Nhiều tín hiệu vui từ cảng biển

Thứ Năm, 27/01/2022, 18:27 [GMT+7]
In bài này
.

Bước sang năm 2022, cụm cảng Cái Mép-Thị Vải (CM-TV) có nhiều tín hiệu tích cực, hứa hẹn một năm đầy khởi sắc khi đón nhận nhiều tuyến tàu mẹ cập cảng, các DN đầu tư nhiều trang thiết bị xếp dỡ hàng để nâng cao năng lực khai thác.

Cẩu bờ STS số 6, loại super post-panamax siêu lớn đã được đưa vào vận hành tại CMIT từ tháng 1/2022.
Cẩu bờ STS số 6, loại super post-panamax siêu lớn đã được đưa vào vận hành tại CMIT từ tháng 1/2022.
Những ngày này, Cảng Quốc tế Cái Mép (CMIT) luôn nhộn nhịp bởi các chuyến tàu container quốc tế cập cảng đúng lịch trình.
Ngoài  4 tàu container cập cảng hàng tuần, những ngày đầu năm 2022 CMIT thường xuyên đón thêm các tàu tăng cường. Ông Nguyễn Xuân Kỳ, Tổng Giám đốc Cảng CMIT cho biết, CMIT vừa đưa cẩu bờ STS số 6, loại super post-panamax siêu lớn vào vận hành, tăng đáng kể năng suất  của các cảng đến chính như cảng CMIT. Việc này có ý nghĩa ở góc độ các cảng chính ở trên thế giới Mỹ, Trung Quốc, Châu Âu…đang tắc nghẽn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 thì CM-TV tăng năng suất khai thác để các tàu mẹ làm hàng nhanh hơn. Nhờ đó, từ cuối tháng 12/2021, các tuyến vận tải chính vẫn được duy trì tại CM-TV. “Mục tiêu trong năm 2022 của CMIT phục hồi lại được đà trước khi bị dịch, tiếp tục đầu tư vào nâng cao năng lực mua thêm cẩu mới, gia tăng hợp tác  để mở rộng quy mô cầu cảng, cố gắng tăng doanh thu bằng các dịch vụ gia tăng bốc xếp”-ông Nguyễn Xuân Kỳ cho biết thêm.
Cảng Sài Gòn – SSA (Cảng SSIT) cũng đã đón thêm 2 tuyến tàu gồm MSC Margrit và MSC đi  Bắc Mỹ và Canada. Ông Phan Hoàng Vũ, Phó Tổng Giám đốc Cảng SSIT cho biết, từ tháng 12/2021  sản lượng hàng hóa thông qua cảng tăng trưởng tốt. Trong những ngày đầu năm 2022 cảng đã liên tiếp đón 2 tuyến tàu mới đi Bắc Mỹ, Canada. Đây là tín hiệu tốt trong việc hồi phục hoạt động xuất khẩu của Việt Nam và tạo động lực tích cực cho sản xuất kinh doanh của SSIT nói riêng và các DN tại CM-TV nói chung. Năm 2022, SSIT kỳ vọng tăng trưởng về hàng hóa xuất nhập khẩu, tốc độ hàng hóa thông qua CM-TV sẽ tiếp tục đạt 2 con số.
Không chỉ 2 cảng trên, các cảng như: TCIT, Gemalink, TCTT, TCCT… cũng tấp nập bởi các tàu container cập cảng làm hàng. Ông Nguyễn Hồng Phúc, Giám đốc Kinh doanh cảng TCIT cho biết, TCIT tiếp tục nhận được sự tin tưởng của các hãng tàu và liên minh hãng tàu lớn trên thế giới và luôn duy trì tổng số tuyến dịch vụ quốc tế với 8 - 12 tuyến/tuần, kết nối với Bắc Mỹ, Canada, các cảng chính đi châu Âu và nội Á. Bên cạnh đó, năm 2022 TCIT sẽ tiếp tục đầu tư các trang thiết bị tăng năng lực khai thác để tiếp tục khẳng định năng lực khi tiếp nhận và khai thác cỡ tàu lên đến 14.000 TEU và tiếp tục thiết lập các kỷ lục về sản lượng xếp dỡ tàu mẹ.
Năm 2021, sản lượng hàng thông qua cảng biển đạt 77 triệu tấn, tăng 1,48% so với năm 2020. Trong đó, riêng hàng container bằng tàu biển đạt 5,1 triệu TEU, tăng 16,8%. Hoạt động kinh doanh khai thác cảng biển năm 2021 tăng 4%, doanh thu dịch vụ cảng khoảng 5.720 tỷ đồng, tăng 24,15%. Như vậy, có thể thấy trong bối cảnh dịch COVID -19 diễn biến phức tạp, đây là con số tăng trưởng khá ấn tượng. Các DN cảng biển, đặc biệt là cụm CM-TV tiếp tục chứng minh vai trò là cảng chính cho xuất khẩu của khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, đặc biệt là xuất khẩu đi Mỹ, thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Tuy nhiên, nhiều DN cho rằng CM-TV là một trong hai cụm cảng đặc biệt của cả nước theo Quyết định số 1579/QD-Ttg của Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050. Để tiếp tục vận dụng tối đa tiềm năng thế mạnh phát triển vốn có của cụm cảng này, tạo bước phát triển mới cho kinh tế cảng biển BR-VT thì cần các cơ chế, chính sách đặc thù riêng cho CM-TV để phát triển và đáp ứng kỳ vọng của các nhà đầu tư, khách hàng. Theo đó, để CM-TV trở thành một trong những cụm cảng trọng điểm quốc gia xứng tầm thế giới, Bộ GT-VT cần xem xét, quy hoạch lại tuyến bến cho một số cảng tại CM-TV như Gemalink, Cái Mép Hạ, cảng trung tâm logistics là những cảng đang xây dựng hoặc sẽ xây dựng để đáp ứng nhu cầu phát triển trong tương lai đến 2050 nhằm tận dụng tối đa mặt nước, chiều sâu tự nhiên của cảng.

Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thực hiện đề án thành lập Trung tâm kiểm tra chuyên ngành tập trung và địa điểm kiểm tra hàng hóa tập trung để giải phóng hàng hóa nhanh chóng ra khỏi cảng xếp dỡ/trung chuyển, nhằm tăng khả năng tiếp nhận hàng hóa xuất nhập khẩu. Ngoài ra, cần có quy hoạch quỹ đất để xây dựng các depot container (bãi tập kết container), bãi tập kết hàng hóa, phương tiện để tránh tình trạng container hàng thì giao nhận tại CM-TV, container rỗng thì giao nhận tại khu vực TP. Hồ Chí Minh như hiện nay. Đồng thời, sớm nghiên cứu triển khai mô hình khu phi thuế quan. Đây là cơ sở bền vững để hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh khai thác cảng nói riêng và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương nói chung để tạo ra lợi thế và sự khác biệt nhằm giữ chân, thu hút thêm các nhà đầu tư tại khu vực CM-TV nói riêng và các khu công nghiệp tại tỉnh BR-VT nói chung.

Bài, ảnh: TRÀ NGÂN

;
.