Bằng sự nhanh nhạy và sáng tạo, công nhân lao động Bà Rịa-Vũng Tàu đã không ngừng vươn lên làm chủ công nghệ. Qua đó giúp doanh nghiệp vững vàng trong thời đại công nghệ số.
![]() |
Công ty TNHH VARD Vũng Tàu luôn quan tâm đến việc đào tạo, nâng cao chất lượng lao động. |
Nâng cao năng suất, chất lượng
Năm 2017, Doanh nghiệp (DN) Chế xuất Nitori Việt Nam Chi nhánh Bà Rịa-Vũng Tàu (Nitori Bà Rịa-VũngTàu) được thành lập. Ngay từ đầu, Nitori Bà Rịa-Vũng Tàu định hướng sản xuất tự động hóa để tạo ra sản phẩm chất lượng cao, tiết kiệm chi phí, giảm giá thành. DN đặc biệt quan tâm đến việc đào tạo, nâng cao tay nghề cho đội ngũ lao động để làm chủ công nghệ.
Ông Phạm Trung Đông, Chủ tịch Công đoàn Nitori Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, DN đã triển khai nhiều cách làm để nâng cao tay nghề cho lao động như đưa lao động ra tập đoàn tại Hà Nội để đào tạo; tổ chức các chuyến học tập kinh nghiệm tại Nhật Bản, Trung Quốc… cho lao động chủ chốt. Qua đó, lao động có điều kiện tham khảo, nắm bắt công nghệ, học hỏi kinh nghiệm để làm chủ công nghệ sản xuất tốt hơn.
Anh Phan Văn Đại, Trưởng bộ phận Nhuộm của Nhà máy sản xuất rèm cửa Nitori Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết: Trước đây, một số sản phẩm chỉ có thể sản xuất tại Nhật Bản. Tuy nhiên, từ giữa năm 2024, nhờ chuyên gia Nhật sang hỗ trợ thiết kế kỹ thuật dệt và trực tiếp hướng dẫn công nhân, các sản phẩm này nay đã được sản xuất thành công tại Việt Nam.
“Ngay từ đầu, nhà máy đã định hướng sản xuất tự động hóa. Chúng tôi luôn đẩy mạnh cải tiến kỹ thuật để bảo đảm an toàn, nâng cao chất lượng và năng suất. Hằng tuần, thông qua báo cáo từ các bộ phận, nhiều sáng kiến đã được áp dụng, giúp tiết kiệm thời gian và tăng hiệu quả sản xuất. Đơn cử như việc nghiên cứu, ứng dụng thành công robot vận chuyển hàng hóa - robot có thể tự lấy và vận chuyển hàng thay vì chỉ thực hiện một công đoạn như trước đây”, anh Đại chia sẻ.
Khởi đầu là công nhân, anh Phan Văn Đại đã trở thành trưởng bộ phận quản lý nhuộm. Anh có nhiều sáng kiến trong việc rút ngắn thời gian nhuộm, tiết kiệm năng lượng và nâng cao hiệu suất máy móc, góp phần tiết kiệm hàng tỷ đồng cho DN. Với những đóng góp đó, anh được vinh danh trong Chương trình “1 triệu sáng kiến” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động.
Chủ động đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao
Công ty TNHH VARD Vũng Tàu (VARD) là một trong những doanh nghiệp thiết kế và đóng tàu chuyên dụng lớn trên thế giới, có trụ sở chính tại Na Uy. Chi nhánh tại TP.Vũng Tàu được thành lập từ năm 2006. Sau gần 20 năm hoạt động, VARD không ngừng khẳng định là nơi hội tụ đội ngũ nhân sự hiệu quả, tay nghề cao, cùng môi trường làm việc an toàn.
Ông Trần Thanh Bình, Phó Tổng giám đốc VARD Vũng Tàu cho biết, công ty luôn chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng ngay từ những ngày đầu. Hiện công ty có hơn 1.500 lao động, trong đó hơn 100 kỹ sư lành nghề. Tỷ lệ lao động gắn bó trên 10 năm chiếm tới 60%. Trong đó, nhiều lao động đóng góp nhiều sáng kiến cho công ty.
Suốt 11 năm làm việc tại VARD Vũng Tàu (KCN Đông Xuyên), anh Nguyễn Quốc Toàn, kỹ sư máy ống, Phòng Kỹ thuật đã có nhiều sáng kiến góp phần tiết kiệm nguyên liệu, nâng cao năng suất lao động. Tiêu biểu là sáng kiến thay đổi khớp nối giữa hai mặt bích của ống bằng một khớp nối đơn giản hơn, giúp tiết kiệm hơn 15.000 USD cho mỗi con tàu. Anh Toàn được công ty và công đoàn vinh danh là công nhân tiêu biểu.
“Những định hướng phát triển bền vững đã tạo sự gắn kết lâu dài với người lao động. Ngoài việc đảm bảo công việc ổn định, VARD còn xây dựng nhiều chương trình đào tạo chuyên sâu, trong đó có việc cử lao động sang Na Uy, Rumani… học tập. Những ngày đầu, phần lớn các vị trí chủ chốt do người nước ngoài đảm nhiệm. Nhưng đến nay, hầu hết các vị trí đó đã được thay thế bởi kỹ sư người Việt. Điển hình là hơn 100 kỹ sư đang làm việc ở các bộ phận kỹ thuật đều là người Việt Nam”, ông Trần Thanh Bình cho biết thêm.
Cũng theo ông Bình, công ty đang triển khai nhiều chương trình nâng cao tay nghề, đẩy mạnh phong trào sáng kiến sáng tạo trong ngành đóng tàu, kết hợp xu hướng ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để tăng hiệu quả sản xuất và đáp ứng nhu cầu khách hàng. Chính sách đãi ngộ tốt cũng là động lực giúp người lao động chủ động đổi mới, sáng tạo.
Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, nhiều lao động phổ thông lo ngại mất việc làm. Tuy nhiên, theo ông Lê Văn Hòa, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh, đây cũng là môi trường cạnh tranh mới để người lao động chủ động tiếp cận khoa học, kỹ thuật hiện đại.
Ông Hòa đánh giá, đội ngũ công nhân là lực lượng nòng cốt trong việc làm chủ công nghệ sản xuất hiện nay. Thời gian qua, đội ngũ này đã phát huy vai trò tiên phong, năng động, sáng tạo, góp phần xây dựng giai cấp công nhân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế trong thời đại công nghiệp 4.0.
Bài, ảnh: NHÃ UYÊN