“Xem xét, sửa đổi Luật Dầu khí để tạo ra cơ chế chính sách đồng bộ, tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong quản lý Nhà nước, loại bỏ rào cản, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho nhà đầu tư; qua đó, thúc đẩy phát triển bền vững ngành năng lượng nói riêng và tổng thể nền kinh tế Việt Nam nói chung”, đó là những kiến nghị của lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) và các đơn vị thành viên trong chuyến làm việc của Đoàn Đại biểu Quốc hội, diễn ra ngày 8/7 vừa qua.
Người lao động làm việc trên giàn khoan mỏ Chim Sáo. |
Gỡ nút thắt về cơ chế
Ông Nguyễn Quỳnh Lâm, Tổng Giám đốc Liên doanh Việt-Nga (Vietsovpetro) cho biết, với lĩnh vực hoạt động chính là nghiên cứu khoa học, khảo sát, khoan thăm dò địa chất, thiết kế phát triển xây dựng mỏ, khai thác dầu và khí, thu gom xử lý dầu, khí và condensate, Vietsovpetro đã và đang đẩy mạnh việc cung cấp dịch vụ dầu khí cho các đối tác ở Việt Nam và trong khu vực. Trong quá trình hoạt động, Vietsovpetro đạt được nhiều kết quả quan trọng trong khai thác dầu khí, nộp ngân sách Nhà nước và lợi nhuận cho cả phía Việt Nam và Liên bang Nga.
Tuy nhiên, DN cũng còn gặp nhiều thách thức, trong đó một số quy định của Luật Dầu khí còn xung đột, chồng chéo với các Luật liên quan như: Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu... Bên cạnh đó, Luật Dầu khí hiện hành chưa có quy định cụ thể về nội dung trình tự, thủ tục triển khai hoạt động dầu khí, gây nhiều khó khăn trong quá trình triển khai công việc; thời gian phê duyệt đầu tư kéo dài làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án, đặc biệt là khi triển khai các dự án phát triển mỏ.
Các dự án có quy mô nhỏ, cận biên chưa có chế độ ưu đãi thỏa đáng để phát triển nhằm tận thu nguồn tài nguyên. Quy trình, thủ tục liên quan đến phát triển mỏ còn bất cập, nhất là việc tính toán hiệu quả kinh tế khi phát triển các mỏ nhỏ, mỏ cận biên nằm trong cùng lô 09-1.
Theo ông Lâm, những mỏ này nếu xem xét như những mỏ độc lập thì có thể không hiệu quả, nhưng nếu xem xét trong bối cảnh sử dụng tài sản sẵn có, cơ sở hạ tầng của mỏ Bạch Hổ và các mỏ khác trong tổng thể lô 09-1 thì vẫn đạt hiệu quả cao, nhất là đối với nguồn thu ngân sách Nhà nước thông qua các sắc thuế (thuế tài nguyên...).
Mặt khác, do Vietsovpetro vừa tìm kiếm thăm dò, vừa khai thác nên 5 năm mới cập nhật 1 lần sơ đồ công nghệ mỏ. Trong 5 năm đó, khi có phát hiện cấu tạo mới có thể cần khai thác sớm thì lại phải báo cáo làm thủ tục phê duyệt luận chứng kinh tế kỹ thuật và triển khai xây dựng, sau đó cập nhật vào lần tới, thay vì những cấu tạo tiềm năng đó có thể ghi nhận trong hồ sơ công nghệ, khi phát hiện thương mại và có hiệu quả kinh tế thì có thể triển khai mà không cần xin phép cơ quan thẩm quyền.
Trước những bất cập trên, Vietsovpetro đề nghị Luật Dầu khí (sửa đổi) sớm được thông qua, để tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các nhà đầu tư và DN.
Lãnh đạo Tổng công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) cũng đề xuất sớm sửa đổi Luật Dầu khí, trong đó cần quy định đặc thù cho lĩnh vực tìm kiếm thăm dò, khai thác dầu khí theo hướng áp dụng tối đa các điều kiện của luật chuyên ngành, phù hợp với thông lệ quốc tế….
Trong khi đó, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đề nghị nghiên cứu để bổ sung vào Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) các hình thức, cơ chế ưu đãi khác (ngoài ưu đãi thuế và mức thu hồi chi phí), mở rộng phạm vi áp dụng chính sách ưu đãi đối với các hợp đồng đã được ký kết và đang thực hiện có quy mô nhỏ, hiệu quả cận biên, nhằm tận thu tài nguyên và tiết kiệm thời gian... Bổ sung quy định cụ thể về việc lựa chọn nhà thầu cung cấp hàng hóa, dịch vụ phục vụ hoạt động dầu khí, bảo đảm nguyên tắc công bằng, cạnh tranh, minh bạch…
Luật Dầu khí được ban hành lần đầu năm 1993, sửa đổi, bổ sung vào các năm 2000, 2008 và 2018 cho tới nay đã có nhiều thay đổi. Do đó, ngành công nghiệp dầu khí cần có những bước chuyển biến toàn diện, đồng bộ và cần có sự cải cách, từ cách thức quản lý Nhà nước đến việc ứng dụng thành tựu KHCN hiện đại đối với các hoạt động dầu khí theo hướng hiệu lực, hiệu quả, phân cấp, phân định chức năng, nhiệm vụ quản lý, giảm bớt các đầu mối và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư. Vì vậy, Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, cần thiết ban hành Luật Dầu khí (sửa đổi).
|
Tận dụng hiệu quả nguồn tài nguyên
Tại Kỳ họp thứ Ba, Quốc hội Khóa XV, dự án Luật Dầu khí (sửa đổi) lần đầu được trình ra Quốc hội xem xét, thảo luận trước Quốc hội.
Trong chuyến làm việc lần này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Ủy ban Kinh tế chủ trì, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban khác của Quốc hội tham gia, phối hợp chặt chẽ với Bộ Công thương, các bộ, ngành có liên quan nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ các ý kiến, tiếp tục hoàn thiện Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi) để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến và trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ Tư tới.
Tuy nhiên, sửa đổi toàn diện Luật Dầu khí phải bảo đảm các yêu cầu: thể chế hóa đầy đủ các chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, nhất là Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Định hướng chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035” và Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; tăng cường tính minh bạch, hướng tới phát triển bền vững ngành dầu khí Việt Nam, đặc biệt trong điều kiện lợi thế cạnh tranh của nhiên liệu hóa thạch đang bị suy giảm theo thời gian.
Ngoài ra, cần thống nhất nguyên tắc xuyên suốt trong xây dựng Luật Dầu khí là phát triển ngành Dầu khí để phát triển kinh tế gắn với bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của Việt Nam trên biển và phù hợp với luật pháp quốc tế. Đồng thời xử lý, tháo gỡ những hạn chế, vướng mắc trong quy định của pháp luật về hoạt động dầu khí; cải thiện môi trường đầu tư, tăng cường thu hút nguồn lực từ các thành phần kinh tế, các tổ chức tài chính trong và ngoài nước; hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật và quy hoạch năng lượng để tạo cơ sở bảo đảm sự đồng bộ, kết nối giữa khai thác khí với việc xây dựng các nhà máy điện khí.
Bài, ảnh: HOÀNG MINH