Áo ngực phát hiện ung thư vú

Thứ Sáu, 08/09/2023, 16:26 [GMT+7]
In bài này
.

Từ trước đến nay, ung thư vú thường được phát hiện qua chụp X quang, chụp cắt lớp (CT) và lấy mẫu mô tế bào để sinh thiết. Tuy nhiên mới đây, một phụ nữ người Nigeria đã phát minh ra chiếc áo ngực mà khi mặc vào, nó có thể báo cho người mặc biết mình bị ung thư vú. Phát minh ấy sau quá trình kiểm nghiệm đã được Tổ chức Ung thư thế giới (GLOBOCAN) công nhận và sẽ được đưa ra thị trường một ngày gần đây…

Chiếc áo ngực có khả năng phát hiện ung thư vú do Kemisola Bolarinwa sáng chế.
Chiếc áo ngực có khả năng phát hiện ung thư vú do Kemisola Bolarinwa sáng chế.

Là chủ Công ty Nextwear Technology, trụ sở đặt tại thủ đô Abuja, Nigeria, chuyên chế tạo robot dùng trong công nghiệp, ý tưởng làm ra chiếc áo ngực có thể phát hiện ung thư vú đến với Kemisola Bolarinwa khi cô chứng kiến người dì ruột của mình chết vì bệnh này hồi năm 2019. Khi ấy, bác sĩ điều trị cho dì cô nói: “Thật đáng tiếc! Nếu phát hiện sớm, bệnh nhân có thể sống thêm được từ 5 đến 15 năm”.

Năm 2020, Kemisola bắt tay vào việc chế tạo chiếc áo ngực với sự cộng tác của một nhóm chuyên gia thuộc các lĩnh vực y học, công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo… Nguyên lý hoạt động của áo ngực là các thiết bị siêu âm nhỏ cùng bộ định vị GPS, hoạt động bằng 2 viên pin AAA được đặt vào mặt trong của áo, có chức năng xác định những bất thường ở mô tuyến vú rồi gửi kết quả đến máy chủ Công ty Nextwear Technology đồng thời cung cấp vị trí của người đang mặc áo.

Tiến hành thử nghiệm trên những con khỉ, Kemisola nhận thấy sau khi được cấy tế bào ung thư vào tuyến vú và khi tổ chức ung thư đã phát triển, nó được cho mặc áo ngực của Nextwear Technology. Kemisola nói: “Những thông tin mà chúng tôi thu được là thiết bị siêu âm trong áo ngực đã phát hiện khối u đường kính 2.5mm, giống như kết quả kiểm tra chéo, thực hiện bằng máy siêu âm chuyên dùng trong bệnh viện”. Các khảo sát trên người cũng cho ra kết quả tương tự: 500 phụ nữ đã mắc ung thư vú sau khi mặc áo ngực thì áo đều gửi thông tin đến máy chủ về kích thước, vị trí của khối u, không sai lệnh so với siêu âm truyền thống.

Với 500 phụ nữ khác được lựa chọn ngẫu nhiên - những người chưa từng kiểm tra tuyến vú bao giờ thì chỉ 30 phút sau khi mặc, máy chủ Nextwear Technology đã nhận được một số các thông số, cho thấy 3 người có khối u nhỏ, đường kính lần lượt là 1,2, 1,5 và 1,8mm bên trong tuyến vú. Bác sĩ Okello, chuyên khoa ung thư và cũng là người điều hành chương trình thử nghiệm nói: “Nhờ phát hiện sớm, tế bào ung thư chưa di căn, việc điều trị sẽ tăng khả năng sống thêm 5, 10 năm của 3 người nêu trên”.

Đầu năm 2023, chiếc áo ngực phát hiện ung thư chính thức ra đời và được đặt tên là Smart Bra. Khi phụ nữ mặc vào và nếu nhận thấy những bất thường trong tuyến vú, Smart Bra ngoài việc chuyển thông tin bệnh lý về máy chủ Nextwear Technology, nó còn gửi tin nhắn đến điện thoại của người mặc áo, hướng dẫn việc thăm khám, xét nghiệm. Điều này giúp cho người bệnh được điều trị sớm, kéo dài cuộc sống mà không phải tốn quá nhiều tiền.

