Bà Rịa - Vũng Tàu hiện có hàng trăm DN đủ khả năng đáp ứng các tiêu chí để được công nhận là doanh nghiệp khoa học - công nghệ (DN KH-CN), tuy nhiên đến nay chỉ có 8 DN được cấp giấy chứng nhận. Sở KH-CN đang triển khai nhiều giải pháp để thúc đẩy phát triển loại hình DN này.
Nhiều sản phẩm KH-CN của các DN KH-CN trên địa bàn tỉnh BR-VT có tính ứng dụng cao vào thực tiễn. Trong ảnh: Lãnh đạo Công ty Busadco giới thiệu ứng dụng bê tông thành mỏng cốt sợi phi kim của công ty tại triển lãm "Kết nối cung - cầu công nghệ". |
Nhiều ưu đãi
Theo Sở KH-CN, khi đã được chứng nhận là DN KH-CN, các DN sẽ được hưởng nhiều ưu đãi như miễn thuế thu nhập DN trong 4 năm đầu, giảm 50% trong 9 năm tiếp theo và hưởng thuế thu nhập DN 10% trong suốt thời gian có hiệu lực của giấy chứng nhận DN KH-CN. Các DN KH-CN còn được miễn lệ phí trước bạ khi đăng ký quyền sử dụng đất… Đặc biệt, các dự án đầu tư sản xuất sản phẩm hình thành từ kết quả KH-CN của DN KH-CN được vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước theo quy định của pháp luật hiện hành.
DN KH-CN thực hiện các nhiệm vụ KH-CN, ứng dụng kết quả KH-CN, sản xuất, kinh doanh sản phẩm hình thành từ kết quả KH-CN được Quỹ Đổi mới công nghệ Quốc gia, Quỹ phát triển KH-CN của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tài trợ, cho vay với lãi suất ưu đãi, hỗ trợ lãi suất vay và bảo lãnh để vay vốn. Riêng DN KH-CN đầu tư cho cơ sở vật chất - kỹ thuật hoạt động giải mã công nghệ được Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ vốn, bảo lãnh vay vốn, hỗ trợ lãi suất vay tối đa 50% lãi suất vay vốn tại ngân hàng thương mại cho vay.
Ngoài ra, DN KH-CN cũng được hưởng ưu đãi về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu đối với hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, hoạt động sản xuất kinh doanh theo quy định của pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu. DN KH-CN được ưu tiên, không thu phí dịch vụ khi sử dụng máy móc, trang thiết bị tại các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo DN, cơ sở nghiên cứu KH-CN của Nhà nước để thực hiện các hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, ươm tạo công nghệ, sản xuất thử nghiệm sản phẩm mới, ươm tạo DN.
Mặc dù có nhiều chính sách ưu đãi nhưng tính đến tháng 9/2022, trong số khoảng 500 DN đủ điều kiện thành lập DN KH-CN trên toàn tỉnh thì mới chỉ có 8 DN được chứng nhận là DN KH-CN, bao gồm: Công ty CP KHCN Việt Nam (Busadco); Công ty CP Công nghệ Việt - Séc; Công ty TNHH Quốc tế Troy; Công ty TNHH sản xuất thương mại Đại Nam, Công ty TNHH Ngọc Tùng; Công ty TNHH Giải pháp và công nghệ Sao Việt; Công ty TNHH Sigen; Công ty CP công nghệ môi trường Nano Việt.
Các DN KH-CN hoạt động trong nhiều lĩnh vực: công nghệ vật liệu mới, chế biến thủy sản, môi trường, công nghệ thông tin. 100% DN được cấp giấy chứng nhận từ kết quả KH-CN tự đầu tư nghiên cứu hoặc nhận chuyển giao kết quả KH-CN bằng toàn bộ nguồn vốn của chính DN.
Theo ông Trần Duy Tâm Thanh, Phó Giám đốc Sở KH-CN, trong những năm qua, các DN KH-CN là nơi nhận chuyển giao công nghệ mới, tiếp nhận các kết quả nghiên cứu từ khu vực viện nghiên cứu, trường đại học. Đồng thời, các DN KH-CN là đích đến DN khởi nghiệp sáng tạo để đưa trí tuệ, ý tưởng tạo ra những sản phẩm đem lại lợi ích cho xã hội. Tuy nhiên, số lượng DN KH-CN trên địa bàn tỉnh chưa nhiều, mạng lưới DN KH-CN trên địa bàn tỉnh còn mỏng, chưa có sự gắn kết.
