.

Hướng dẫn giải quyết tàu cá '3 không'

Cập nhật: 18:36, 01/02/2024 (GMT+7)

Nhằm khắc phục tồn tại về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), các cơ quan chức năng, địa phương đã tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn ngư dân thực hiện đúng theo quy định trong đánh bắt hải sản.

Cán bộ Trạm Biên phòng Cửa khẩu Cảng Vũng Tàu kiểm tra giấy tờ và thuyền viên trên tàu cá theo quy định IUU tại cảng Cát Lở (TP.Vũng Tàu).
Cán bộ Trạm Biên phòng Cửa khẩu Cảng Vũng Tàu kiểm tra giấy tờ và thuyền viên trên tàu cá theo quy định IUU tại cảng Cát Lở (TP.Vũng Tàu).

Từng bước tháo gỡ khó khăn

Ngày 1/2/2024, Chi cục Thủy sản, Sở NN-PTNT đã có buổi gặp gỡ các ngư dân ở xã Phước Tỉnh để lắng nghe, tháo gỡ các vướng mắc về công tác đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép cho tàu cá.

Ông Trần Bơ (ấp Phước Hiệp, xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền) cho biết, ông có 2 cặp tàu công suất 500CV/tàu chuyên đánh bắt xa bờ nghề lưới kéo đôi. Từ khi dịch COVID-19 xảy ra đến nay, tình hình đánh bắt hải sản lợi nhuận ngày càng kém, năm sau lỗ hơn năm trước.

Không có đủ tiền để thay máy mới 100% theo quy định nên khi bị hư hỏng, ông Bơ mua máy đã qua sử dụng để thay. Tháng 11/2023, ông đi đăng kiểm lại thì không được do máy tàu không đáp ứng quy định. Từ đó tàu cá nằm nhà cho đến nay.

Hiện xã Phước Tỉnh có 22 hộ ngư dân không gia hạn đăng kiểm được. Ông Nguyễn Tấn, ấp Phước Hương đại diện cho 22 hộ ngư dân cho biết, qua thời gian hoạt động, máy tàu cá đã hư hỏng nên chủ tàu cải hoán hoặc mua lại máy đã qua sử dụng để tiếp tục khai thác thủy sản. Tuy nhiên, theo quy định tàu cá hoạt động nghề lưới kéo, nếu thay máy phải là máy mới 100% và có công suất không vượt quá công suất của máy được thay thế, nên ngư dân gặp khó khăn không đủ tài chính thay máy.

“Máy tuy đã qua sử dụng nhưng còn mới hơn 80%, có hóa đơn đầy đủ, giá chỉ khoảng từ 250 - 350 triệu đồng/máy tùy công suất máy. Nhưng nếu mua máy mới giá từ 1-1,3 tỷ đồng. Vì vậy đề nghị các cơ quan chức năng xem xét tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi để ngư dân bám biển”, ông Tấn phát biểu.

Đại diện Sở NN-PTNT, ông Lê Tòng Văn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản ghi nhận các kiến nghị của ngư dân. “Các kiến nghị này rất xác đáng, Sở NN-PTNT sẽ tham mưu cho UBND tỉnh có kiến nghị gửi cho Bộ NN-PTNT sớm thay đổi các quy định phù hợp hơn với tình hình kinh tế, hoạt động đánh bắt thực tế của ngư dân và địa phương”, ông Văn nói.

Số hóa hoạt động khai thác hải sản

Ông Lê Tòng Văn cho biết, Sở NN-PTNT, Chi cục Thủy sản sẽ tiếp tục có các buổi gặp gỡ, tháo gỡ vướng mắc và hướng dẫn cho ngư dân các địa phương khác trong tỉnh hoàn thiện thủ tục, giấy tờ cho tàu cá. Hiện trong tỉnh còn 1.095 tàu cá trên 6m chưa đăng ký, đăng kiểm, chưa có giấy phép an toàn vệ sinh thực phẩm và chưa có giấy phép khai thác. Với các tàu không số, ngành và các địa phương sẽ đánh số để quản lý. Tàu cá nào nếu không thỏa điều kiện, lực lượng biên phòng và văn phòng đại diện nghề cá ở các cảng cá sẽ không cho xuất bến.

Theo Sở NN-PTNT, tổng số tàu cá trên địa bàn tỉnh hiện có 4.600 tàu, trong đó hoạt động vùng khơi có 2.750 tàu, hoạt động vùng lộng có 642 tàu, còn lại là tàu hoạt động ven bờ. Sản lượng hải sản khai thác trong năm 2023 của tỉnh đạt 364.820 tấn, tăng 2,56% so với năm 2022. Giá trị thủy sản xuất khẩu năm 2023 theo Cục Thống kê tỉnh đạt 207,8 triệu USD, tăng 6% so với năm 2022.

Bên cạnh đó, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở TT-TT cũng đang thực hiện thí điểm gắn camera tầm cao ở các cảng cá để tăng cường công tác quản lý tàu cá ra vào cảng và giám sát sản lượng hải sản bốc dỡ qua cảng, phục vụ công tác truy xuất nguồn gốc và xuất khẩu. Trước tiên sẽ thí điểm ở cảng Cát Lở (TP.Vũng Tàu) và cảng Tân Phước (huyện Long Điền), nếu hiệu quả sẽ mở rộng ra các cảng khác.

Sở TT-TT cũng được UBND tỉnh giao nhiệm vụ phối hợp với Sở NN-PTNT xây dựng phần mềm quản lý hoạt động khai thác hải sản trên địa bàn tỉnh, tiến tới số hóa toàn bộ hoạt động các khâu từ khai báo nhật ký điện tử khai thác của ngư dân, sản lượng hải sản qua các cảng đến công tác giám sát hoạt động của đội tàu cá trên biển.

“Hệ thống phần mềm quản lý của tỉnh sẽ tích hợp, thống nhất dữ liệu với hệ thống phần mềm nghề cá quốc gia, bảo đảm công tác quản lý đội tàu, sản lượng khai thác và bốc dỡ qua cảng, sản lượng xuất khẩu theo các quy định IUU được minh bạch, rõ ràng và chuẩn xác. Mục tiêu cuối cùng, không chỉ để gỡ cảnh báo “thẻ vàng” IUU của EC mà còn hướng tới một nghề cá có trách nhiệm, phát triển bền vững và hội nhập quốc tế”, ông Lê Tòng Văn thông tin.

Bài, ảnh: NGUYÊN MINH

.
.
.