Với lợi thế sẵn có, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang triển khai nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy dịch vụ logistics phát triển xứng tầm.
Xếp dỡ hàng sà lan tại Cảng Gemalink. |
Nhiều chuyển biến tích cực
Đánh giá từ Bộ GT-VT cho thấy, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống cảng biển, dịch vụ logistics tại Bà Rịa - Vũng Tàu đã có nhiều chuyển biến tích cực. Gần đây, có thêm nhiều dự án logistics đi vào hoạt động đã thực hiện tốt các chức năng cơ bản như lưu kho bãi, xếp dỡ hàng, thu gom phân phối hàng hóa phục vụ trong các KCN và các tỉnh lân cận.
Là DN logistics và khai thác cảng hàng đầu có nền tảng phát triển bền vững, Công ty CP Gemadept (chủ đầu tư Cảng Gemalink) luôn chủ động sáng tạo linh hoạt các giải pháp để phục vụ khách hàng tốt nhất. Ông Đỗ Công Khanh, Phó Tổng Giám đốc Gemadept cho biết, Gemadept phát triển trung tâm dịch vụ khách hàng, phát triển ứng dụng các phần mềm thông minh để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho khác hàng trong giao dịch, nhận hàng hóa. Đồng thời, tiếp tục nâng cấp hạ tầng và trang thiết bị, đội tàu biển, từng bước số hóa hoạt động sản xuất kinh doanh, sử dụng năng lượng xanh nhằm đưa ra những giải pháp logistics hiệu quả, tối ưu hóa thời gian và chi phí cho khách hàng.
Với sự nỗ lực không ngừng vì lợi ích của khách hàng và sự phát triển chung của ngành logistics, năm 2021, Gemadept vinh dự được các tổ chức uy tín trao tặng nhiều giải thưởng có thể kể đến Giải thưởng “Top 50 công ty niêm yết tốt nhất” năm 2021 do Forbes bình chọn; giải thưởng “PROFIT500 - Top 500 doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất Việt Nam năm 2021”. Đặc biệt, tháng 12/2021, Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) đã công bố danh sách Top 10 công ty uy tín ngành logistics năm 2021, Gemadept là DN dẫn đầu trong “Top 10 công ty uy tín ngành logistics năm 2021 - nhóm ngành giao nhận vận tải quốc tế, kho bãi, dịch vụ logistics bên thứ 3, thứ 4”.
Đầu năm 2022, công ty CP Tân Cảng - Cái Mép (TCCT) hợp tác cùng công ty TNHH KCTC Việt Nam đưa dự án logistics Terminal B – Tân Cảng Cái Mép với diện tích 6,8ha đi vào hoạt động. Đại tá Trần Hoài Nam, Giám đốc Công ty CP Tân Cảng - Cái Mép cho biết, Terminal B được định vị là “bãi nối dài” của cảng TCCT. Khi đưa vào vận hành, đây sẽ là địa điểm được đưa vào hoạt động nhằm để lưu giữ các container hàng nhập khẩu tồn đọng lâu ngày, container tạm chờ xuất nhập tàu và thực hiện các dịch vụ container rỗng, dịch vụ đóng rút hàng hóa, dịch vụ kiểm hóa, giúp TCCT mở rộng dung lượng bãi chứa hàng hiện tại, chia sẻ và hạn chế nguy cơ kẹt cảng, bảo đảm năng suất giải phóng tàu, cung cấp chất lượng dịch vụ tốt nhất đến khách hàng.
Báo cáo từ Sở GT-VT cho biết, toàn tỉnh hiện có 22 dự án kho bãi logistics với 152 DN đang hoạt động, 10 dự án đang triển khai xây dựng với tổng diện tích hơn 42ha. Lợi thế để dịch vụ logistics của tỉnh phát triển là khoảng cách từ các KCN đến cảng biển chỉ từ 2-5km nên DN xuất nhập khẩu hàng hóa tiết kiệm nhiều thời gian, chi phí.
Bãi dịch vụ dịch đóng rút hàng hóa, dịch kiểm hóa tại Cảng TCCT. |
Phát triển các trung tâm logistics trên hành lang kinh tế ven biển
Tại buổi làm việc tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu vào tháng 12/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, rất nhiều đối tác Anh, Pháp, Nhật quan tâm đặc biệt đến trung tâm logistics, trong đó có Bà Rịa-Vũng Tàu. Vì vậy, Bà Rịa-Vũng Tàu phải phát triển theo chiều sâu, phát triển bền vững, tập trung vào dịch vụ logistics. "Muốn phát triển logistics thì cần phải phát triển hạ tầng kết nối, không chỉ kết nối vùng mà còn kết nối khu vực, với các trục giao thông lớn của quốc gia và quốc tế. Ngoài ra, tỉnh cần phát triển theo hướng công nghiệp xanh, công nghiệp sạch, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ chế biến chế tạo", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Thời gian qua, tỉnh đã triển khai lập quy hoạch Trung tâm logistics Cái Mép Hạ, quy mô 1.686,73ha. Bà Rịa - Vũng Tàu đang thực hiện các thủ tục để trình cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư, làm cơ sở tiến hành lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án. Đồng thời, tỉnh đã và đang dồn lực xây dựng hệ thống kết nối hạ tầng giao thông vận tải bao gồm: đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và cả đường hàng không phát chuyển nhanh kết nối tới cảng nước sâu và mạng lưới logistics trên địa bàn tỉnh. Khuyến khích thành lập các DN logistics, các DN cung cấp dịch vụ logistics theo hướng tăng về số lượng quy mô, trình độ nhân lực và có năng lực cạnh tranh ở thị trường trong nước và quốc tế.
Cụm càng Cái Mép-Thị Vải nhìn từ cảng Gemalink- cảng nước sâu duy nhất tại khu vực CM-TV có bến chuyên dụng cho tàu feeder kết nối các nước khu vực châu Á với các địa phương trong nước, có thể tiếp nhận đồng thời 3 tàu mẹ, 5 tàu feeder |
Theo ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh, Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ tập trung phát triển các trung tâm logistics trên hành lang kinh tế ven biển; phát triển các trung tâm logistics phục vụ trung chuyển hàng hóa giữa BR-VT với các tỉnh, thành khác ở khu vực phía Nam, trung chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu thông qua các cảng biển. Đồng thời phát triển khu mậu dịch tự do CM-TV để tạo điều kiện thu hút các tập đoàn kinh tế toàn cầu dịch chuyển các chuỗi cung ứng toàn cầu về CM-TV; thành lập trung tâm phân phối hàng hóa kết nối sân bay Long Thành và cảng CM-TV nhằm kết hợp vận tải đa phương thức.
Cùng với đó, tỉnh sẽ nghiên cứu hình thành khu thương mại sau cảng, quy hoạch các khu chức năng gồm: khu phi thuế quan, kho bãi; trung tâm phân phối; trung tâm kiểm tra chuyên ngành để phát huy vai trò cảng đầu mối trung chuyển quốc tế, tạo động lực thúc đẩy Bà Rịa - Vũng Tàu trở thành trung tâm logistics và trung chuyển của khu vực.
Bài, ảnh: TRÀ NGÂN