.

Container vô chủ tồn đọng ở cảng biển

Cập nhật: 16:26, 16/08/2024 (GMT+7)

Hàng trăm container vô chủ bị bỏ rơi tại cảng Tân Cảng quốc tế Tân Cảng-Cái Mép (TCIT) không chỉ gây ra sự ùn ứ, chiếm diện tích kho bãi mà còn tạo ra nhiều thách thức cho công tác quản lý và vận hành cảng.

Bãi chứa container cảng TCIT.
Bãi chứa container cảng TCIT.

Chiếm diện tích kho bãi

Ông Nguyễn Hồng Phúc, Giám đốc Kinh doanh Cảng quốc tế Tân Cảng-Cái Mép (TCIT) cho biết, hiện trong kho bãi của cảng vẫn còn khoảng 100 TEU tồn đọng chưa xử lý; làm giảm diện tích kho bãi và năng lực thông quan hàng hóa của cảng.

“Rất nhiều container tồn đọng đã 3-4 năm chưa tìm được chủ nhân, cũng chưa được xử lý làm giảm phần nào diện tích kho bãi, trong khi mỗi năm cảng phải mất chi phí không nhỏ để thuê. Lo ngại hơn, container tồn đọng chủ yếu là các mặt hàng phế liệu, nếu để lâu gây nguy cơ ô nhiễm môi trường”, ông Nguyễn Hồng Phúc thông tin thêm.

Theo các DN cảng biển, các container vô chủ chiếm diện tích lớn trong bãi chứa, gây khó khăn cho việc sắp xếp và quản lý các container khác. Điều này làm giảm hiệu suất vận hành của cảng và gia tăng chi phí lưu kho. Việc phải quản lý và xử lý số lượng lớn container vô chủ gây ra áp lực lớn cho cảng Cái Mép-Thị Vải (CM-TV). Vì như thế, không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu mà còn làm giảm năng lực cạnh tranh của cảng trên thị trường quốc tế.

Tính toán từ các DN cảng cho biết, chi phí lưu kho bãi trung bình của 1 container 40 feet khoảng 2 USD/ngày. Do đó, các container vô chủ nhiều năm nay tại cảng chưa thể xử lý, gây thiệt hại chi phí đáng kể cho chủ cảng. Còn chủ tàu do container nằm một chỗ nên thiếu vỏ container.  

Ngoài ra, các container bị bỏ rơi lâu ngày có thể chứa hàng hóa dễ hư hỏng hoặc nguy hiểm, gây ra rủi ro về môi trường và an toàn. Nếu không được xử lý kịp thời, tình trạng này có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng và môi trường xung quanh.

Các container vô chủ không chỉ gây ra sự ùn ứ, chiếm diện tích kho bãi, mà còn tạo ra nhiều thách thức cho công tác quản lý  và vận hành cảng. Trong ảnh: Xếp dỡ hàng hóa tại cảng CMIT.
Các container vô chủ không chỉ gây ra sự ùn ứ, chiếm diện tích kho bãi, mà còn tạo ra nhiều thách thức cho công tác quản lý và vận hành cảng. Trong ảnh: Xếp dỡ hàng hóa tại cảng CMIT.

Cần có sự phối hợp chặt chẽ

Thống kê của Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, số lượng hàng hóa container tồn đọng trên 90 ngày tại các khu vực cảng biển Việt Nam vượt đã quá 7.650 chiếc, tập trung chủ yếu ở các cảng biển lớn như: TP.Hồ Chí Minh, Hải Phòng và Bà Rịa-Vũng Tàu.  

Một trong những nguyên nhân chính là do các container tồn đọng có thể chứa loại hàng nào đó bị cấm nên không được thông quan; hoặc do thời điểm container nhập về vào thời điểm có các quy định mới siết chặt hơn, trình tự thủ tục phức tạp hơn nên nhiều chủ hàng "bỏ của". Các lô hàng đọng lại không thể chuyển đi, chờ hải quan xử lý.

Một lý do nữa là hàng hóa trong container có giá trị thấp, không đủ để bù đắp chi phí nhập khẩu, thuế, phí lưu kho. Do đó, chủ hàng thường chọn cách bỏ rơi container tại cảng thay vì nhận hàng và chịu các chi phí phát sinh.

Theo Cục Hải quan tỉnh, dù đơn vị đã tích cực xử lý hàng hóa tồn đọng nhưng do liên quan đến nhiều đơn vị,  quy trình xử lý, bán đấu giá phải qua nhiều khâu nên việc giải quyết tình trạng này còn gặp nhiều khó khăn. Có những lô hàng qua nhiều lần đấu giá vẫn chưa tìm được người mua, phải làm thủ tục hạ giá bán mất nhiều thời gian xử lý.

Bà Nguyễn Thị Thương, Phó trưởng phòng Vận tải và dịch vụ hàng hải (Cục Hàng hải Việt Nam) cho biết,  Cục Hàng hải Việt Nam đã nhiều lần có văn bản và làm việc với cơ quan hải quan để thúc đẩy việc xử lý container tồn đọng. Thời gian tới, cục sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng để đẩy nhanh tiến độ.

Cùng đó, nhiều ý kiến cho rằng,  Chính phủ cần xem xét và đơn giản hóa các quy định pháp lý liên quan đến xử lý container vô chủ, rút ngắn thời gian và quy trình cần thiết để tiêu hủy hoặc bán đấu giá hàng hóa tồn đọng. Việc này sẽ giúp giảm bớt gánh nặng cho các cảng biển và giải phóng không gian lưu trữ. Đồng thời, cần có sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa các quốc gia trong việc chia sẻ thông tin và xử lý các container vô chủ. Điều này có thể giúp ngăn chặn việc các container bị bỏ rơi tại cảng ngay từ giai đoạn xuất xứ.

Bài,ảnh: TRÀ NGÂN

 
.
.
.