HÀNH TRÌNH 60 NĂM TÌM "VÀNG ĐEN" CHO TỔ QUỐC

Kỳ 4: Khẳng định vai trò trụ cột

Thứ Năm, 25/11/2021, 19:32 [GMT+7]
In bài này
.

Ngày 22/11, ngành dầu khí đón tin vui khi đã hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch tổng sản lượng khai thác dầu cả năm với 9,72 triệu tấn, về đích trước thời hạn 38 ngày. Sự kiện này có ý nghĩa quan trọng đối với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) trong sứ mệnh vinh quang “tìm dầu để làm giàu cho Tổ quốc”.

Người lao động Vietsovpetro vượt sóng thi công hạ đặt chân đế giàn khoan.
Người lao động Vietsovpetro vượt sóng thi công hạ đặt chân đế giàn khoan.

Điểm sáng trong bức tranh kinh tế

Trong 5 năm qua, ngành dầu khí đã trải qua nhiều đợt khủng hoảng, đặc biệt từ năm 2020 đến nay, “khủng hoảng kép” từ đại dịch COVID-19 và giá dầu giảm sâu đã ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN dầu khí trên thế giới. Nhiều tập đoàn dầu khí lớn như: Shell, BP, Chevron... đều ghi nhận các khoản thua lỗ hàng chục tỷ USD, dẫn đến việc cắt giảm nhân sự, thu hẹp hoạt động, thậm chí phá sản. Trong bối cảnh đó, PVN vẫn duy trì an toàn, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, nhiều chỉ tiêu đạt kết quả tích cực, đóng góp quan trọng vào kết quả tăng trưởng GDP của Việt Nam.

Để đạt kết quả này, ngay trong năm 2020, PVN đã làm việc với từng người điều hành tại các lô mỏ khai thác để đánh giá, phân tích rủi ro, tìm kiếm cơ hội, chắt chiu tận dụng từng giải pháp gia tăng sản lượng khai thác và tổng hợp thành kế hoạch quản trị hoàn chỉnh, khả thi để thực hiện. Đồng thời, PVN cũng triển khai hàng loạt biện pháp phòng, chống dịch, ứng phó khẩn cấp tình huống có thể xảy ra. Nhờ đó, năm 2020, sản lượng khai thác dầu của PVN vượt 8% kế hoạch, đạt 11,47 triệu tấn, sản lượng khai thác khí đạt 9,16 tỷ m3; sản xuất xăng dầu 11,87 triệu tấn; sản xuất đạm 1,8 triệu tấn, vượt 15% kế hoạch; sản xuất điện 19,17 tỷ kWh... PVN nộp ngân sách Nhà nước 83 ngàn tỷ đồng, đạt 101% kế hoạch, góp phần quan trọng vào tăng trưởng GDP cả nước và cân đối ngân sách nhà nước.

Từ đầu năm 2021 đến nay, trước đà suy giảm sản lượng tự nhiên của các mỏ dầu hiện hữu sau thời gian dài khai thác và công tác đầu tư phát triển mỏ mới gặp nhiều vướng mắc về cơ chế, việc duy trì và hoàn thành kế hoạch sản lượng khai thác là thách thức rất lớn với PVN. Dù vậy, Tập đoàn đã tập trung ứng dụng các giải pháp khoa học, kỹ thuật, công nghệ, áp dụng nhiều giải pháp nâng cao thu hồi dầu.

Tính đến ngày 22/11, PVN đã hoàn thành chỉ tiêu sản lượng khai thác dầu trong và ngoài nước của cả năm với  9,72 triệu tấn, về đích trước kế hoạch năm 2021 là 38 ngày.

Cần chính sách phù hợp thông lệ quốc tế

Những năm qua, PVN luôn được Chính phủ đánh giá là tập đoàn hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả, luôn ở trong tốp đầu những DN đóng góp lớn nhất vào ngân sách nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội. Hiện nay, quy mô tài sản hợp nhất của Tập đoàn gần 41 tỷ USD, vốn chủ sở hữu gần 21 tỷ USD. Tính từ năm 1986 đến hết năm 2020, tổng doanh thu của Tập đoàn đạt gần 400 tỷ USD, nộp ngân sách nhà nước hơn 110 tỷ USD, trong đó có những thời kỳ nộp ngân sách chiếm tới gần 30% GDP cả nước

Để tiếp tục phát huy những thành quả đạt được, trong các buổi giao ban điều hành sản xuất, kinh doanh với thủ trưởng các đơn vị trong toàn Tập đoàn, Tổng Giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng chỉ đạo Tập đoàn và các đơn vị thành viên tập trung các giải pháp quản trị, an toàn kỹ thuật để gia tăng sản lượng khai thác, tăng công suất sản xuất các sản phẩm dầu khí để giảm sức ép đối với hàng nhập khẩu. Đồng thời phối hợp tốt với các đơn vị phân phối để giữ vững thị trường, bảo vệ nguồn thu nhằm đóng góp cao nhất cho ngân sách nhà nước.

Qua 6 thập kỷ, PVN  trải qua các thời kỳ với mô hình hoạt động khác nhau: Tổng cục Dầu khí Việt Nam, Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam, đến nay là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. PVN  đã xây dựng được hệ thống cơ sở vật chất công nghiệp dầu khí hoàn chỉnh, đồng bộ từ tìm kiếm, thăm dò, khai thác, chế biến dầu khí, công nghiệp khí, điện và dịch vụ dầu khí. Từ chỗ không có dầu khí, đến nay công tác tìm kiếm thăm dò dầu khí đã xác định được trữ lượng dầu khí của các phát hiện tới trên 1,4 tỷ tấn quy dầu và đã nghiên cứu đánh giá tiềm năng còn lại của Việt Nam là 1,6-2,8 tỷ tấn quy dầu; đã khai thác được 414,3 triệu tấn dầu và 168,6 tỷ m3 khí. Trữ lượng đã phát hiện và tiềm năng dầu khí đủ khả năng cân đối bền vững cho hoạt động khai thác, bảo đảm an ninh năng lượng của đất nước trong những thập niên tới.

Dù đã rất nỗ lực và đạt được những kết quả khả quan, nhưng những người đứng đầu PVN vẫn luôn trăn trở. Tổng Giám đốc PVN chia sẻ, để thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam, bảo đảm an ninh năng lượng và bảo vệ chủ quyền Tổ quốc, việc hoàn thiện thể chế để ngành dầu khí tiếp tục phát triển trong bối cảnh mới càng trở nên cấp thiết.

Vì vậy, ngành dầu khí luôn mong muốn các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về dầu khí được đồng bộ; có cơ chế, chính sách phù hợp với thông lệ quốc tế để PVN phát triển bền vững hơn. Theo đó, cần tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong sản xuất kinh doanh, đặc biệt trong lĩnh vực cốt lõi là thăm dò, khai thác dầu khí. Cùng với đó, chính sách thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam cần có sự thay đổi theo hướng ổn định và mở hơn, khuyến khích hơn để vừa góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia trên Biển Đông vừa thu hút được vốn, công nghệ tiên tiến từ quốc tế.

(Còn nữa)

Bài, ảnh: PHAN HÀ và CTV

;
.