Xây dựng vùng động lực phát triển công nghiệp công nghệ thông tin

Thứ Sáu, 24/11/2023, 18:03 [GMT+7]
In bài này
.

Bà Rịa-Vũng Tàu cùng với Đồng Nai, Bình Dương phát triển công nghiệp công nghệ thông tin (CNTT) trên cơ sở liên kết của cả vùng Đông Nam Bộ. Cùng với đó, TP. Hồ Chí Minh có vai trò vùng lõi của nghiên cứu-phát triển công nghệ, tập trung các hoạt động sản xuất công nghệ cao có giá trị gia tăng, dịch chuyển các hoạt động sản xuất ở quy mô công nghiệp ra các tỉnh.

Các đại biểu tham quan, nghe gới thiệu sản phẩm chuyển đổi số của các DN viễn thông.
Các đại biểu tham quan, nghe gới thiệu sản phẩm chuyển đổi số của các DN viễn thông.

Đó là một trong những quan điểm phát triển quan trọng trong dự thảo Đề án xây dựng vùng động lực công nghiệp công nghệ thông tin, thu hút đầu tư sản xuất các sản phẩm điện, điện tử, các sản phẩm Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo tại các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu. Ngày 24/11, Cục Công nghiệp CNTT và truyền thông phối hợp với Sở TT-TT tỉnh tổ chức hội thảo tại TP. Vũng Tàu để góp ý cho dự thảo Đề án này.

Doanh thu ngành công nghiệp CNTT vùng Đông Nam bộ còn khiêm tốn

Tại hội thảo, đại diện Cục Công nghiệp CNTT và truyền thông thông tin, vùng Đông Nam Bộ có 6 tỉnh, thành phố thì có đến 3 tỉnh, thành phố nằm trong top 10 địa phương có doanh thu công nghiệp CNTT lớn nhất cả nước, gồm: TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Bình Dương. Tuy nhiên, chỉ 3 địa phương này chiếm đến 97,7% doanh thu công nghiệp CNTT của vùng Đông Nam Bộ. Các tỉnh, thành phố còn lại có đóng góp rất nhỏ trong vùng và thứ hạng khiêm tốn trong bản đồ công nghiệp CNTT cả nước. Trong các lĩnh vực công nghiệp CNTT, lĩnh vực phần cứng điện tử là lĩnh vực mang nhiều doanh thu cho ngành công nghiệp CNTT của vùng với 77,2% doanh thu, tiếp đến là phần mềm, dịch vụ CNTT và nội dung số.

Tính rộng hơn, vùng Đông Nam Bộ xếp thứ 3 trong 6 vùng kinh tế trong doanh thu công nghiệp CNTT và chỉ chiếm 11,7% doanh thu công nghiệp CNTT của Việt Nam. Mức doanh thu này là chưa tương xứng tiềm năng của vùng khi Đông Nam bộ có số lượng doanh nghiệp CNTT rất lớn.

Các đại biểu tham quan, nghe gới thiệu sản phẩm chuyển đổi số của các DN viễn thông.
Các đại biểu tham quan, nghe gới thiệu sản phẩm chuyển đổi số của các DN viễn thông.

“Do đó, việc xây dựng và triển khai Đề án nhằm khắc phục những hạn chế và phát huy tiềm năng của vùng, qua đó đạt được mục tiêu tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 202-12030 đạt 8-8,5% với tỷ trọng công nghiệp và xây dựng chiếm 45,3%; tỉ trọng kinh tế số chiếm 30-35%; hướng tới vùng Đông Nam Bộ trở thành trung tâm khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao, logistics và trung tâm tài chính quốc tế thuộc nhóm đầu của khu vực và thế giới; kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ”, đại diện Cục Công nghiệp CNTT và truyền thông nhấn mạnh.

Để đạt được mục tiêu này, dự thảo Đề án do Cục đưa ra một số giải pháp như: Hoàn thiện, xây dựng cơ chế, chính sách và nâng cao hiệu quả công tác quản lý phát triển về công nghiệp CNTT và chuyển đổi số; đầu tư phát triển hạ tầng số; nâng cao năng lực phát triển, thiết kế, sản xuất các sản phẩm công nghệ số; phát triển các khu công nghệ thông tin tập trung; hoàn thiện và phát triển cấu hạ tầng giao thông, logistics; phát triển nguồn nhân lực; tìm thị trường cho công nghiệp CNTT; thu hút vốn đầu tư FDI trong lĩnh vực công nghiệp CNTT…

Ông Đỗ Hữu Hiền, Giám đốc Sở TT-TT tỉnh cơ bản thống nhất với các giải pháp trong dự thảo Đề án và đưa ra thêm các góp ý cho dự thảo như làm rõ vai trò của Bộ KH-CN, các ưu đãi trong thu hút đầu tư về thuế, đất đai…
Giám đốc Sở TT-TT tỉnh cũng cho biết, Bà Rịa-Vũng Tàu có thuận lợi về cơ sở hạ tầng để phát triển và hình thành trung tâm dữ liệu lớn. Tỉnh cũng xác định mục tiêu trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo của cả nước và khu vực và đang xúc tiến các đề án để xây dựng các đề án chuyển đổi số trong nhiều lĩnh vực như xây dựng KCN, du lịch…

Xây dựng chính sách, hạ tầng, nhân lực để phát triển công nghiệp CNTT

Phát biểu góp ý cho dự thảo Đề án, lãnh đạo Sở TT-TT các địa phương trong khu vực, DN, nhà khoa học nhận định, quan điểm, mục tiêu và các giải pháp được đưa ra cơ bản bao quát và nhận định đúng thực trạng phát triển ngành công nghiệp CNTT vùng. Các ý kiến góp ý thêm chủ yếu nhấn mạnh đến công tác xây dựng chính sách, bảo đảm nguồn nhân lực, xây dựng hạ tầng số của vùng Đông Nam bộ.

Ông Tạ Quang Trường, Giám đốc Sở TT-TT Đồng Nai cho rằng, việc phát triển công nghiệp CNTT phải phù hợp với quy hoạch vùng, quy hoạch từng địa phương. Các tỉnh, thành phố cần phải xác định thế mạnh để lựa chọn các lĩnh vực phát triển phù hợp trong tổng thể vùng, tránh tình trạng chồng chéo. Về chính sách ưu đãi trong lĩnh vực này, Giám đốc Sở TT-TT Đồng Nai cho rằng không nên để từng địa phương xây dựng mà nên để cấp Trung ương quy định cụ thể trong Đề án để tăng tính khả thi khi triển khai.

Còn ông Lê Tuấn Anh, Giám đốc Sở TT-TT tỉnh Bình Dương đề nghị, TP. Hồ Chí Minh không trực tiếp nằm trong Đề án nhưng đóng vai trò rất quan trọng. Do đó, cần làm rõ trách nhiệm, sự kết nối, hỗ trợ của địa phương này với các tỉnh khác trong vùng động lực.

Bài, ảnh: QUANG VINH

;
.