Nơi anh đến là đảo xa

Thứ Sáu, 22/07/2022, 20:58 [GMT+7]
In bài này
.

Chọn đảo là nhà, bám đảo để bảo vệ chủ quyền và thực hiện nhiệm vụ bảo tồn đa dạng sinh học - đó là câu chuyện cảm động của những người lính kiểm lâm trên hòn Bảy Cạnh.

Ông Phạm Trung Kiên và Phạm Đình Đồng tuần tra bảo vệ rừng tại hòn Bảy Cạnh.
Ông Phạm Trung Kiên và Phạm Đình Đồng tuần tra bảo vệ rừng tại hòn Bảy Cạnh.

Ngày tuần tra, đêm đỡ đẻ cho rùa

Từ thị trấn Côn Sơn, sau 45 phút ngồi ca nô của Hạt kiểm lâm, chúng tôi đã tới hòn Bảy Cạnh. Ông Phạm Trung Kiên, Phó Trạm Kiểm lâm hòn Bảy Cạnh vui mừng đón chúng tôi như đón những người thân trở về. “Ngoài khách du lịch, lâu lắm rồi chúng tôi mới được đón tiếp những người từ đất liền ra đảo công tác. Cảm giác nhớ nhung gia đình như được giải tỏa phần nào qua những câu chuyện kể từ đất liền”, ông Kiên hồ hởi nói.

Tháng 7 cũng là mùa cao điểm rùa lên bờ đẻ trứng nên hòn Bảy Cạnh khá nhộn nhịp khách lưu trú. Tại hồ ấp trứng trên hòn Bảy Cạnh có hàng trăm trứng rùa đang được ấp, trong đó có nhiều trứng đang chuẩn bị nở. Ông Kiên cùng đồng đội của mình mở khóa vào kiểm tra từng hố ấp và cẩn thận ghi lại số ngày, số lượng trứng trong mỗi hố. Ông Kiên cho biết, hằng năm từ tháng 5 đến tháng 10 có khoảng 400 rùa mẹ lên các bãi cát thuộc Vườn quốc gia Côn Đảo để làm tổ, đẻ trứng, có trên 150.000 rùa con được cứu hộ và thả về biển, tỷ lệ trứng nở thành công đạt đến 87%.

Lực lượng kiểm lâm trên hòn Bảy Cạnh kiểm tra trứng ấp.
Lực lượng kiểm lâm trên hòn Bảy Cạnh kiểm tra trứng ấp.

Bảy Cạnh đang là hòn đảo có rùa lên bờ đẻ trứng nhiều nhất tại Việt Nam. Do đó, ban ngày những người lính kiểm lâm làm nhiệm vụ tuần tra, canh gác vùng biển và vùng rừng thuộc hòn Bảy Cạnh. Buổi tối, vào mùa cao điểm rùa đẻ trứng, họ phải thay nhau trực ca đêm từ 7-8 giờ tối đến 4-5 giờ sáng ngày hôm sau để làm “bà đỡ” cho rùa với nhiều phần việc như: đeo thẻ, đeo máy định vị vệ tinh, đo đạc kích thước; bảo vệ sinh cảnh làm tổ và các tổ trứng; san lấp, vệ sinh bãi đẻ; di dời các tổ trứng đến nơi an toàn, kiểm tra và thả rùa con về biển.

Do hòn Bảy Cạnh là đảo có nhiều rùa đẻ trứng nên cũng là điểm đến được du khách lựa chọn khi đến Côn Đảo. Theo đó, đa số khách du lịch đến đây đều chọn nghỉ qua đêm để xem rùa đẻ trứng, sáng hôm sau cùng thả rùa con về biển. Công việc của kiểm lâm trên đảo ngoài làm “bà đỡ” cho rùa còn kiêm luôn nhiều nhiệm vụ khác như: phục vụ ăn uống, ngủ nghỉ và hướng dẫn khách du lịch tham quan.

Ông Trần Đình Đồng gọi “điện thoại cục gạch” trao đổi công việc từ gốc cây dừa.
Ông Trần Đình Đồng gọi “điện thoại cục gạch” trao đổi công việc từ gốc cây dừa.

Lội bộ tìm sóng 3G

Đến nay, Bảy Cạnh vẫn là hòn đảo “3 không”: không điện lưới, không nước ngọt và không sóng điện thoại. Vì thế, những người làm việc ở trạm kiểm lâm hòn Bảy Cạnh, chỉ dùng chiếc “điện thoại cục gạch” nhưng phải để đúng gốc cây dừa trên khu vực đón khách thì thỉnh thoảng mới có sóng.

