Trong các tiêu chí phát triển bền vững kinh tế - xã hội, việc đầu tư đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất, kinh doanh luôn được lãnh đạo tỉnh quan tâm thúc đẩy.
![]() |
Nhân viên Trung tâm Công nghệ và Thông tin (Sở KH-CN) kiểm tra quá trình phát triển của hoa cúc được nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô. Trung tâm đang hỗ trợ cung cấp nguồn giống nuôi cấy mô theo đặt hàng của DN. |
DN đẩy mạnh đầu tư
Với phương châm phát triển bền vững, lấy sức khỏe người tiêu dùng là ưu tiên hàng đầu, bà Cao Thị Hồng Vân đã chọn lĩnh vực công nghệ sinh học, chuyên trồng và nghiên cứu chế biến các sản phẩm từ đông trùng hạ thảo để khởi nghiệp, thành lập Công ty TNHH Nuôi trồng nấm Hòa Long (TP. Bà Rịa).
Sau gần 10 năm phát triển, công ty đã nghiên cứu, tung ra thị trường 11 loại sản phẩm đông trùng hạ thảo. “Các công đoạn để sản xuất nấm đông trùng hạ thảo khá tỉ mỉ và đòi hỏi sự cẩn thận, bởi chỉ cần một công đoạn bị nhiễm vi khuẩn là coi như thất bại”, bà Vân chia sẻ.
Không chỉ nghiên cứu về cách trồng nấm đông trùng hạ thảo, bà Vân còn thành công trong việc nhân giống tế bào nấm đông trùng hạ thảo, giúp chủ động nguồn giống để sản xuất và tạo được nguồn giống phù hợp với môi trường nuôi. Hiện nay, công ty đã sản xuất được các loại sản phẩm như: nấm đông trùng hạ thảo tươi, khô, rượu đông trùng hạ thảo, đông trùng hạ thảo viên nang, bột ngũ cốc đông trùng hạ thảo, đông trùng hạ thảo mật ong… Trong đó, có 4 sản phẩm được công nhận OCOP 4 sao.
Công ty TNHH Sa kê Toàn Cầu - Sa kê Việt (huyện Châu Đức) cũng đang triển khai và áp dụng công nghệ sinh học vào các quy trình sản xuất như: xử lý phân bón, quá trình canh tác diệt sâu hại, tạo giống cây sa kê cấy mô, sản xuất bột sa kê.
Ông Phan Đông Huy, Giám đốc Công ty cho biết, công ty đã sử dụng vi sinh vật để phân hủy phân bón hữu cơ, vừa giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường vừa tạo ra phân bón hữu cơ chất lượng cao, chứa các chất dinh dưỡng dễ hấp thụ cho cây sa kê.
“Ngoài ra, Công ty cũng đang hợp tác với Sở KH-CN tạo ra các giống sa kê cấy mô có khả năng kháng sâu bệnh, chịu hạn, chịu mặn và có năng suất cao hơn. Bên cạnh đó công ty cũng áp dụng kỹ thuật lên men, các loại enzyme sinh học để phá vỡ cấu trúc tinh bột sa kê, giúp tăng hiệu suất sản xuất và chất lượng bột sa kê”, ông Huy cho biết.
Thu hút đầu tư nước ngoài
Không chỉ DN trong nước, nhiều DN nước ngoài cũng đang quan tâm đầu tư phát triển công nghệ sinh học, đặt nhà máy ở tỉnh.
Theo Sở KH-CN, tháng 9/2024, Tập đoàn Hyosung (Hàn Quốc) đã ký kết cùng UBND tỉnh biên bản ghi nhớ về hợp tác đầu tư, phát triển Bà Rịa - Vũng Tàu thành trung tâm sản xuất công nghệ sinh học, vật liệu tiên tiến của Việt Nam và khu vực.
Tập đoàn Hyosung sẽ đầu tư 2 dự án gồm nhà máy sản xuất sợi carbon (vốn đầu tư 500 triệu USD) và nhà máy sản xuất sản phẩm sinh học Bio-BDO (vốn đầu tư 730 triệu USD).
Trong đó, Nhà máy sản xuất sản phẩm sinh học Bio-BDO dự kiến xây dựng tại KCN Phú Mỹ 2, TP.Phú Mỹ trên diện tích hơn 250 ngàn m2, công suất 220 ngàn tấn/năm (phân kỳ thành 4 giai đoạn, mỗi giai đoạn đầu tư 55 ngàn tấn/năm).
Bio-BDO là một hóa chất được sử dụng làm dung môi và khối xây dựng trong nhựa (sinh học), sợi đàn hồi và polyurethan, là nguyên liệu thô quan trọng trong việc sản xuất vải thun. Bio-BDO có nguồn gốc sinh học 100%, và có khả năng phân hủy sinh học, là sản phẩm thân thiện với môi trường, có khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu và trung hòa carbon.
Sản phẩm từ nhà máy BDO sinh học sẽ cung cấp nguyên liệu thô cho các nhà máy dệt của Hyosung tại Việt Nam và xuất khẩu toàn bộ sản phẩm sang Mỹ, châu Âu, châu Á. Nhà đầu tư cam kết, máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ được đầu tư mới 100%, sản xuất năm 2026 từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, có mức độ tự động hóa 85% toàn nhà máy và 100% đối với dây chuyền sản xuất Bio-BDO.
Để đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới, mới đây UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 54/KH-UBND. Mục tiêu đến năm 2030 tỉnh xây dựng nền công nghệ sinh học của tỉnh có nguồn nhân lực chất lượng cao, cơ sở vật chất, tài chính đủ mạnh đáp ứng yêu cầu nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học rộng rãi trong các ngành, lĩnh vực. Công nghiệp sinh học trở thành ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng, đóng góp 7% vào GDP.
Tầm nhìn đến năm 2045: Tỉnh có nền công nghệ sinh học phát triển, ứng dụng rộng rãi dịch vụ thông minh trong các lĩnh vực; hình thành, phát triển DN khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo về công nghệ sinh học, đóng góp 10 - 15% vào GDP.
Bài, ảnh: NGỌC MINH