Doanh nghiệp xuất khẩu chật vật với giá cước vận tải

Thứ Năm, 18/11/2021, 20:41 [GMT+7]
In bài này
.

Sau thời gian dài phải hoạt động cầm chừng hoặc tạm ngừng sản xuất do ảnh hưởng của dịch COVID-19, hơn một tháng qua các DN xuất khẩu nỗ lực khôi phục sản xuất để hoàn thành kế hoạch năm. Tuy nhiên, DN đang đối mặt với khó khăn vì giá cước vận tải vừa tăng cao vừa khó đặt chỗ.

Người lao động Công ty Baseafood đóng gói hàng xuất khẩu.
Người lao động Công ty Baseafood đóng gói hàng xuất khẩu.

Đặt chỗ trước 1-2 tháng

Thông tin từ các DN xuất khẩu cho biết, từ tháng 10/2021 đến nay, các hãng tàu CMC, Yang Ming , OOCL, Wan Hai, Mearsk Line, Cosco, ZIM đã tăng thêm từ 2.000- 5.000 USD/container 40 feet cho các tuyến dịch vụ từ Việt Nam đi Mỹ, Châu Âu, Úc, Nga. Với mức tăng như trên, hiện giá đi Mỹ đã chạm mốc 20.000 USD/container 40feet; cước của một container đến một số cảng biển tại Nga đã tăng lên mức 15.000 USD/container 40feet. Đối với container lạnh cũng đã tăng gần gấp đôi, lên 13.000-14.000USD/container 40feet. Ông Lee Huyun Ho, Giám đốc nhân sự & Tổng vụ Công ty CP Thép Posco Yamato Vina (KCN Phú Mỹ 2. TX.Phú Mỹ) cho biết, công ty chuyên sản xuất các loại thép hình chữ H, I cỡ lớn thị trường xuất khẩu chủ yếu sang Mỹ, Hàn Quốc. Tuy nhiên, hiện DN  rất lo lắng khi giá cước vận tải container vẫn trên đà tăng. Không những cước vận tải cao mà việc đặt chỗ trên tàu cũng khó khăn dẫn tới DN phải giảm 30% lượng hàng xuất khẩu.

Là một DN chuyên xuất nhập khẩu nông sản làm hàng tại cảng Cái Mép, ông  Nguyễn Văn Trung, đại diện Công ty TNHH Hồng Nga Sài Gòn  cho biết, nếu trước đây, tháng cao điểm công ty có thể xuất được hơn 120 container hàng thì gần đây giảm từ 20-30 container/tháng bởi giá cước vận tải đã tăng từ 30%-50% so với cuối tháng 6/2021. Với mức phí này, nếu  DN xuất khẩu khoảng 100 container/tháng thì chi phí phát sinh trên dưới 1 tỷ đồng. Thế nhưng, hợp đồng đã ký không thể không thực hiện buộc DN phải xoay xở đủ cách như, tăng ca đẩy nhanh tốc độ sản xuất và đặt trước từ 1-2 tháng mới có chỗ. Nếu không đặt chỗ sớm thì DN phải mua lại của thị trường thứ cấp, lúc đó giá sẽ bị đội lên rất cao. Giá cước cao khiến DN vẫn chưa dám ký các đơn hàng mới trong năm 2022. 

