.

Ứng dụng KH-CN để phát triển nông nghiệp

Cập nhật: 19:10, 12/10/2022 (GMT+7)

Nông nghiệp công nghệ cao là một trong những lĩnh vực mà tỉnh ưu tiên phát triển, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân khởi nghiệp. Triển khai chương trình này, Sở KH-CN đã và đang tổ chức nhiều chương trình nhằm giúp các DN, HTX, nông dân tiếp cận các giải pháp về công nghệ, ứng dụng mới trong sản xuất, chế biến…

Người dân tham quan, tìm hiểu các sản phẩm chế biến từ cacao của Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ cacao Thành Đạt.
Người dân tham quan, tìm hiểu các sản phẩm chế biến từ cacao của Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ cacao Thành Đạt.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có nhiều mô hình khởi nghiệp nông nghiệp thành công như: nông trại 4Kfarm, ca cao Thành Đạt, nuôi hàu Thái Bình Dương, trồng rau trong nhà màng ở Đất Đỏ, trồng thanh long ruột đỏ, các mô hình chăn nuôi bằng công nghệ sinh học-vi sinh… Các mô hình này chủ yếu là áp dụng KH-CN vào sản xuất, giúp nâng cao năng suất, chất lượng, tăng giá trị sản phẩm hàng hóa. 

Theo ông Đỗ Vũ Khoa, Giám đốc Trung tâm Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Sở KH-CN, để nông nghiệp có các bước phát triển mới, cần ứng dụng nhiều giải pháp mới. Các giải pháp đó có thể là công nghệ trong sản xuất, chế biến, bảo quản, và các giải pháp về quản lý, thị trường đầu ra, đến tay người tiêu dùng... Từ nhu cầu đó, đầu tháng 10/2022, Sở KH-CN đã tổ chức chương trình “Kết nối các giải pháp công nghệ và đổi mới sáng tạo cho nông nghiệp tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu”. Trọng tâm chính của chương trình chính là các DN, HTX, nông dân địa phương đặc biệt là các DN khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp tiếp cận các giải pháp về đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ trong sản xuất, chế biến, thương mại hóa sản phẩm nông nghiệp để phát triển bền vững, nâng cao giá trị ngành nông nghiệp.

Ông Trịnh Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ cacao Thành Đạt (xã Xà Bang, huyện Châu Đức) cho biết, công ty của ông chuyên thu mua, chế biến hạt cacao thô nguyên chất, sản xuất bột cacao, kẹo socola và được xuất khẩu đi Nhật Bản và một số nước khác. Hiện tại, phía công ty đang liên kết sản xuất với bà con nông dân trồng cacao trên địa bàn huyện Châu Đức, với 200ha/gần 200 hộ dân, trong đó có 10ha/5 hộ trồng theo tiêu chuẩn Oganic. Từ năm 2007, ông Thành bắt đầu nghiên cứu để sản xuất trực tiếp các sản phẩm từ ca cao ngay trong nước. Đến năm 2017, ngoài 300 tấn ca cao xuất thô đi nước ngoài, các sản phẩm được sản xuất từ ca cao như: sô cô la, sữa, bột, trà ca cao của Công ty Thành Đạt đã đến tay người tiêu dùng và được chào đón rộng rãi. Hiện ca cao “made in Bà Rịa-Vũng Tàu” đã đạt 410 tiêu chí của Nhật Bản và toàn bộ đều không dùng thuốc trừ sâu; lá, bã quả ca cao đều được tận dụng để làm phân bón cho cây trồng; trong thời gian tới, sẽ ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thêm thu nhập cho bà con nông dân.

Ngoài việc hỗ trợ các chính sách về vốn, kỹ thuật, Sở KH-CN đang tích cực kết nối cho DN, HTX, nông dân và các cơ sở sản xuất kinh doanh sản phẩm nông nghiệp các giải pháp công nghệ cho sản xuất nông nghiệp như: hệ thống truy xuất nguồn gốc trong chuỗi giá trị nông nghiệp; thiết kế bao bì cho DN; giải pháp thuốc vi sinh nông nghiệp trị bệnh trên cây bằng công nghệ Enzyme từ vi sinh vật cũng như giải pháp quản lý thương mại điện tử và bán hàng đa kênh Gosell cho DN…

Tháng 4/2021, Công ty CP K Products (TP. Vũng Tàu) bắt đầu xuất khẩu các sản phẩm: bún riêu cua, bún bò, phở bò, phở gà, cá nục kho riềng đóng gói sang thị trường Nhật Bản. Trung bình 3 tháng, công ty xuất khoảng 18.000 sản phẩm các loại. Theo ông Trần Bảo Khánh-Chủ tịch HĐQT Công ty CP K Products, thị trường mà công ty hướng đến là Nhật Bản nên khi sản xuất các sản phẩm của công ty cũng phải theo tiêu chuẩn Nhật Bản. Do đó, nguyên liệu sản xuất phải được chọn lựa kỹ, không biến đổi gien. Máy móc, thiết bị sản xuất phải sử dụng công nghệ hiện đại như công nghệ tiệt trùng nhập khẩu của Nhật. “Với tổng mức đầu tư 4 tỷ đồng, sau hơn 1 năm đi vào hoạt động, tôi nghĩ rằng nếu tính về lợi nhuận có thể chưa cao nhưng về lâu dài chúng tôi sẽ có chỗ đứng vững chắc trên thị trường Nhật Bản”, ông Khánh chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Chí Đức-Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh, những năm qua, lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh đã có những bước chuyển biến tích cực. Cụ thể, nhịp độ tăng trưởng nông, lâm, thủy sản bình quân hàng năm đạt 3,93%; hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp được đầu tư hoàn thiện thúc đẩy sản xuất phát triển. Trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh nông-ngư nghiệp đạt hiệu quả cao về kinh tế, xã hội và môi trường. Điều đó cho thấy, đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng nông sản. Đây cũng là một yêu cầu bức thiết trong bối cảnh ngành nông nghiệp đang phải đối mặt với hàng loạt khó khăn như: ảnh hưởng từ quá trình đô thị hóa, quá trình hội nhập toàn cầu, biến đổi khí hậu, hiện tượng thời tiết cực đoan… 

“Thay đổi phương thức sản xuất truyền thống sang phương thức tiên tiến bằng cách ứng dụng các giải pháp công nghệ là bước chuyển biến đột phá để có sản phẩm nông nghiệp chất lượng. Khi ứng dụng KH-CN trong các khâu sản xuất thì sẽ tạo ra chuỗi giá trị sản phẩm đạt chất lượng cao”, ông Đức nói.

Bài, ảnh: QUANG VŨ

 
.
.
.