Cũng cần nói thêm rằng ung thư vú là loại bệnh phổ biến nhất ở Nigeria đồng thời cũng có số ca tử vong cao nhất. Năm 2020, hơn 28.000 phụ nữ Nigeria được chẩn đoán mắc bệnh ung thư vú và một nửa đã chết vì bệnh này. Với 223 triệu dân, Nigeria có ít hơn 90 bác sĩ chuyên khoa ung thư cho mỗi 100.000 bệnh nhân thay vì phải là 200 bác sĩ theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, Chưa hết, đối với những người có dấu hiệu nghi ngờ ung thư vú, chi phí xét nghiệm mỗi lần là 100.000 naira (đơn vị tiền tệ Nigeria, tương đương 65USD).

Nếu đã xác định là ung thư vú, tiền phẫu thuật cắt bỏ tuyến vú, xạ trị và hóa trị rất tốn kém. Mỗi đợt điều trị có giá từ 600.000 đến 1,5 triệu naira (850 đến 1.650USD), gấp 10 lần mức lương bình quân hàng tháng ở quốc gia này nhưng người bệnh phải điều trị ít nhất 3 đợt nếu may mắn ung thư chỉ mới ở giai đoạn đầu. Hơn nữa, việc chẩn đoán, điều trị chỉ có ở những thành phố lớn còn đại đa số các vùng nông thôn xa xôi, nghèo đói, nó là con số 0!

Hiện tại, Công ty Nextwear Technology đã gửi hồ sơ lên Bộ Y tế Nigeria để xin cấp phép lưu hành sản phẩm Smart Bra. Kemisola nói: “Mục đích của chúng tôi không phải là kinh doanh vì nếu được cấp phép, chúng tôi chỉ bán nó với giá 30USD mỗi chiếc, rẻ gấp 1/30 so với áo ngực của những hãng thời trang nổi tiếng thế giới như Calvin Klein, Triumph hay Elle, mỗi chiếc có giá cả nghìn USD. Chúng tôi chỉ muốn kéo giảm tỉ lệ tử vong của ung thư vú xuống còn 20%/năm so với 80% như hiện nay nhờ phát hiện sớm”.

Theo Tiến sĩ Adamu Alhassan Umar, Chủ tịch Hiệp hội ung thư Nigeria, phát minh của Kemisola là cuộc cách mạng trong lĩnh vực chẩn đoán bệnh ung thư vú, không chỉ riêng với Nigeria mà với cả thế giới. Một số chuyên gia về ung thư vú ở Anh, Pháp, Mỹ… đã đến Nigeria để đặt vấn đề hợp tác với Công ty Nextwear Technology nhằm hoàn thiện thêm tính năng của Smart Bra. Bên cạnh đó, Công ty Nextwear Technology còn nhận được sự tài trợ từ chính phủ Nigeria và ngân hàng Standard Chartered, Anh quốc để trong tương lai, Smart Bra sẽ được cung cấp miễn phí cho những phụ nữ không đủ tiền mua. Tiến sĩ Adamu Alhassan Umar nói: “Tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng Smart Bra sẽ là cách tiếp cận mang tính toàn cầu trong việc phát hiện ung thư vú bởi lẽ  không chỉ Nigeria mà ở nhiều quốc gia kém phát triển trên thế giới, hầu hết các thiết bị sàng lọc ung thư chỉ có ở các đô thị, còn vùng nông thôn phải chịu thiệt thòi, dẫn đến phần lớn bệnh nhân tử vong oan uổng trong lúc nếu  được phát hiện, điều trị ngay từ giai đoạn đầu, họ sẽ sống thêm được rất nhiều năm…”.

VŨ CAO (Theo Science and Life)

 
;
.