Tính đến tháng 8/2023, Việt Nam đã tham gia 16 hiệp định FTA. Đánh giá từ các chuyên gia cho thấy các FTA đã góp phần dẫn dắt tăng trưởng lưu lượng hàng hóa thông qua cảng biển. Và cụm cảng Cái Mép-Thị Vải (CM-TV) đã và đang tận dụng các lợi thế từ các hiệp định để đón nhiều cơ hội mới khi tần suấ́t tàu mẹ cập cảng ngày càng tăng.
Tàu MSC ADONIS của tuyến dịch vụ nội Á - tuyến Shikra cập cảng SSIT. |
Thêm nhiều tuyến tàu mới cập cảng
Tháng 7/2023, Cảng Gemalink đã đón thành công tàu EVER LUNAR 0167-064E, sức chứa 9.532 TEU thuộc tuyến dịch vụ TPA của Evergreen. Tàu EVER LUNAR 0167-064E có hải trình Vũng Tàu-Taipei-Kaohsiung-Yantian-Los Angeles-Oakland-Tacoma. Được biết, đây là chuyến đầu tiên tàu EVER LUNAR 0167-064E cập cảng Gemalink và nâng tần suất mỗi tuần cảng Gemalink đón 6 chuyến tàu mẹ đi các tuyến Mỹ và châu Âu.
Từ đầu năm đến nay, Cảng SSIT cũng đón thành công 2 tuyến tàu nội Á gồm tàu MSC ADONIS của tuyến dịch vụ nội Á - tuyến Shikra và tàu HANSA LANKA của tuyến dịch vụ nội Á - tuyến Bengal.
Ông Phan Hoàng Vũ, Phó Tổng Giám đốc Cảng SSIT cho rằng, việc Việt Nam tham gia các hiệp định FTA là cơ hội lớn để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài cũng như đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Khi lượng hàng hóa xuất khẩu nhiều thì lượng hàng xuất nhập khẩu tại cảng càng lớn. Đây là lý do để các hãng tàu mở thêm tuyến tới CM-TV. “Các hãng tàu MSC, Hapag - Lloyd dự kiến sẽ có những con tàu từ 18.000 – 20.000 TEU vào CM-TV trong năm 2023 để đưa hàng xuất khẩu trực tiếp từ Việt Nam đi Mỹ, châu Âu. Để đáp ứng kịp thời nhu cầu mới từ các hãng tàu lớn nhất thế giới, SSIT đang làm việc với Công ty tư vấn Portcoast, đề xuất Bộ GT-VT, Cục Hàng hải Việt Nam và Cảng vụ Vũng Tàu chấp nhận cho cảng tiếp nhận tàu đến 200.000 DWT”, ông Phan Hoàng Vũ cho biết thêm.
Báo cáo từ Cục Hàng hải Việt Nam cho thấy, từ năm 2021 đến nay, CM-TV đón nhận thêm 15 tuyến tàu mẹ kết nối với Bắc Mỹ, Canada, các cảng chính đi châu Âu và nội Á. Nhờ những tác động của FTA, sản lượng hàng hóa xuất nhập khẩu thông qua cảng biển liên tục tăng trưởng trong vòng 6 năm trở lại đây và giúp CM-TV lọt vào top 12 những cảng container hoạt động hiệu quả nhất thế giới trong năm 2022.
Tăng năng lực đón tàu lớn
Theo tính toán của Hãng tư vấn Alphaliner (tổ chức nghiên cứu hàng hải hàng đầu thế giới), trên thế giới cỡ tàu 14.000 – 21.000 TEU chiếm 45% tổng số tàu vận tải container đang hoạt động và dự kiến đến năm 2025, những con tàu container với sức tải hơn 18.000 TEU sẽ chiếm đến 75% lượng tàu hoạt động trên tuyến Á-Âu. Bởi nếu đưa 1 con tàu 20.000 TEU vào thay thế tàu 14.000 TEU thì chi phí vận chuyển 1 container từ CM-TV sang châu Âu giảm từ 200-250 USD/TEU, đây là mức giảm khá lớn. Nếu loại tàu này mở tuyến đến Việt Nam thì chỉ có cụm cảng CM-TV đủ điều kiện tiếp nhận.
Ngoài ra, tới đây khi liên minh các hãng tàu chọn CM-TV để trung chuyển quy mô lớn, với số chuyến dịch vụ có thể tăng đến 45 chuyến/tuần, thì năng lực của các bến cảng trong khu vực là không đủ. Điều này, đòi hỏi các DN cảng cần tiếp tục đầu tư trang thiết bị hiện đại cũng như triển khai đồng bộ các giải pháp, chính sách kinh doanh và tổ chức điều hành sản xuất, nâng cao chất lượng dịch vụ.
Để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng của thị trường và của các hãng tàu đối tác trong thời gian tới, Gemadept (chủ đầu tư cảng Gemalink) đang xúc tiến thủ tục để có thể khởi công giai đoạn 2 của cảng Gemalink trong năm 2023, nâng công suất lên gấp đôi, tương đương 3 triệu TEU/năm, góp phần đưa CM-TV trở thành trung tâm trung chuyển quan trọng của khu vực trong tương lai.
Ông Nguyễn Xuân Kỳ, Phó Tổng Giám đốc cảng CMIT cho biết, CMIT là cảng container đầu tiên tại Cái Mép và khu cảng miền Nam thực hiện thành công hệ thống giám sát hải quan tự động đối với hàng hóa tại cảng. Điều này được các hãng tàu, nhà xuất nhập khẩu, đối tác đánh giá cao và mang lại thuận lợi rất lớn để tăng sản lượng hàng về CM-TV. Ngoài ra, CMIT đã trang bị cẩu bờ Panamax loại siêu lớn với tầm với lên đến 22 hàng container. Cẩu bờ STS Post- Panamax loại siêu lớn có khả năng bốc dỡ các tàu có trọng tải lớn từ 19.000- 24.000 TEUs.
Thời gian qua, Bộ GT-VT đã và đang thực hiện dự án nạo vét luồng CM-TV đoạn từ phao số 0 đến khu bến cảng container Cái Mép. Theo đó, các tuyến luồng được nạo vét đến độ sâu -15,5m để đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa cho các tàu container cỡ lớn từ 160.000 DWT đến 200.000 DWT hoạt động an toàn; đồng thời tạo động lực thúc đẩy tiến trình đầu tư các dự án trong khu vực, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tăng cường năng lực vận tải thủy của toàn tuyến luồng ra vào khu vực cảng CM-TV.
Bài, ảnh: TRÀ NGÂN