Cái Mép - Thị Vải trước cơ hội bứt phá
Tình trạng tắc nghẽn cảng biển ở châu Á vẫn chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”, ảnh hưởng không nhỏ đến chuỗi cung ứng toàn cầu, nhưng cũng là cơ hội cho ngành cảng biển Việt Nam, trong đó có cụm cảng Cái Mép-Thị Vải (CM-TV).
Tàu trọng tải lớn cập cảng CMIT. |
Cơ hội đến từ những tàu mới
Cuộc khủng hoảng tại Biển Đỏ (với các cuộc tấn công của phiến quân Houthi vào tàu chở hàng), xảy ra từ cuối năm 2023 đến nay khiến các tàu phải chuyển hướng đi vòng qua mũi Hảo Vọng, làm lịch trình của tàu thay đổi. Sự thay đổi lịch trình đã tạo ra nhiều cơ hội cho cảng biển phát huy lợi thế, tiềm năng chưa được khai thác bấy lâu. Thực tế cho thấy, một số hãng tàu chở hàng của nước ngoài đang cơ cấu lại tuyến dịch vụ và xu hướng chuyển trung tâm trung chuyển hàng hóa từ Singapore sang một số nơi khác trong khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam nói chung và CM-TV nói riêng.
Trước mắt đã có khá nhiều hãng tàu đưa tuyến vào Việt Nam để giải phóng hàng hóa thông qua CM-TV. Từ đầu năm đến nay, cùng với 8 chuyến tàu định kỳ hàng tuần, cảng Gemalink đã nhận thêm 12 chuyến tàu ngoài lịch trình cố định. Nhờ đó, sản lượng hàng hóa thông qua cảng Gemalink năm 2024 đạt 1,44 triệu TEU, tăng 41% so với năm 2023.
Thống kê 7 tháng năm 2024 cho thấy, sản lượng hàng hóa thông qua các cảng trong khu vực tăng 28% so với cùng kỳ năm 2023, đạt khoảng 53 triệu tấn. Trong đó, lượng hàng container đạt hơn 5 triệu TEU, tăng 40%. Riêng hàng quá cảnh có bốc dỡ đạt khoảng 700 ngàn tấn, tăng 30% so với cùng kỳ năm trước. |
Tại cảng Quốc tế Cái Mép (CMIT), hãng tàu Zim đã triển khai một số tuyến dịch vụ mới được chuyển từ cảng biển của Malaysia qua. Cảng SSIT cũng đã đón thêm 2 tuyến dịch vụ mới trong tháng 7 vừa qua, là tàu MSC TOKYO-tuyến BRITANNIA và MSC VIGOUR III thuộc tuyến dịch vụ nội Á mới-tuyến SAOLA. Đây là 2 tuyến dịch vụ mới mở rộng phạm vi hoạt động vận chuyển từ Việt Nam và Trung Quốc đến Vương quốc Anh và các quốc gia thuộc lục địa Tây Bắc.
Theo thống kê, tính tới tháng 7/2024, có 51 tuyến dịch vụ tại CM-TV, trong đó mỗi tuần có 37 tuyến quốc tế gồm 13 tuyến Nội Á, 19 tuyến đi châu Mỹ, 4 tuyến đi châu Âu, 1 tuyến Âu-Mỹ và 14 tuyến nội địa. Điều này cho thấy sự đa dạng trong kết nối của cụm cảng này với các thị trường toàn cầu, đặc biệt là với khu vực châu Á và châu Mỹ.
Dự kiến trong quý III/2024, sẽ có thêm 2-3 tuyến dịch vụ đi châu Âu trực tiếp từ CM-TV.
Xếp dỡ hàng hóa tại cảng TCIT. |
Làm gì để giữ chân khách hàng dài lâu?
Theo các chuyên gia, cảng Việt Nam cũng như CM-TV đang có cơ hội tốt và những lợi thế cạnh tranh như giá dịch vụ xếp dỡ cảng biển thấp, nguồn nhân lực dồi dào. Đặc biệt, Bộ GT-VT vừa chấp thuận chủ trương cho phép tàu có trọng tải lớn vào, rời bến cảng như Gemalink, CMIT, SSIT.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Xuân Kỳ, Tổng Giám đốc CMIT, việc hãng tàu đưa một số tuyến vào Việt Nam, trong đó có CM-TV để giải phóng hàng hóa chỉ vì cảng Singapore bị tắc. Do đó, các chuyến hàng chỉ mang tính tạm thời, ngắn hạn, khó để tạo thành một điểm trung chuyển mới theo hướng bền vững. "Sau khi Singapore giải quyết được tắc nghẽn, các hãng tàu sẽ thiết lập lại các tuyến trở lại", ông Kỳ nhận định.
Sản lượng hàng qua cảng biển CM-TV đã tăng khoảng 10% do tắc nghẽn tại Singapore. Tuy nhiên, DN cảng cho biết một khối lượng hàng hóa đến cảng chưa thể xuất vì lịch tàu bị thay đổi, trong khi công suất của nhiều cảng đã gần đầy. Khu vực CM-TV có diện tích kho bãi ít, các cảng không liên thông và việc vận chuyển hàng hóa vào khu vực bên trong cũng khó khăn do không có nhiều kho bãi.
Ông Phan Hoàng Vũ, Phó Tổng Giám đốc cảng SSIT cũng cho rằng, CM-TV có nhiều điểm yếu so với nhiều cảng khác trong khu vực để có thể cạnh tranh nhằm thay thế các cảng của Singapore. Về quy mô, cảng nhỏ hơn nhiều so với các cảng khác và khai thác còn manh mún. Để giải quyết tình trạng này, các cảng cần liên kết chia sẻ nguồn lực nhằm cung cấp cho các hãng tàu dịch vụ tốt nhất, hoặc chờ đợi những cảng biển trong tương lai như cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, hoặc cảng tại khu Cái Mép Hạ.
Thời gian qua, cảng Gemalink đã đón được một số chuyến hàng của các hãng tàu do việc ùn tắc cảng tại Singapore. |
Do đó, để "giữ chân" khách hàng lâu dài các cảng cần có phương án tổ chức khai thác hợp lý, ứng dụng công nghệ, tăng năng suất khai thác để đáp ứng nhu cầu của hãng tàu. Công tác hải quan, thủ tục hành chính phải thông thoáng hơn các nước trong khu vực thì mới thu hút được hàng hóa.
Tại tọa đàm “Hải quan và DN đồng hành thúc đẩy dòng chảy hàng hóa xuất nhập khẩu qua cụm cảng CM-TV” ngày 31/7 vừa qua, nhiều ý kiến cho rằng để CM-TV trở thành cảng trung chuyển quốc tế thì phải có quy định không cần mở niêm chì, mở tờ khai vận chuyển độc lập với hàng trung chuyển, qua đó thu hút được hàng trung chuyển.
Bài, ảnh: TRÀ NGÂN