Vì sao Vũng Tàu bị ngập khi mưa lớn?
TIN BÀI LIÊN QUAN
Trước đây, chỉ cần 30 phút đến 1 tiếng sau những trận mưa lớn kết thúc là TP. Vũng Tàu hết ngập. Vì sao trận mưa hôm 19 và 20/10 lại khiến nhiều khu vực của thành phố ngập sâu, nhiều tuyến đường qua 24 giờ vẫn chưa rút hết nước?
Đường Phan Huy Chú ngập sâu trong biển nước. |
Ngập sâu và kéo dài
TP. Vũng Tàu đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để xây dựng hệ thống thoát nước tại một số “điểm nóng”, nhưng khi mưa lớn, nước vẫn không tiêu thoát kịp. Đặc biệt, trận mưa ngày 20/10 khiến hầu hết các tuyến đường trên địa bàn thành phố bị ngập sâu. Cả thành phố như một biển nước mênh mông. Những tuyến đường, ngõ hẻm xưa nay chưa từng ngập cũng thành sông.
Tại các điểm ngập, hàng trăm công nhân, cán bộ kỹ thuật của Công ty CP Khoa học - Công nghệ Việt Nam (Busadco) thường xuyên túc trực vớt rác, lật tấm đan thoát nước để khơi thông dòng chảy nhưng phải mất hàng giờ đồng hồ nước ở khu vực ngập sâu mới tiêu thoát hết.
Tại khu Á Châu, mưa lớn, nước từ hồ Á Châu tràn vào khiến nhiều tuyến đường trong khu này như Thái Văn Lung, Phan Huy Chú, Bàu Sen 2… ngập sâu 50-60cm. Đặc biệt, ở một số khu vực, ngập úng kéo dài qua 24 tiếng vẫn chưa rút nước như: đường Phan Huy Chú, đường Bàu Sen 2, đường 2/9, đường Hoàng Hoa Thám…
Anh Nguyễn Văn Hóa (nhà ở đường Phan Huy Chú, phường 2, TP. Vũng Tàu) cho biết, anh sinh sống tại TP. Vũng Tàu hơn 40 năm nhưng chưa bao giờ chứng kiến cảnh ngập úng kinh khủng như ngày 20/10. Nước từ hồ Á Châu dâng cao rất nhanh và trong chốc lát đã san bằng tuyến đường Phan Huy Chú như lòng hồ. Người dân không biết đường nào để đi, rất nguy hiểm.
Hồ điều hòa, kênh mương bị lấn chiếm
Theo ông Tôn Thất Kha, Phó Tổng Giám đốc Busadco, tình trạng ngập úng diễn ra trên diện rộng và kéo dài là do mưa lớn kéo dài trong 3 ngày từ 22 giờ ngày 18/10 đến 15 giờ ngày 20/10. Tổng lượng mưa cộng dồn tại lưu vực hồ Bàu Sen là 298mm, kết hợp với triều cường dâng cao trong khi mưa dẫn đến nước thoát chậm.
Về lâu dài TP. Vũng Tàu cần xây dựng các hồ điều hòa theo quy hoạch: hồ Bàu Trũng, hồ Rạch Bà, hồ Cửa Lấp, hồ Cây Khế; xây dựng kè dọc 2 bên các tuyến kênh thoát nước chính (theo quy hoạch Điều chỉnh TP.Vũng Tàu đến năm 2035) để tránh sạt lở, lấn chiếm. Đồng thời xây dựng các tuyến cửa xả cho đường Lê Quang Định, Nguyễn Hữu Cảnh; đẩy nhanh xây dựng các tuyến cống theo các trục đường chính quy hoạch.
(Ông Tôn Thất Kha, Phó Tổng Giám đốc Busadco)
|
Việc thoát nước tập trung ở TP. Vũng Tàu cơ bản theo nguyên tắc: Nước mưa chảy xuống mương thoát nước (tuyến thông dẫn) dẫn đến hồ điều hòa, chảy về cống ngăn triều, đê bao và đổ ra biển. Trong khi đó, các cửa xả cũ hướng ra biển không được xả để bảo vệ mỗi trường bãi tắm.
Còn trục thoát nước chính của thành phố như sau: Trục thoát nước Bàu Sen - Bàu Trũng - Rạch Bà - Cửa Lấp chạy từ Nam đến Bắc sân bay Vũng Tàu theo các vệt trũng dọc chiều dài thành phố. Trục thoát nước là một chuỗi hồ, kênh mương lớn và cống ngăn triều kết hợp thu nước mưa toàn thành phố đổ ra biển. Điểm bắt đầu từ hồ Võ Thị Sáu, đến hồ Bàu Sen, hồ Bàu Trũng rồi chảy theo 2 hướng: một hướng ra cống ngăn triều hồ Rạch Bà và một hướng ra cống ngăn triều Cửa Lấp rồi đổ ra biển.
Thế nhưng, nhiều đoạn kênh mương bị lấn chiếm, diện tích hồ điều hòa bị thu hẹp khiến cho việc thoát nước khó khăn hơn. Theo Quyết định 4114/QĐ-UBND ngày 11/6/2006 của UBND tỉnh về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể thoát nước TP.Vũng Tàu đến năm 2020: TP.Vũng Tàu (trừ Long Sơn) có 7 hồ điều hòa tham gia hệ thống thoát nước phục vụ khi mưa gặp triều cường với tổng diện tích 219ha. Thực tế hiện nay chỉ có 3 hồ tham gia thoát nước gồm hồ Bàu Sen, hồ Chí Linh và hồ Rạch Bà với diện tích 32,68ha.
Trong khi đó, tuyến kênh thoát nước chính của TP. Vũng Tàu (kênh chính) được thi công xây dựng từ năm 1993 được xem là tuyến thoát nước huyết mạch, chống ngập úng cho thành phố. Những năm gần đây, do tốc độ đô thị hóa nhanh, mật độ xây dựng công trình 2 bên hành lang tuyến kênh chính ngày càng nhiều đã phát sinh tình trạng lấn chiếm, làm thu hẹp hành lang, lòng mương, ảnh hưởng đến thoát nước chống ngập khi mưa lớn cho toàn thành phố. “Việc lấn chiếm, thu hẹp dòng chảy tuyến kênh chính đã vô hình trung làm tắc nghẽn tuyến thoát nước huyết mạch thành phố, ảnh hưởng rất lớn đến công tác thoát nước chống ngập”, ông Tôn Thất Kha nói.
Để hạ nhanh mực nước trong các hồ điều hòa, Busadco kiến nghị TP. Vũng Tàu tháo dỡ các công trình xây dựng lấn chiếm ra lòng kênh (tại phường Nguyễn An Ninh, phường Rạch Dừa, phường 10 và phường 11 nhánh ra hồ Rạch Bà), vật che chắn, cầu cống tạm dọc kênh thoát nước chính; nạo vét các hồ điều hòa Võ Thị Sáu, Bàu Sen, Chí Linh. Đồng thời đầu tư cải tạo mở rộng các nút thắt tại các vị trí cống qua đường dọc trục kênh thoát nước chính thành phố: Hẻm 442 Bình Giã; cống qua đường trước hồ Chí Linh; cống qua đường Lưu Chí Hiếu; cống qua đường hẻm 780 Bình Giã; cống qua đường dọc dự án Khang Linh; cống qua đường Hàng Điều (Bắc Sơn cũ); cống qua đường Đô Lương và đường 3/2.
Bài, ảnh: LINH ĐAN