu phát triển. Cứ 1 ha mặt nước nuôi hàu sau khi trừ vật tư, công cán, thu về 5-7 chục triệu là bình thường” - Anh Thi nói.

Hàu thiên nhiên bám theo trụ, cọc, dây đều phát triển tốt.
Hàu thiên nhiên bám theo trụ, cọc, dây đều phát triển tốt.

“Nghe tiền triệu mà ham, nhưng hổng phải cắm cọc xuống là có hàu liền đâu nha chị. Mà nuôi cả năm mới bắt đầu cho thu hoạch. Ngày nào cũng dãi nắng dầm mưa cực khổ lắm. Có bữa đang làm lỡ tay, xúc tô cơm đứng trên ghe, trên bè mà ăn luôn. Nên mới nói nuôi tôm, nuôi hàu ăn cơm đứng là vậy” - Kiều phân bua. Gương mặt chị đỏ ửng vì nắng. Trái với nước da trắng hồng của cô gái quê Sóc Trăng, đôi tay của Kiều nổi lên nhiều vết thẹo nhỏ, dài do vỏ hàu cứa phải. Lâm kể, giọng xót xa: “Dùng tay, dùng dao mà cạy từng con hàu ra thì làm sao mà khỏi cái cảnh bị hàu cứa, bị chai tay cho được? Ngày nào vợ em cũng phải dậy từ sáng sớm, nấu cơm, kho cá. Rồi lôi từng dây hàu lên, bóc hết rong rêu và các ấu trùng sống ký sinh trên hàu. Đàn ông như em thì làm mấy cái việc nặng hơn như kiểm tra, sửa lại các trụ cột yếu thường bị nghiêng theo chiều nước chảy, cột lại dây, đóng lại cọc bè cho vững. Rồi quay qua cạo bỏ rong bám phía dưới dàn lưới vây quanh bè”. Trên bờ, cũng có nhiều gia đình chuyên làm công đoạn cắt tôn, cột dây, bán cho người nuôi hàu. Nhưng vợ chồng Lâm tiết kiệm, ít khi thuê mướn, từ cột dây, cắt tôn, cặm tôn, thu hoạch… đều tự tay làm hết. “Cả vợ cả chồng cùng làm mới có của ăn của để. Mà cũng hổng có ai phân bì được ai hết!” - Kiều nói giọng dí dỏm.

Đến thăm bè nuôi hàu với những căn nhà xộc xệch dựng tạm trên bè của các anh Võ Thành Lâm, Nguyễn Phương Thảo, Nguyễn Văn Nhàn, Nguyễn Trung Tâm (thôn Gò Găng), ít ai tin rằng đây là những hộ nuôi vài chục ngàn dây hàu và thu về hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Họ còn là những hộ nghèo, nhờ nuôi hàu mà trở nên khấm khá.

Cột dây và mảnh vỏ hàu chỉ độ hơn tháng đã có hàu thiên nhiên bám 5-7 con/dây.
Cột dây và mảnh vỏ hàu chỉ độ hơn tháng đã có hàu thiên nhiên bám 5-7 con/dây.

Vợ chồng anh Võ Thành Lâm, Phùng Thị Kiều trước kia đi lưới ghẹ, ở nhà lá. 3 năm nay anh chị chuyển qua nuôi hàu, mua được xe máy, xây nhà mới. Anh Lâm, chị Kiều mùa này gầy dựng được 2 bè nuôi cá, 9 bè hàu với gần 3.000 dây. Ngoài ra còn có 600 cọc và 500 miếng tôn nuôi hàu cắm ngoài bãi. Cứ vài ngày lại bán 1 đợt từ 100-120 kg hàu vỏ, giá 14.000-15.000 đồng/kg, thu lai rai 1,2-1,5 triệu đồng/ngày.

Nhà anh Thảo thì cắm tôn nuôi hàu trên 2 ha mặt nước và làm ao gần 1 ha vây lưới nuôi tôm sú, tôm tít, thu nhập mỗi năm trừ tiền cá mồi, tiền mua tôn còn 100-120 triệu đồng. Nhà anh Nhàn nuôi gần 3 ha mặt nước, chủ yếu là loại cặm tôn và thả dây, cũng thu về 120-150 triệu đồng/năm.

Tìm đầu ra cho con tôm

Trong số 115 hộ nuôi thủy sản bằng lồng bè thì số hộ nuôi tôm hùm, tôm càng xanh chỉ đếm trên đầu ngón tay. Vì nuôi con tôm này đòi kỹ thuật cao, vốn con giống cũng như vốn thức ăn phải mạnh. Và quan trọng hơn nữa là đầu ra cho sản phẩm này còn chưa ổn định.

Chị Trần Thị Hải (thôn 10, xã Long Sơn) chuyên nghề đục tôn, xỏ dây trên miếng tôn đã cắt sẵn để chủ nuôi đưa xuống bè nuôi hàu.
Chị Trần Thị Hải (thôn 10, xã Long Sơn) chuyên nghề đục tôn, xỏ dây trên miếng tôn đã cắt sẵn để chủ nuôi đưa xuống bè nuôi hàu.

Ghé thăm bè nuôi tôm của anh Phạm Tấn Thảo nằm ở ngay sát mé phải cầu Chà Và, anh Thảo cho hay, anh học nghề nuôi tôm hùm từ cha mình – ông Phạm Văn Thông. “Hồi xưa ba em cứ cuối vụ là thu họach cả chục lồng, bán tới vài trăm ký, em như vầy ăn thua gì!”. “Tại sao lại giảm số lồng?”, trả lời cho câu hỏi này là một ý hết sức đơn giản mà… khó gỡ: “Vì có bán được hàng đâu chị!”. 

Anh Thảo cho biết thêm, việc nuôi tôm cũng không phải đơn giản. Vì con tôm này nó quá nhạy cảm mà nguồn nước trên sông Chà Và thời gian gần đây có hiện tượng bị ô nhiễm cục bộ, ảnh hưởng trực tiếp đến hệ sinh thái thực vật giáp xác. Năm 2012, Thảo thả 10 ngàn con giống nhưng đụng cái vụ hút cát gây xáo trộn nguồn nước mà tôm chết hàng loạt. Đầu năm nay, Thảo thả lại 1.000 con giống, giá 60 ngàn đồng/con. Từ đầu mùa tới nay, số này cũng hao hụt đi 50%. Tuy nhiên số còn lại phát triển rất mạnh. Đưa ra thăm lồng nuôi, anh Thảo gạt lưới về một góc, để lộ bầy tôm hùm đang vào khoảng 300 gram/con. Dự tính, theo cái đà phát triển này, đến cuối tháng 12, mỗi con sẽ vào khoảng 400-500 gram. Giá bán vào khoảng 900 ngàn đồng/kg thì có lời.

Bài, ảnh: GIA AN

Anh Thảo cho hay, cái khó mà nhiều hộ nuôi tôm hùm gặp phải là nguồn thu mua rất hạn chế. Hiện thị trường đang rất chuộng con tôm hùm của Long Sơn vì khách ăn khen ngon, ngọt nước, dai thịt. Nhưng vì với cái giá gần cả triệu đồng/kg như vầy thì nguồn thu mua phải tiêu thụ ngay là không phải dễ tìm.

 

;
.