Để nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, năng lực quốc phòng, bảo vệ an ninh trật tự xã hội, lực lượng vũ trang tỉnh đã đẩy mạnh công tác nghiên cứu, phát triển KH-CN.
Cán bộ Trạm Kiểm tra, giám sát trên sông (Ban Chỉ huy Biên phòng Cửa khẩu Cảng Bà Rịa-Vũng Tàu) sử dụng thiết bị cầm tay đa kênh quan sát, tuần tra trên biển. |
Nghiên cứu công nghệ, nâng cao nghiệp vụ
Tình hình các loại tội phạm đang diễn biến phức tạp, cùng với đó là lượng tàu thuyền lưu thông qua các cảng biển, cảng sông thuộc quản lý của Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh ngày càng lớn, diễn ra cả ban ngày và đêm để tránh bị các lực lượng chức năng phát hiện. Trong khi đó, các loại camera giám sát, khí tài quan sát trang bị tại các trạm, đồn biên phòng hầu hết đều phục vụ theo dõi vào ban ngày, không thể quan sát vào ban đêm, không thể đo cự ly đến đối tượng. Công nghệ còn hạn chế gây ảnh hưởng đến kết quả thực hiện nhiệm vụ.
Để khắc phục tình trạng này, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã đặt hàng Sở KH-CN và các chuyên gia đề tài KH-CN cấp tỉnh “Nghiên cứu thiết kế, chế tạo thiết bị quan sát ngày đêm cầm tay theo nguyên lý ảnh nhiệt và CMOS độ nhạy cao tích hợp đo xa laser ứng dụng”.
Cán bộ Trạm Kiểm tra, giám sát trên sông (Ban Chỉ huy Biên phòng Cửa khẩu cảng Bà Rịa-Vũng Tàu) thao tác, thực hiện việc quan sát, giám sát cảng qua hệ thống quan sát ngày đêm tầm trung. |
Nhóm thực hiện đề tài do Trung tá Phạm Đình Quý, Viện Vật lý Kỹ thuật (thuộc Viện KH-CN Quân sự) làm chủ nhiệm đề tài đã nghiên cứu thiết kế thành công và triển khai lắp đặt ứng dụng tại Trạm Kiểm tra, giám sát trên sông thuộc Ban Chỉ huy Biên phòng Cửa khẩu cảng Bà Rịa-Vũng Tàu trong năm 2024.
Theo Ban Chỉ huy Biên phòng Cửa khẩu cảng Bà Rịa-Vũng Tàu, tổ hợp sản phẩm quan sát cảnh giới ngày đêm (gồm thiết bị cầm tay đa kênh và hệ thống quan sát ngày đêm tầm trung) có chất lượng tốt, hiệu quả ứng dụng cao vào thực tế công việc, hình ảnh quan sát qua thiết bị rõ nét, cự ly quan sát lớn. Với thiết bị cầm tay, cự ly phát hiện tàu thuyền và người lần lượt là 11km và 3,5km vào ban ngày, 6km và 1,8km vào ban đêm. Với hệ thống quan sát tầm trung, có khả năng phát hiện tàu thuyền xa đến gần 17km vào ban ngày, 11km vào ban đêm và phát hiện người từ 3,7-3,8km.
Theo đại diện Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, đề tài có ý nghĩa lớn trong việc tiếp cận các ứng dụng KH-CN tiên tiến để hỗ trợ công tác huấn luyện sẵn sàng chiến đấu trong lực lượng. Các thiết bị đã giúp đơn vị giám sát và phát hiện hoạt động ở các cảng biển, cảng sông, khu vực phòng thủ tỉnh trong mọi điều kiện hoàn cảnh, cả ngày lẫn đêm, vừa quan sát phát hiện, vừa xác định cự ly tới mục tiêu, lưu trữ hình ảnh. Từ đó, hỗ trợ rất lớn cho công tác phòng, chống tội phạm, bảo đảm an ninh an toàn hàng hải cũng như bảo vệ chủ quyền đất nước.
Tăng cường quốc phòng
Cuối tháng 10/2024 vừa qua, Sở KH-CN cũng chuyển giao đề tài cấp tỉnh “Nghiên cứu xây dựng hệ thống báo động và truyền tin tác chiến qua mạng diện rộng (WAN) phục vụ xử lý tình huống quốc phòng” cho đơn vị đặt hàng là Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh.
Nhóm thực hiện đề tài do Trung tá Nguyễn Trọng Thể, Viện Công nghệ Thông tin làm chủ nhiệm đề tài, đã xây dựng hệ thống phù hợp với quy trình và tự động hóa trong một số khâu để nâng cao hiệu quả hoạt động chỉ huy điều hành xử lý tình huống tại Sở Chỉ huy Bộ CHQS tỉnh và các đơn vị trực thuộc.
Hệ thống có khả năng kết nối, tích hợp các hệ thống thông tin hiện có, đặc biệt là mạng diện rộng trên nền tảng chuyển mạch mềm để tiếp nhận thông tin, truyền đạt mệnh lệnh, lưu trữ thông tin, thực hiện báo động tự động bằng thoại, mã lệnh, hình ảnh một cách nhanh chóng, chính xác kịp thời từ Sở Chỉ huy Bộ CHQS tỉnh xuống Sở Chỉ huy của Ban CHQS TP.Bà Rịa và Trung đoàn Minh Đạm.
Hệ thống có tính mô đun hóa cao để tiết kiệm chi phí thiết kế các sản phẩm khác cùng loại và dễ dàng bảo trì bảo dưỡng, cho phép kết nối hoặc chia sẻ dữ liệu với các hệ thống khác và ứng dụng AI để nhận dạng, xác định danh tính nhằm hỗ trợ phát hiện và tự động cảnh báo, báo cáo xâm nhập tại phòng Trực ban tác chiến.
Việc ứng dụng sản phẩm là bước tiến quan trọng trong tự động hóa chỉ huy, nâng cao hiệu quả công tác chỉ huy điều hành tham mưu tác chiến tại Sở Chỉ huy các cấp, nâng cao khả khả năng sẵn sàng chiến đấu của lực lượng vũ trang; khẳng định khả năng làm chủ về khoa học công nghệ quân sự, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương của tỉnh.
Theo Đại tá Phạm Kinh Kha, Phó Chỉ huy trưởng - Tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh, những năm qua, Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác nghiên cứu và ứng dụng KH-CN vào thực tiễn. Hàng năm, trên cơ sở định hướng nghiên cứu KH-CN của Bộ Quốc phòng, Quân khu 7, Bộ CHQS tỉnh và từ những vấn đề trong thực tiễn công tác, lực lượng vũ trang tỉnh đã có nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật có giá trị thực tiễn cao, ứng dụng rộng rãi vào các hoạt động của đơn vị, nâng cao hiệu quả công tác, năng lực quốc phòng.
Bài, ảnh: NGỌC MINH