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), đến thời điểm này sức mua trên thế giới đang phục hồi trở lại mạnh mẽ. Các cảng biển cũng khôi phục lại được năng lực bốc xếp. Tuy nhiên, do nhu cầu hàng hóa tăng đột biến nên nhu cầu vận chuyển bằng đường biển cũng tiếp tục tăng khiến giá cước vận chuyển bằng đường biển tăng mạnh. Chi phí logistics tăng cao, một số DN đã tìm cách đàm phán với đối tác để chung chia phí logistics. Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP chế biến xuất nhập khẩu thủy sản tỉnh (Baseafood) cho biết, việc chi phí vận tải tăng nhưng để giữ uy tín với khách hàng DN cũng phải ráng để làm để khách hàng nhận thấy thiện chí của mình. Nhờ đó, nhiều đối tác đã chia sẻ cước phí bằng cách như tăng giá, giãn thời gian giao hàng và chia sẻ phí logistics. “Những lúc khó khăn càng thấm thía câu “buôn có bạn, bán có phường”, làm ăn bây giờ DN muốn thắng phải chơi theo nhóm (group), các DN nhỏ đang liên kết với DN lớn để "chung chia" container, các DN chưa có lối ra thì đang tạm nằm im chờ cơ hội giá logistics giảm xuống, hoặc chờ cơ hội đàm phán nâng giá bán sản phẩm”-ông Trần Văn Dũng chia sẻ thêm.

Dự báo từ nay đến hết năm 2021 giá cước vận tải khó giảm. Trong ảnh: Hàng xuất nhập khẩu tại bãi chứa container cảng TCIT.
Dự báo từ nay đến hết năm 2021 giá cước vận tải khó giảm. Trong ảnh: Hàng xuất nhập khẩu tại bãi chứa container cảng TCIT.

Điều chỉnh phù hợp

Theo Hiệp hội Logistics Việt Nam, hiện có khoảng 40 hãng tàu biển nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam, vận chuyển khoảng 88% tổng lượng hàng hóa xuất nhập khẩu từ Việt Nam đi quốc tế. Đáng chú ý, 100% lượng hàng đóng bằng container đều do tàu nước ngoài vận chuyển. Như vậy, việc quyết định giá cước nằm ở tay các hãng nước ngoài, DN xuất khẩu Việt Nam hoàn toàn bị động.  

Trước thực trạng trên, Cục Hàng hải Việt Nam đã ban hành Quyết định về việc thành lập tổ công tác kiểm tra về giá, phụ thu ngoài giá dịch vụ vận chuyển hàng hóa container bằng đường biển. Nhờ đó, vừa qua tại buổi làm việc với Cục Hàng hải Việt Nam vào tháng 9/2021 vừa qua, hãng tàu CMA-CGM có thông báo chính thức về việc không tăng giá cước vận tải container đến hết tháng 2/2022. Đại diện hãng tàu CMA-CGM cho biết, các đợt tăng giá cước vận tải biển theo xu hướng thị trường được dự báo còn kéo dài trong vài tháng nữa, nhưng CMA-CGM quyết định sẽ dừng tăng giá cước vận tải container do các thương hiệu của tập đoàn (CMA CGM, CNC, Containerships, Mercosul, ANL, APL) vận hành từ nay đến ngày 1/2/2022. Trong thời gian thông báo giữ giá cước, nếu tình hình cung - cầu thay đổi, các yếu tố hình thành chi phí giảm xuống, hãng tàu cũng sẽ có chính sách điều chỉnh giá phù hợp để đảm bảo quyền lợi cho khách hàng. Bên cạnh chính sách giữ giá cước vận tải, hãng tàu CMA-CGM cũng đang đẩy mạnh nâng năng lực đội tàu và đưa container rỗng về phục vụ thị trường xuất nhập khẩu Việt Nam. 

Song song đó, để giải quyết tình trạng khó khăn trước mắt, các DN đã chủ động thực hiện cắt giảm chi phí sản xuất. Cùng đó, thay vì đẩy mạnh hàng vào thị trường Mỹ, châu Âu, Canada, họ tìm kiếm thêm thị trường gần hơn như: Đài Loan (Trung Quốc), Singapore, Hàn Quốc, để giảm chi phí vào logistics, dòng tiền quay vòng nhanh hơn. Ngoài ra, DN còn chủ động đàm phán với khách hàng để giãn tiến độ giao hàng hoặc sử dụng các phương tiện khác thay thế.

Bài, ảnh: TRÀ NGÂN

 

;
.