.

Phát triển cảng xanh: Chuẩn bị nguồn nhân lực tương xứng

Cập nhật: 22:31, 12/11/2023 (GMT+7)

Năm 2023, mô hình phát triển cảng xanh được triển khai thí điểm tại Việt Nam và sẽ áp dụng bắt buộc từ sau năm 2030. Để thực hiện được mục tiêu này, các DN cảng biển phải tập trung xây dựng nguồn nhân lực tương xứng.

Để phát triển cảng xanh, cần xây dựng nguồn nhân lực tương xứng.  Trong ảnh: Nhân viên làm việc tại Cảng Gemalink.
Để phát triển cảng xanh, cần xây dựng nguồn nhân lực tương xứng. Trong ảnh: Nhân viên làm việc tại Cảng Gemalink.

Thiếu nguồn nhân lực

Ông Bùi Văn Quỳ, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn (SNP) cho biết, cảng biển cần phát triển song hành theo hướng xanh hơn, thông minh hơn, bao gồm 5 yếu tố quan trọng: cảng thông minh, tàu thông minh, dịch vụ logistics thông minh, công nghệ xanh và phát triển nguồn nhân lực hàng hải. Trong đó, chất lượng nguồn nhân lực đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của DN cảng biển.

Tuy nhiên, theo Hiệp hội Logistics Việt Nam, cảng biển đang đối mặt với việc thiếu hụt lao động, đặc biệt là lao động chất lượng cao. Bà Rịa-Vũng Tàu có 69 dự án cảng đã được quy hoạch, trong  đó có 50 cảng đang hoạt động. Sự phát triển của cảng biển kéo theo lượng lao động trong lĩnh vực này cũng tăng lên.

Theo khảo sát, số lao động phục vụ cho một DN cảng biển dao động từ 300-1.000 người. Khi 69 dự án cảng đi vào hoạt động, nguồn nhân lực chuyên ngành cảng cần hơn 30 ngàn lao động, chưa kể nguồn lao động phục vụ trong chuỗi dịch vụ logistics. Thế nhưng, số lượng nguồn nhân lực trong tỉnh mới đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu.

Tiến sỹ Mai Xuân Thiệu, Trưởng khoa Kinh tế biển và Logistics, Trường Đại học Bà Rịa-Vũng Tàu phân tích, nguồn nhân lực hiện đang thiếu và yếu ở cả ba cấp độ như: cán bộ hoạch định chính sách, quản lý hoạt động và nghiệp vụ cụ thể. Nhìn chung, nguồn nhân lực hiện tại chưa đáp ứng được nhu cầu hoạt động và phát triển logistics, đặc biệt thiếu chuyên viên logistics giỏi, năng lực ứng dụng và triển khai dịch vụ này tại các DN.

Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng này là do các kỹ năng mà lao động được đào tạo trong nhà trường chưa đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của DN. Quá trình đào tạo chưa gắn kết chặt chẽ với nhu cầu của thị trường lao động. Trang thiết bị, cơ sở đào tạo chưa theo kịp sự thay đổi của máy móc, công nghệ hiện nay. Khảo sát của một đơn vị đào tạo nguồn nhân lực cảng biển, logistics cho thấy, số lượng lao động tại cảng biển, logistics ở Bà Rịa-Vũng Tàu được đào tạo chính quy chỉ khoảng 10%.

Nguồn nhân lực trong tỉnh chỉ mới đáp ứng khoảng 40% nhu cầu  của các cảng biển. Trong ảnh: Bãi chứa container tại Cảng TCIT.
Nguồn nhân lực trong tỉnh chỉ mới đáp ứng khoảng 40% nhu cầu của các cảng biển. Trong ảnh: Bãi chứa container tại Cảng TCIT.

Cần có chiến lược hợp lý

Theo ông Nguyễn Xuân Kỳ, Tổng Giám đốc Cảng quốc tế Cái Mép (CMIT), muốn cải thiện chất lượng nguồn nhân lực phải cải thiện các yếu tố cấu thành như: trình độ người lao động; nhận thức của cán bộ, nhân viên về phát triển bền vững; sự sáng tạo, thái độ và tính kỷ luật trong công việc. Do đó, các cảng biển cần có chiến lược đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực hợp lý để thực hiện mục tiêu xây dựng cảng xanh, thông minh, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Thực tế cho thấy, nguồn nhân lực và nhân lực chất lượng cao đang là vấn đề cấp thiết đối với việc phát triển cảng thông minh, bền vững. Để giải quyết bài toán nguồn nhân lực, ngành cảng biển xác định 2 nhiệm vụ chiến lược đồng thời, đó là đẩy nhanh đào tạo ngắn hạn cho DN cảng biển vừa và nhỏ nhằm bổ sung lượng lao động đang thiếu hụt; tập trung đào tạo nguồn nhân lực chuyên sâu để có đội ngũ nhân sự và chất lượng nguồn nhân lực ngang bằng trình độ quốc tế.

Ông Dương Thanh Khang, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Cảng tổng hợp Thị Vải phân tích, để xây dựng cảng xanh, cảng thông minh, cần chuyển đổi sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo trong khai thác, vận hành cảng và ứng dụng công nghệ thông tin để bảo vệ môi trường, bảo vệ vùng xanh. Do đó, cần phải có đội ngũ nhân sự chất lượng cao, giỏi công nghệ, đáp ứng yêu cầu phát triển cảng biển bền vững mà hạt nhân là cảng xanh, cảng thông minh.

PGS.TS Hồ Thu Hòa, Viện trưởng Viện Logistics Việt Nam cho rằng, nhu cầu nhân lực đang là vấn đề quan tâm hàng đầu của các DN trong và ngoài nước khi đầu tư vào lĩnh vực cảng biển, logistics. Để giải bài toán nhân lực, tỉnh cần hoạch định có chính sách, kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho lĩnh vực kinh tế mũi nhọn này. Bên cạnh đó, các cơ sở đào tạo cũng phải xây dựng đội ngũ giảng viên chuyên nghiệp, đạt chuẩn quốc tế. Chương trình đào tạo phải thiết thực, hiệu quả, theo nhu cầu (theo đặt hàng) của xã hội và DN. Trong đó, nội dung quan trọng là đưa các yếu tố đặc thù của địa phương vào chương trình đào tạo.

Bài, ảnh:TRÀ NGÂN

 
.
.
.