Theo ông Trần Duy Tâm Thanh, để thúc đẩy DN KH-CN phát triển, tháng 9/2022, Sở KH-CN đã tổ chức lớp tập huấn “Hướng dẫn sử dụng Quỹ phát triển KH-CN của DN và thúc đẩy phát triển DN KH-CN trên địa bàn tỉnh” trong đó có nội dung triển khai các chính sách, quy định liên quan đến DN KH-CN; cách thức chuyển giao, thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ, giải pháp vận hành hiệu quả hoạt động của sàn giao dịch công nghệ trực tuyến gắn với phát triển DN KH-CN. |
Vì sao chưa thu hút?
Lý giải nguyên nhân số DN KH-CN thấp, Sở KH-CN cho rằng, một số DN đủ điều kiện nhưng chưa có nhu cầu chứng nhận DN KH-CN vì đang thụ hưởng được các chính sách ưu đãi hỗ trợ khác của Nhà nước; hoặc các sản phẩm chưa được thương mại hóa, DN chưa có doanh thu từ sản phẩm KH-CN.
Trong khi đó, theo đại diện công ty TNHH Ngọc Tùng, về chính sách miễn, giảm thuế thu nhập DN, quy định là vậy nhưng trên thực tế không nhiều DN KH-CN được hưởng chính sách này do phụ thuộc vào tỷ lệ doanh thu của DN, nhất là đối với DN KH-CN mà sản phẩm KH-CN lại là nguyên liệu đầu vào của các sản phẩm khác trong hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty, dẫn đến tỷ lệ doanh thu và việc hạch toán doanh thu rất khó để đáp ứng quy định.
Còn theo ông Trần Ngọc Nam, Tổng giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Đại Nam (đơn vị sản xuất phân bón hiệu Ong Biển, xã Tóc Tiên, TX. Phú Mỹ), các chương trình hỗ trợ DN KH-CN của Trung ương và địa phương vẫn chưa thật sự bắt đúng mạch, hỗ trợ đúng những gì mà DN KHCN cần như: Vốn, đầu ra cho sản phẩm, kênh thông tin cho người tiêu dùng, chứng nhận chất lượng sản phẩm… Do đó, ngoài các DN có năng lực, tự nghiên cứu, tự tìm thị trường và đối tác thì rất nhiều các DN có ứng dụng KHCN vẫn gặp nhiều khó khăn khi DN phải tự tìm kiếm lối đi riêng cho mình.
Một trong những vấn đề đang được quan tâm đối với hoạt động KH-CN của tỉnh hiện nay là việc tiếp cận hiệu quả các chính sách ưu đãi, các bước thực hiện các hồ sơ đề nghị để được chứng nhận là DN KH-CN.
Ông Hoàng Đức Thảo, Chủ tịch Hiệp hội DN KH-CN Việt Nam cho biết, để khuyến khích phát triển DN KH-CN, Nhà nước cần đẩy mạnh việc xã hội hóa hoạt động KH-CN, bóc tách, phân loại trong hoạt động liên quan đến KH-CN. “Theo đó, những nghiên cứu cơ bản, hàn lâm, nghiên cứu mang tính quốc gia, liên quan đến quốc phòng, an ninh thì Nhà nước quản lý, còn những nghiên cứu khác hãy xã hội hóa, tạo sân chơi cạnh tranh công bằng cho DN thông qua đấu thầu, đấu giá.
Ngoài ra, cần tạo điều kiện để DN KH-CN hưởng đầy đủ những ưu đãi theo quy định; giảm mức thuế thu nhập cá nhân đối với những người tự đầu tư tiền bạc và trí tuệ để nghiên cứu sản phẩm KH-CN nhằm thúc đẩy sự sáng tạo và cống hiến của người làm nghiên cứu khoa học”, ông Thảo nói.
Ngoài ra, tỉnh cũng cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mô hình DN KH-CN; tạo diễn đàn để các DN trao đổi thông tin, kinh nghiệm trong quá trình sản xuất, kinh doanh, cùng nhau hợp tác phát triển; đơn giản hóa thủ tục thành lập DN KH-CN.
Mặt khác, các DN cũng cần chú trọng đào tạo nguồn nhân lực KH-CN để xây dựng và phát triển DN KH-CN bền vững.
Bài, ảnh: QUANG VŨ