Ông Trần Đình Đồng (quê ở Ba Đồn, Quảng Bình) đã có 4 năm công tác tại hòn Bảy Cạnh, khi muốn liên hệ công tác ra đảo lớn thì lập tức chạy đến cây dừa lấy chiếc “điện thoại cục gạch” bấm gọi nhưng tín hiệu cũng chập chờn, lúc được lúc không. “Khu vực này không thể sử dụng được điện thoại thông minh. Khi nhớ nhà, nhớ vợ con, tôi thường lội bộ 20 phút ra Bãi Đập (cách khu vực đón khách khoảng hơn 1 cây số) mới có thể kết nối mạng 3G để gọi video call về cho gia đình”, ông Đồng nói.

Nhân viên kiểm lâm hòn Bảy Cạnh hái rau chuẩn bị bữa cơm cho anh em trên đảo.
Nhân viên kiểm lâm hòn Bảy Cạnh hái rau chuẩn bị bữa cơm cho anh em trên đảo.

Theo Trạm phó Nguyễn Trung Kiên, trạm có 8 kiểm lâm làm việc trên đảo. Do không có điện lưới nên vài năm gần đây trạm đã lắp năng lượng mặt trời để phục vụ sinh hoạt cho cả nhân viên và du khách. Nhưng điện mặt trời không đủ dùng nên phải sử dụng hết sức tiết kiệm, chủ yếu là để chạy quạt và thắp sáng khi cần thiết. Trong khi đó, nước sinh hoạt được các tích trữ vào mùa mưa đầy các bể chứa để dành dần cho cả mùa khô. “Nước rửa rau, rửa mặt xong được tận dụng lại để tưới cây”, ông Kiên cho biết thêm.

Trên hòn Bảy Cạnh, ngoài khu vực đón tiếp khách, khu vực nhà ăn, nhà nghỉ cho khách lưu trú qua đêm còn có một khu vực tăng gia sản xuất. Ở đó, trồng được: mồng tơi, bầu, mướp, rau sâm đất, khoai lang; cả một đàn gà và mấy con heo để những khi biển động không có tàu, ca nô tiếp tế lương thực thì cũng có thức ăn cải thiện bữa ăn cơm hằng ngày cho anh em.

Hòn Bảy Cạnh nằm ở phía Đông của đảo Côn Sơn với diện tích 683ha, lớn thứ hai trong tổng số 16 hòn đảo của Côn Đảo. Hòn Bảy Cạnh là khu vực có hệ thống rừng nguyên sinh rộng lớn bao phủ gần như là toàn bộ hòn đảo với hệ sinh thái rừng ngập mặn rộng 5,1ha và một hệ sinh thái với nhiều loài khác nhau, từ các rạn san hô, rong biển, cỏ biển, cho đến các loài trai, ốc, hải sâm, cá sinh sống trong các rặng san hô. Hòn Bảy Cạnh từ lâu đã được quy hoạch làm nơi chuyên phục hồi sinh thái, được bảo vệ nghiêm ngặt để bảo đảm sự đa dạng sinh học.

 

Nguyễn Tiến Phái (quê ở Nghệ An) cho biết, 1 năm trước, sau khi tốt nghiệp Đại học Lâm nghiệp, Phái tình nguyện ra đảo công tác. Dù điều kiện sống thiếu thốn, không có các phương tiện vui chơi giải trí nhưng Phái tìm niềm vui bằng cách riêng của mình. Hằng ngày, ngoài nhiệm vụ tuần tra, đỡ đẻ cho rùa, thì chăm chút từng bữa cơm cho anh em trên đảo, chế biến những món ăn ngon cho khách du lịch.

“Lúc rảnh, tôi thường tranh thủ ra Bãi Đập gọi điện thoại về cho bạn bè, gia đình và tranh thủ lướt zalo, facebook. Dù không có điều kiện thoải mái như ở đất liền nhưng tôi vẫn muốn gắn bó với đảo lâu dài để góp phần nhỏ bé của mình bảo vệ biển đảo quê hương, bảo tồn đa dạng sinh học cho Côn Đảo. Tôi xem đảo là nhà, đồng nghiệp là anh em”, Phái chia sẻ.

Bài, ảnh: QUANG VŨ

 
;
.