.

Vì sao ngư dân chưa được hỗ trợ xăng dầu?

Cập nhật: 19:00, 26/01/2024 (GMT+7)

Các chủ tàu đánh bắt xa bờ trên địa bàn tỉnh đang trông chờ chính sách hỗ trợ xăng dầu theo Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ được giải ngân để có tiền chăm lo Tết cho thuyền viên.

Tàu cá neo đậu ở cảng Cát Lở (TP.Vũng Tàu).
Tàu cá neo đậu ở cảng Cát Lở (TP.Vũng Tàu).

Càng ra khơi càng lỗ

Ông Nguyễn Phạm Thanh Phương (KP.Hải Điền, TT.Long Hải, huyện Long Điền) có 5 chiếc tàu, công suất từ 900-1.000CV đánh bắt xa bờ nghề lưới vây (các loại cá ngừ, nục, bạc má…) cho biết, năm nay nhiều chuyến biển thua lỗ. Mọi năm, đội tàu của ông còn lời chút đỉnh nhưng năm 2023 thì “thua toàn tập”, mỗi chuyến đi lỗ hàng trăm triệu đồng.

“Giá dầu tăng cao, thuyền viên cũng khó tìm, đẩy phí tổn mỗi chuyến biển từ 500 triệu lên gần 700 triệu đồng. Trong khi đó, ngư trường lại cạn kiệt khiến hiệu quả đánh bắt kém, đi biển lỗ nặng. Ước tính năm 2023 tôi đã lỗ gần 800 triệu đồng/tàu, 5 tàu lỗ gần 4 tỷ đồng rồi”, ông Phương nói.

Theo Sở NN-PTNT, tính từ lúc triển khai năm 2011 đến cuối năm 2021, tỉnh đã phê duyệt hỗ trợ cho hơn 4.000 tàu cá với hơn 11 ngàn chuyến biển, tổng kinh phí hỗ trợ hơn 800 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Trung Khương, chủ tàu cá BV 95807 TS (ấp Bình Hòa, xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc), công suất 450CV đánh bắt xa bờ nghề câu mực, cũng cho biết, mọi năm loại hình câu mực có hiệu quả kinh doanh tốt, nhưng năm nay lại thất bát. Mỗi chuyến biển, tàu ông đi khoảng 22 ngày với 7 lao động, mức lương thấp nhất là 7 triệu đồng/người/chuyến biển, cộng với các phí tổn khác như dầu, thức ăn, đá là gần 200 triệu đồng. Với chi phí này, mỗi chuyến biển tàu ông phải câu được 5 tạ mực mới huề vốn, nhưng chỉ đạt 3-4 tạ/chuyến. Tính tổng cộng cả năm 2023, ông Khương đã lỗ hơn 200 triệu đồng.

“Mọi năm, cứ đến gần Tết là chúng tôi được Nhà nước hỗ trợ tiền xăng dầu theo Quyết định 48/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ nhưng 2 năm nay không biết vì sao chưa có nữa”, ông Khương nói.

Hải sản cập bến cảng Hưng Thái (xã Phước Hưng, huyện Long Điền).
Hải sản cập bến cảng Hưng Thái (xã Phước Hưng, huyện Long Điền).

Mong sớm giải ngân

Ông Nguyễn Trung Khương cho biết, tàu của ông nhận được hỗ trợ xăng dầu theo Quyết định 48 trong 2 năm 2020 và 2021. Với công suất 450CV, tàu ông được hỗ trợ xăng dầu 300 triệu đồng/năm, cộng thêm với 1,8 triệu đồng hỗ trợ bảo hiểm tai nạn thuyền viên/năm. “Năm nay, thời tiết khắc nghiệt, nhất là gần Tết có gió lớn, biển động, hầu hết các tàu đều phải vô bờ nghỉ Tết sớm trước cả tháng. Chúng tôi rất trông chờ chính sách hỗ trợ xăng dầu, bảo hiểm thân tàu, thuyền viên… của tỉnh sớm giải ngân để có chút tiền cho bạn ghe ăn Tết”, ông Khương bày tỏ.

Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 13/7/2010 về một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ, khai thác, nuôi trồng thủy sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa. Cụ thể, hỗ trợ chi phí nhiên liệu đi, về của các tàu hoạt động trên các vùng biển xa tối đa 4 chuyến biển/tàu/năm với các mức từ 18-100 triệu đồng/chuyến, tùy công suất tàu. Ngoài ra, Quyết định 48 còn quy định về việc hỗ trợ chi phí mua bảo hiểm thân tàu, bảo hiểm tai nạn cho thuyền viên, hỗ trợ kinh phí mua máy thông tin liên lạc cho tàu, hỗ trợ khắc phục hậu quả đối với thuyền viên và tàu bị nước ngoài bắt giữ, tịch thu hoặc bị đâm hư hỏng, chìm mất tàu,…

Tương tự, ông Nguyễn Văn Tôn (phường 11, TP.Vũng Tàu) cũng trông chờ chính sách hỗ trợ của tỉnh theo Quyết định 48. Ông đã làm hồ sơ xin hỗ trợ nhiên liệu theo Quyết định 48 trong 2 năm 2022 và 2023 cho 2 tàu cá với mức 300 triệu đồng/năm nhưng đến nay vẫn chưa được duyệt. “Mỗi chuyến biển từ bờ chạy ra khu vực nhà giàn DK1 hay Hoàng Sa, Trường Sa theo quy định của Quyết định 48 khoảng 200 hải lí, đi-về tốn từ 800-1.000 lít dầu, cộng với các phí tổn khác mất khoảng 50 triệu đồng. Vùng biển này nước sâu, ít cá, mực, hiệu quả khai thác hải sản thấp. Các phí tổn này chủ tàu đều phải bỏ ra trước, thậm chí đi vay mượn mà 2 năm nay vẫn chưa được giải ngân khiến ngư dân đã khó càng thêm khó”, ông Tôn phân tích. 

Trao đổi với phóng viên Báo Bà Rịa-Vũng Tàu, bà Phạm Thị Na, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết, năm 2023 UBND tỉnh chỉ đạo sở tổng rà soát lại công tác hỗ trợ, kiểm tra, đối chiếu hồ sơ hỗ trợ theo Quyết định 48, để tránh các trường hợp vi phạm, trục lợi chính sách như đã từng xảy ra. Công tác rà soát phải làm với số lượng hồ sơ lớn, hơn 100 tỷ đồng/năm, cần sự cẩn trọng và chính xác nên không thể làm nhanh được. Hiện nay, Sở NN-PTNT đã hoàn tất việc rà soát và trình hồ sơ của năm 2022 để UBND tỉnh phê duyệt và đang rà soát tiếp nhận hồ sơ của năm 2023 để giải quyết cho ngư dân. 

Bài, ảnh: NGUYÊN MINH 

 
.
.
.