Hơn 100 đại biểu là chuyên gia, trí thức, nhà khoa học, nhà quản lý ở các viện, trường, DN và các hiệp hội ngành nghề đã tham dự hội nghị họp mặt đại biểu trí thức tỉnh đầu năm 2025 do Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật (KH-KT) phối hợp cùng Sở KH-CN tổ chức tại TP.Vũng Tàu, diễn ra ngày 9/4.
![]() |
Đại biểu trí thức trao đổi bên lề buổi gặp mặt. |
Vai trò quan trọng phát triển kinh tế, xã hội
TS.Trương Thành Công, Chủ tịch Liên hiệp các hội KH-KT nhận định, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, KH-CN và đổi mới sáng tạo (ĐMST) đóng vai trò then chốt trong sự phát triển của mỗi địa phương và quốc gia. Triển khai Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị, chủ đề hội nghị họp mặt trí thức năm nay của tỉnh tập trung vào nội dung “Trí thức tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với đột phá phát triển KH-CN, ĐMST và chuyển đổi số”.
Nghị quyết 57 lấy KH-CN cùng với ĐMST, chuyển đổi số (CĐS) đặt lên vị trí đột phá quan trọng hàng đầu với những mục tiêu cùng các giải pháp quyết liệt chưa từng có. Điểm đột phá đầu tiên đó là Đảng ta đã đặt ra các mục tiêu cụ thể ở mức cao, đến năm 2030 và 2045 Việt Nam có thể trở thành quốc gia phát triển có thu nhập cao. Trong đó, xác định rõ nhà khoa học ở vị trí trung tâm, then chốt, đi cùng với đó là những cơ chế, chính sách đãi ngộ xứng đáng.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Kỳ, Phó Giám đốc Sở KH-C đã khẳng định vai trò quan trọng của đội ngũ trí thức đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. “Đội ngũ trí thức, nhà khoa học tỉnh đã đóng góp to lớn vào công cuộc xây dựng, đổi mới phát triển kinh tế - xã hội tỉnh”, ông Kỳ khẳng định.
Năm 2024, Bà Rịa-Vũng Tàu đã có sự phục hồi và phát triển kinh tế tích cực với kết quả ấn tượng, đó là tổng sản phẩm GRDP tăng 11,72%, cao nhất trong 10 năm gần đây. GRDP bình quân đầu người trên địa bàn tỉnh năm 2024 ước 460,63 triệu đồng/người/năm.
Theo GS.TS.Nguyễn Văn Phước, Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH-KT TP.Hồ Chí Minh, đạt được những thành tựu trên là nhờ tỉnh đã tận dụng hiệu quả các thuận lợi, tập trung phát triển hệ thống hạ tầng và nguồn nhân lực chất lượng cao; đẩy mạnh khai thác tiềm năng kinh tế biển, cảng biển quốc tế, công nghiệp chế biến, năng lượng tái tạo và du lịch xanh…
Đặc biệt, tỉnh đã có quyết sách chỉ đạo, tạo điều kiện để đưa KH-CN vào sản xuất. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Chương trình hành động số 36-CTr/TU với mục tiêu: Xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh, phát triển toàn diện cả về số lượng và chất lượng, nhất là đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành trong các lĩnh vực trọng yếu của tỉnh, đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh trong tình hình mới. Tỉnh từng bước hoàn thiện cơ chế, chính sách, bảo đảm tính khả thi, đồng bộ, tạo môi trường, điều kiện và động lực để phát huy vai trò, sự cống hiến của đội ngũ trí thức, không ngừng đổi mới sáng tạo, nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực, trình độ và cống hiến cho đất nước, địa phương. Nhờ đó, khoa học và kỹ thuật đã được phát huy, bao gồm chuyển đổi xanh trong nông nghiệp cũng như công nghiệp và sử dụng năng lượng sạch.
![]() |
Tỉnh đang thiếu nhân lực trí thức trình độ cao, có khả năng nghiên cứu KH-CN. Trong ảnh: Ông Trịnh Thanh Sơn, Phó Giám đốc Công ty CP Công nghệ Môi trường Nano Việt (TP.Vũng Tàu) nghiên cứu trong phòng thí nghiệm. |
“Trải thảm đỏ” thu hút chất xám trình độ cao
Bên cạnh kết quả đạt được, các đại biểu cũng cho rằng, nguồn nhân lực trí thức, nhà khoa học của tỉnh trong những năm qua đang có dấu hiệu giảm sút và thiếu nhân lực trình độ cao, chuyên gia KH-CN.
Nếu năm 2016 toàn tỉnh có hơn 60 ngàn người có trình độ đại học thì đến nay đội ngũ trí thức tại tỉnh chỉ còn hơn 26 ngàn người. Đáng chú ý, số lượng tiến sĩ đã giảm mạnh, từ 120 người năm 2016 còn 57 người năm 2023. Theo Sở KH-CN, sự suy giảm này có nguyên nhân từ việc giải thể, sắp xếp lại một số tổ chức, đơn vị, nguồn nhân lực chuyển đi nơi khác.
So với quy mô, chiến lược phát triển của tỉnh, số lượng đội ngũ trí thức như thế khó có thể đảm đương hết khối lượng công việc khổng lồ, nặng nề và đòi hỏi luôn đổi mới sáng tạo của tỉnh. “Cần có sự phối hợp với đội ngũ trí thức tại các tỉnh, thành trong cả nước và quốc tế, nhất là những lĩnh vực mới nổi như chuyển đổi xanh, CĐS, kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải khí nhà kính... Đặc biệt, tỉnh cần tạo không gian sáng tạo, thu hút chất xám trong và ngoài nước, có thể làm việc từ xa qua internet, chứ không nhất thiết phải đưa người về làm việc tại địa phương”, GS.TS.Nguyễn Văn Phước góp ý.
Các đại biểu, chuyên gia tham dự hội nghị cũng đã đề xuất nhiều giải pháp thu hút chất xám, đội ngũ trí thức, nhà khoa học, như: tăng cường đào tạo, xây dựng chính sách, tạo môi trường thuận lợi thu hút nhân tài trong và ngoài nước (về lương thưởng, cơ sở vật chất, viện, trường, trung tâm nghiên cứu, thương mại hóa các công trình KH-CN…), quan tâm đầu tư phát triển đội ngũ trí thức doanh nhân, trí thức trẻ, có nguồn kinh phí đầu tư cho KH-CN, ĐMST, CĐS và đào tạo nhân lực tương xứng…
“Tỉnh cần đổi mới mạnh mẽ, toàn diện và thực hiện đồng bộ cơ chế, chính sách để thu hút, sử dụng, đãi ngộ tốt đối với nguồn nhân lực KH-CN trong và ngoài nước. Đồng thời, đẩy mạnh quá trình nghiên cứu phát triển, chuyển giao công nghệ và hợp tác quốc tế trong phát triển nguồn nhân lực KH-CN”, TS.Trương Thành Công nhấn mạnh.
Bài, ảnh: NGỌC MINH