.

Doanh nghiệp chế biến hải sản di dời về đâu?

Cập nhật: 18:51, 09/11/2023 (GMT+7)

Chế biến hải sản là ngành sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, phải di dời ra khỏi khu dân cư. Chủ trương này đã được UBND tỉnh thông qua từ tháng 4/2022 và được TP.Vũng Tàu thông báo cho các DN cách đây hơn 1 năm. Tuy nhiên, việc di dời đến địa điểm nào lại chưa có câu trả lời.

Công nhân thực hiện phân loại hải sản tại Công ty TNHH Hoàng Thành Chung (phường 12, TP. Vũng Tàu).
Công nhân thực hiện phân loại hải sản tại Công ty TNHH Hoàng Thành Chung (phường 12, TP. Vũng Tàu).

Vào thế khó

Trên diện tích gần 30.000m2, Công ty CP hải sản Bình Dương (22/36 Chi Lăng, phường 12, TP.Vũng Tàu) đã bố trí hơn 17.000m2 để xây dựng các khu vực sản xuất và 5.000m2  xây kho trữ lạnh.

Công ty này là một trong những cơ sở sản xuất hải sản xuất khẩu lớn tại TP.Vũng Tàu với công suất 100-150 tấn/tháng. Những ngày cao điểm sản xuất hàng xuất khẩu, công ty có khoảng 150 công nhân làm việc. Sản phẩm chủ yếu là mực, bạch tuộc, cá biển cấp đông. 

Vì đã có thời gian dài hoạt động, Công ty CP hải sản Bình Dương đã đầu tư đồng bộ máy móc trang thiết bị. Hệ thống công trình xử lý chất thải cũng được xây dựng theo tiêu chuẩn hiện hành. Trong suốt quá trình hoạt động, công ty cũng chấp hành tốt quy định về bảo vệ môi trường...

Đoàn kiểm tra Phòng TN-MT TP. Vũng Tàu và các cơ quan chức năng kiểm tra hoạt động sản xuất, công tác chuẩn bị di dời của Công ty TNHH Phú Quý.
Đoàn kiểm tra Phòng TN-MT TP. Vũng Tàu và các cơ quan chức năng kiểm tra hoạt động sản xuất, công tác chuẩn bị di dời của Công ty TNHH Phú Quý.

Theo ông Trần Mạnh Tá, Cố vấn Công ty CP hải sản Bình Dương, từ tháng 6/2022, công ty nhận được thông báo về việc di dời nhà máy ra khỏi vị trí hiện tại. Tuy nhiên, di dời đến chỗ nào, thì vẫn chưa biết. “Hơn 1 năm qua, DN mắc kẹt trong thế di dời thì không có chỗ. Ở lại thì không thể đầu tư thêm máy móc, thiết bị để đáp ứng nhu cầu sản xuất”, ông Tá nói.

Công ty TNHH Phú Quý (97 Phước Thắng, phường 12, TP. Vũng Tàu) hoạt động trong lĩnh vực chế biến hải sản từ năm 2004 với công suất 3.400 tấn sản phẩm/năm. Phú Quý là một trong 43 DN chế biến hải sản trên địa bàn TP. Vũng Tàu có quyết định di dời ra khỏi khu dân cư.

Chế biến hải sản là một trong những ngành kinh tế chủ lực của tỉnh, vì vậy các DN chế biến hải sản kiến nghị tỉnh, thành phố tạo điều kiện thuận lợi để hoạt động. Trong ảnh: Công nhân chuẩn bị nguyên liệu để sản xuất surimi tại Công ty CP thủy sản Cá Vàng.
Chế biến hải sản là một trong những ngành kinh tế chủ lực của tỉnh, vì vậy các DN chế biến hải sản kiến nghị tỉnh, thành phố tạo điều kiện thuận lợi để hoạt động. Trong ảnh: Công nhân chuẩn bị nguyên liệu để sản xuất surimi tại Công ty CP thủy sản Cá Vàng.

Ông Nguyễn Ngọc Diệp, Chủ DN cho biết, DN đồng thuận và sẵn sàng chấp hành chủ trương di dời của tỉnh và thành phố. Tuy nhiên, việc di dời đến vị trí nào cần phải sớm xác định và tính toán phù hợp. Theo ông Diệp, quá trình di dời sẽ khiến DN gặp rất nhiều khó khăn. Trong đó, 3 khó khăn lớn nhất là: bảo tồn nguồn vốn, bảo toàn nhân sự và bảo vệ được chuỗi cung ứng hàng hóa.

Ông Diệp giải thích thêm: “DN đang phải vay ngân hàng với định kỳ đáo hạn từ 3 đến 6 tháng. Điều này đòi hỏi phải có doanh thu và lợi nhuận liên tục. Nếu quá trình di dời kéo dài, sẽ ảnh hưởng đến doanh thu, dẫn đến bị cắt hạn mức vay vốn. Khi di dời đến một địa điểm quá xa cũng sẽ khó giữ chân người lao động. Bên cạnh đó, nguồn hàng của DN phục vụ chủ yếu thị trường xuất khẩu. Việc dừng hoạt động vài ba năm sẽ rất dễ dẫn đến mất đối tác”.

