.

Doanh nghiệp cảng biển sẵn sàng "3 tại chỗ" dồn sức chống dịch

Cập nhật: 18:37, 18/07/2021 (GMT+7)

 

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, các DN cảng biển đã khẩn trương triển khai thực hiện “3 tại chỗ” nhằm đảm bảo thực hiện tốt nhất “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống dịch vừa duy trì sản xuất.

Nhân viên Cảng TCTT đã được bố trí “3 tại chỗ” để thực hiện mục tiêu kép.
Nhân viên Cảng TCTT đã được bố trí “3 tại chỗ” để thực hiện mục tiêu kép.


Từ ngày 17/7, Cảng Quốc tế Cái Mép (CMIT) đã test COVID-19 cho 350 người của cảng trước khi vào cách ly theo mô hình “3 tại chỗ” (ăn tại chỗ, nghỉ tại chỗ và làm việc tại chỗ), đáp ứng yêu cầu công việc trong bối cảnh dịch bùng phát. Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Trưởng phòng Quan hệ Chính quyền và Công Vụ Cảng CMIT cho biết, cảng đã tận dụng 3 tòa nhà để sắp xếp, bố trí cho nhân viên ăn, ở cho đến khi dịch bệnh được kiểm soát. Các nơi ở đều có máy lạnh, quạt, gối, nệm…

Trước đó, ngày 15/7, cảng Tân cảng Cái Mép - Thị Vải (TCTT) cũng đã triển khai “3 tại chỗ”, bảo đảm các phương án ăn ở cho 250 người lao động. Theo đó, TCTT đã bố trí khu vực sinh hoạt, làm việc độc lập giữa các bộ phận, thực hiện giãn cách các nhóm công việc thường xuyên tiếp xúc với khách hàng như thương vụ, thu ngân, ký sơ đồ tàu. TCTT cũng tận dụng đối đa công nghệ như họp Zoom, trực tuyến khi triển khai công việc, làm việc. Đồng thời, tổ chức xét nghiệm COVID-19 2 lần/tuần cho toàn thể người lao động công ty.

Các cảng như Quốc tế Tân Cảng Cái Mép, Hưng Thái, Tân cảng Cái Mép… cũng nhanh chóng triển khai thực hiện “3 tại chỗ” theo yêu cầu phòng chống dịch trong tình hình mới. Khu vực lưu trú tập trung được kiểm soát bằng hệ thống camera có kết nối với hệ thống thông tin của địa phương để phối hợp giám sát, có biển báo “không phận sự cấm vào”, được cung ứng đầy đủ thực phẩm, các đồ dùng thiết yếu, điểm khử khuẩn, dung dịch sát khuẩn...

Toàn tỉnh hiện có khoảng 60 bến cảng đang hoạt động, khai thác. Đây cũng là khu vực tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh COVID-19 phát sinh từ thuyền viên nhập cảnh và các tài xế xe container (phần lớn di chuyển từ những vùng đang bùng phát dịch). Do đó, các DN cảng biển đã tăng cường kiểm soát chặt người/phương tiện ra-vào cảng, thực hiện phân luồng hàng hóa, chuẩn bị cơ sở vật chất phục vụ cho việc ăn ở lại công ty cho nhân viên… nhằm đảm bảo duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.  Ông Nguyễn Xuân Kỳ, Tổng Giám đốc Cảng CMIT cho biết, cảng nước sâu là cơ sở hạ tầng thiết yếu đối với một nền kinh tế hướng về xuất khẩu như Việt Nam. Với hơn 90% khối lượng hàng hóa đi bằng đường biển. Trong đó 2/3 hàng xuất nhập khẩu của Việt Nam diễn ra ở khu vực phía Nam mà CM-TV được dùng cho 100%  hàng xuất khẩu đi  Mỹ. Nếu cảng biển bị đóng cửa do dịch COVID-19, tàu không thể ghé, hoạt động xuất nhập khẩu bị dừng lại kéo theo nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề. Do đó, các cảng biển đề xuất tỉnh BR-VT ưu tiên cho khối CNCNV của cảng biển được tiêm vắc xin sớm nhất có thể để DN tiếp tục duy trì cho chuỗi cung ứng không bị gián đoạn và đứt gãy.

 Các DN cảng biển cũng đề xuất UBND tỉnh cần có phương án tổ chức xét nghiệm định kỳ cho các nhóm có nguy cơ nhiễm bệnh cao; bố trí cán bộ chuyên trách để kiểm tra, hướng dẫn cụ thể triển khai phòng chống dịch tại các cảng biển. Các cơ quan chức năng xây dựng kịch bản, phương án cách ly đối với các đối tượng F1 nếu xảy ra tình trạng quá tải tại các khu cách ly tập trung…

Tại cuộc họp báo cáo UBND tỉnh phương án phòng, chống dịch COVID-19 tại các DN cảng biển trên địa bàn tỉnh ngày 16/7, ông Nguyễn Công Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị các DN cảng biển tiếp tục đồng hành cùng tỉnh trong công tác phòng chống dịch; đồng thời khuyến khích DN chủ động thực hiện test nhanh cho nhân viên/công nhân ra vào cảng; phấn đấu 100% người lao động được test nhanh để sớm phát hiện các ca nghi nhiễm, bảo đảm công tác cách ly, truy vết sớm để không ảnh hưởng đến quá trình sản xuất chung. Đối với kiến nghị của các DN cảng, ông Nguyễn Công Vinh cũng đề nghị các sở, ngành liên quan ghi nhận và sớm có phương án giải quyết.

Bài, ảnh: TRÀ NGÂN

.
.
.