Tuyến đường sắt Biên Hòa-Vũng Tàu đi qua địa phận tỉnh Ðồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu giúp tăng năng lực giao thông. Việc sớm xây dựng tuyến đường sắt có ý nghĩa hết sức cấp thiết, giúp giải bài toán logistics cho cảng Cái Mép-Thị Vải cũng như nhóm cảng số 5, giúp vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu với tải lượng lớn.
Tuyến đường sắt Biên Hòa-Vũng Tàu hoàn thành sẽ góp phần khai thác tối ưu lợi thế của cụm cảng Cái Mép-Thị Vải. Trong ảnh: Xếp dỡ hàng hóa tại Cảng Cái Mép-Thị Vải. |
Giải quyết tình trạng giao thông quá tải
Theo Sở GT-VT, quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2021. Theo đó, tuyến đường sắt Biên Hòa-Vũng Tàu bắt đầu từ ga Trảng Bom đến ga Vũng Tàu, có chiều dài gần 90km, lộ trình đầu tư đến năm 2030.
Dự án đường sắt Biên Hòa-Vũng Tàu là dự án quan trọng quốc gia, hiện đang được Chính phủ, các địa phương yêu cầu khẩn trương nghiên cứu sớm đầu tư. Bộ GT-VT đã bố trí vốn cho công tác chuẩn bị đầu tư dự án, đồng thời sẽ đề xuất bố trí vốn kế hoạch trung hạn giai đoạn 2026-2030 triển khai thực hiện dự án.
Ông Trần Thượng Chí, Giám đốc Sở GT-VT cho biết, việc đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Biên Hòa-Vũng Tàu kỳ vọng sẽ góp phần giải quyết tình trạng giao thông đang quá tải trên QL51. Đồng thời, kết nối khu vực Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đặc biệt là giữa TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương và Biên Hòa với Vũng Tàu. Tuyến đường sắt còn có ý nghĩa to lớn trong việc kết nối Cảng hàng không quốc tế Long Thành và liên vùng kết hợp với vận tải đến Cụm cảng Quốc tế Cái Mép-Thị Vải (CM-TV). Điều này giúp khai thác lợi thế của cụm cảng này một cách tối ưu, đặc biệt là trong việc vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu, tạo hệ thống GT-VT đồng bộ, bền vững, an toàn, hiệu quả và ít tác động tiêu cực tới môi trường. Do đó, việc đầu tư tuyến đường sắt này hết sức cần thiết.
Cũng theo phân tích của ngành GT-VT, Cụm cảng CM-TV là một trong 2 khu cảng xếp hạng đặc biệt trong hệ thống cảng biển ở Việt Nam. Cảng CM-TV giữ vị trí số một về quy mô đầu tư, trang thiết bị (hơn 2 tỷ USD) và năng lực tiếp nhận gần 7 triệu TEUs/năm. Tuy nhiên, Cái Mép-Thị Vải vẫn đang tồn tại nhiều “điểm nghẽn” nên hiệu quả khai thác còn chưa tương xứng với tiềm năng, trong đó điểm nghẽn lớn nhất là kết nối giao thông. Hiện cảng CM-TV mới khai thác được khoảng 50% công suất, các loại hàng hóa vận chuyển bằng đường thủy chiếm khoảng 20%. Phương thức vận chuyển hàng hóa tới cảng chủ yếu là QL51 nhưng thường xuyên xảy ra cảnh ùn tắc nghiêm trọng, không đem lại hiệu quả, gây tốn kém về thời gian và gia tăng chi phí đối với các nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Khi tuyến đường sắt Biên Hòa-Vũng Tàu hoàn thiện, kết nối sân bay quốc tế Long Thành và các KCN lớn tại Bà Rịa-Vũng Tàu và Đồng Nai sẽ là biện pháp cứu cánh giúp tiết kiệm thời gian và nguồn lực vận tải. Việc vận chuyển hàng hóa trở nên thuận lợi và thường xuyên hơn, mang lại nhiều ưu thế cạnh tranh góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Bà Rịa-Vũng Tàu và Ðồng Nai.
Thống nhất phương án tuyến, vị trí nhà ga
Ông Trần Thượng Chí cho biết thêm, dự án thuộc nguồn vốn Trung ương do Bộ GT-VT thực hiện. Bộ GT-VT đã giao Ban Quản lý dự án (QLDA) đường sắt lựa chọn đơn vị tư vấn để lập báo cáo tiền khả thi dự án. Sở GT-VT cũng đã tổ chức cuộc họp thông qua các sở, ngành, địa phương, lấy ý kiến góp ý về phương án tuyến, số lượng, vị trí ga, depot đoạn qua địa phận Bà Rịa-Vũng Tàu. Theo đó, thống nhất với phương án của Ban QLDA đường sắt với điểm đầu là Ga Trảng Bom, điểm cuối ga hàng hóa tại cụm cảng Cái Mép và ga hành khách tại TP. Vũng Tàu. Đoạn tuyến thuộc TP.Vũng Tàu ưu tiên lựa chọn phương án đi trên cao tại tim tuyến QL51 (đường Võ Nguyên Giáp, đường 2/9) và kết thúc tại khu vực Bàu Trũng. Trong đó, vị trí ga cuối sẽ nằm ở khu đất khoảng 4,7ha nằm giữa tuyến đường 2/9 (thuộc khu đất sân bay hiện hữu) sau khi nắn chỉnh tuyến.
“Sở GT-VT cũng đã kiến nghị Ban QLDA đường sắt và đơn vị tư vấn cần rà soát lại lộ giới toàn bộ phạm vi tuyến đường và các vị trí ga theo phương án chọn để xác định chính xác diện tích đất, đất rừng (nếu có) và các loại đất có liên quan để thống nhất phương án cập nhật quy hoạch làm cơ sở triển khai dự án. Đồng thời, nghiên cứu và đề xuất các phương án và phương thức đầu tư cụ thể cho dự án”, ông Trần Thượng Chí nhấn mạnh.
Dự án đường sắt Biên Hòa-Vũng Tàu đã được Bộ GT-VT tiến hành nghiên cứu từ tháng 7/2017 với sự giúp đỡ của Cơ quan Hợp tác phát triển Hàn Quốc (KOICA). Dự án chia thành 2 đoạn: khoảng 60km kết nối vào khu vực Cảng container CM-TV sẽ là đường đôi, gần 30km từ Thị Vải đi Vũng Tàu là đường đơn. Trên tuyến sẽ có 5-6 nhà ga, tốc độ chạy tàu khoảng 120 - 160km/giờ; tổng mức đầu tư hơn 50.000 tỉ đồng. Giai đoạn đầu, đoàn tàu sử dụng đầu máy sức kéo diesel và sẽ chuyển sang sức kéo điện vào thời điểm thích hợp.
|
Bài, ảnh: TRÚC GIANG