Cùng chung lo lắng về việc di dời, ông Hoàng Ngọc Chung, Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Thành Chung cho hay: “Từ giữa năm ngoái, DN nhận được thông báo di dời nhưng vẫn chưa biết di dời về đâu, nên không an tâm để sản xuất. Chúng tôi mong muốn, trong thời gian tỉnh chưa quy hoạch và bố trí được khu vực để di dời thì tạo điều kiện để DN được ổn định sản xuất. Chúng tôi cam kết chấp hành các quy định của pháp luật, đặc biệt chú trọng các công tác bảo vệ môi trường”, ông Chung nói.

Nguyện vọng của ông Chung cũng là nguyện vọng chính đáng của hầu hết các DN chế biến hải sản nằm trong diện di dời ra khỏi khu dân cư TP.Vũng Tàu.

Vì sao chưa xác định được điểm di dời?

Ngày 29/4/2022, UBND tỉnh ban hành Quyết định 1353/QĐ-UBND về việc phê duyệt Danh sách các cơ sở sản xuất thuộc đối tượng di dời theo Quyết định số 1611/QĐ-UBND ngày 19/6/2018 của UBND tỉnh trên địa bàn TP. Vũng Tàu.

Theo đó, có 82 cơ sở sản xuất thuộc đối tượng di dời do không phù hợp với quy hoạch chung, quy hoạch sử dụng đất của TP. Vũng Tàu và thuộc Danh mục các ngành nghề có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Trong đó có 43 cơ sở chế biến hải sản cần được di dời đến vị trí mới, 39 cơ sở có khả năng vận động, chuyển đổi ngành nghề hoặc chấm dứt hoạt động. Địa điểm dự kiến di dời là CCN chế biến thủy sản tập trung trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, theo Quyết định 1093/QĐ-UBND của UBND tỉnh ban hành ngày 1/4/2022 về việc phê duyệt quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của TP. Vũng Tàu lại không quy hoạch đất chế biến thủy sản. Điều này đồng nghĩa với việc, quy hoạch CCN chế biến thủy sản tại Gò Ông Sầm (phường 12, TP. Vũng Tàu) đã bị hủy bỏ. Trong khi đó, chế biến hải sản lại không nằm trong nhóm 7 ngành nghề được di dời vào CCN - TTCN Phước Thắng. Vì vậy, 43 cơ sở chế biến hải sản nằm trong danh sách phải di dời đến nay vẫn chưa biết đi đâu, về đâu.

Ông Phạm Quốc Huy, Phó Trưởng Phòng TN-MT TP. Vũng Tàu, cho biết, Phòng TN-MT đã và đang phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, rà soát tình trạng hoạt động, công tác chuẩn bị di dời của các cơ sở chế biến hải sản có trong danh sách theo Quyết định số 1353/QĐ-UBND. Qua quá trình làm việc, đoàn ghi nhận hầu hết các DN đều đồng thuận chủ trương di dời. Tuy nhiên, các DN đều gặp những khó khăn chung: Muốn ổn định sản xuất nhưng chưa có chỗ di dời. Khi di dời thì DN e ngại sẽ gặp khó khăn về nguồn vốn, lao động và chuỗi cung ứng hàng hóa. Ngoài ra, còn một số DN kiến nghị được duy trì sản xuất ở vị trí hiện tại trên địa bàn TP. Vũng Tàu. Tuy nhiên, việc di dời các cơ sở chế biến hải sản ra khỏi thành phố là định hướng phát triển kinh tế của tỉnh đã được xác định rõ tại Quyết định 1093/QĐ-UBND của UBND tỉnh ban hành ngày 1/4/2022 về việc phê duyệt quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của TP. Vũng Tàu.“Chúng tôi sẽ ghi nhận tất cả khó khăn và kiến nghị của DN. Từ đó tổng hợp báo cáo thành phố và UBND tỉnh để có hướng  gỡ khó cho DN. Đồng thời kiến nghị tỉnh, thành phố bố trí những vị trí di dời phù hợp, thuận tiện cho việc phát triển lĩnh vực chế biến hải sản”, ông Phạm Quốc Huy cho biết thêm.

Ông Nguyễn Văn Lộc, Tổng Giám đốc Công ty CP TM và DV tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho rằng, chế biến hải sản là một trong những ngành nghề mang lại nguồn thu lớn cho tỉnh. Do đó, công ty mong muốn các sở, ban, ngành của tỉnh và thành phố, quan tâm, nghiên cứu hỗ trợ cơ chế chính sách hợp lý để ngành chế biến thủy sản được tồn tại giúp cho ngành đánh bắt và nuôi trồng thủy sản phát triển.

Theo đại diện Sở TN-MT, từ những khó khăn và thực tế trên, các ban ngành của tỉnh và thành phố cần nghiên cứu đề xuất UBND tỉnh có giải pháp hỗ trợ cơ sở, cho phép các DN chế biến hải sản được tồn tại trong thời gian chưa thực hiện di dời. Trên cơ sở đó, Sở TN-MT sẽ hướng dẫn DN thực hiện các thủ tục pháp lý về môi trường có liên quan, nếu được phép tồn tại tạm. Đồng thời đề nghị DN trong thời gian chờ chủ trương di dời của UBND tỉnh giữ nguyên hiện trạng nhà xưởng, không tự ý nâng công suất hoạt động sản xuất, xây dựng mới dây chuyền sản xuất.

Bài, ảnh: QUANG VŨ

.
.
.