.

Số hóa để người dân, doanh nghiệp hưởng lợi

Cập nhật: 18:12, 18/08/2022 (GMT+7)

Cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính (TTHC); đổi mới cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC theo hướng số hóa, không phụ thuộc vào địa giới hành chính, chuẩn hóa, số hóa hồ sơ giấy tờ, chia sẻ dữ liệu…

Nhân viên xử lý dữ liệu tại IOC tỉnh.
Nhân viên xử lý dữ liệu tại IOC tỉnh.

Đó là những nội dung chính được bàn sâu tại hội thảo “Số hoá, kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ giải quyết thủ tục hành chính: Kinh nghiệm của Pháp và thực tiễn triển khai tại Việt Nam” do Văn phòng Chính phủ tổ chức trực tiếp tại Hà Nội và trực tuyến đến hơn 1.000 điểm cầu các tỉnh, thành và cấp huyện, thành phố, diễn ra ngày 18/8. Tại BR-VT, có sự tham dự của lãnh đạo các sở ban ngành,  huyện, thị, thành phố...

Hiện đại hóa hành chính công

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Nguyễn Xuân Thành nhấn mạnh, yêu cầu của việc đổi mới TTHC hiện nay cần gắn với số hóa và sử dụng kết quả số hóa trong tiếp nhận, giải quyết TTHC. Tăng cường phân cấp, tạo chủ động, sáng tạo, áp dụng mô hình mới, cách làm hay trong thực hiện TTHC. Tiếp nhận, giải quyết TTHC không phụ thuộc vào địa giới hành chính. Đồng thời tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng phục vụ và chỉ đạo, điều hành, giám sát, đánh giá dựa trên dữ liệu theo thời gian thực.

Tại hội thảo, các chuyên gia của Pháp đã chia sẻ kinh nghiệm trong việc số hóa, chuẩn hóa hồ sơ, giấy tờ giải quyết TTHC cũng như việc kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ việc giải quyết thủ tục hành chính và ý kiến đối với thực tiễn của Việt Nam; chia sẻ kinh nghiệm của Pháp về chuẩn hoá biểu mẫu... 

Bà Cécile Vigneau, Tham tán thứ nhất, Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam cho biết, số hóa, cải cách TTHC là một trong những ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Việt Nam với những mục tiêu cụ thể để phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số. Pháp rất mong muốn hỗ trợ các cơ quan của Việt Nam trong việc hoàn thiện dự án “Hiện đại hóa hành chính gắn kết với chuyển đổi số giai đoạn 2022-2023”. 

Theo đó, sự hợp tác giữa Chính phủ Pháp và Chính phủ Việt Nam trong lĩnh vực số hóa, hiện đại hóa thủ tục hành chính đã có nhiều hoạt động phối hợp triển khai rất chặt chẽ. Hội thảo là một trong 3 cấu phần của dự án “Hiện đại hóa hành chính gắn kết với chuyển đổi số giai đoạn 2022 - 2023”, ở mỗi phần đều xác định các mục tiêu và các hoạt động triển khai. 

Bà Cécile Vigneau cũng đề nghị để triển khai dự án các bộ, ngành, cơ quan của Việt Nam cần tăng cường kết nối, chia sẻ dữ liệu, cải thiện hơn nữa chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến.

Lãnh đạo và nhân viên IOC tỉnh xử lý thông tin số hóa của các ngành về IOC tỉnh.
Lãnh đạo và nhân viên IOC tỉnh xử lý thông tin số hóa của các ngành về IOC tỉnh.

BR-VT số hóa để phục vụ người dân tốt hơn

Tại BR-VT, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về chuyển đổi số, số hoá, kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ giải quyết TTHC, những năm gần đây BR-VT đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa các dữ liệu, hiện đại hóa hành chính công… Theo Sở TT-TT, đến nay, 100% TTHC đủ điều kiện được cung cấp dịch vụ công mức độ 3, 4; toàn bộ các cơ quan, đơn vị nhà nước ở tỉnh đã chấm dứt việc chuyển văn bản giấy. Phần mềm Quản lý văn bản và điều hành đã được triển khai đến 21 sở, ban, ngành; 8 UBND huyện, thị xã, thành phố; 82 xã, phường, thị trấn, đáp ứng việc liên thông 4 cấp. Hơn 90% CB-CCVC sử dụng thư công vụ trong trao đổi công việc, góp phần tiết kiệm thời gian, giấy tờ, trao đổi công việc nhanh chóng, thuận tiện và đảm bảo an toàn.

Ngoài ra, tỉnh đã vận hành thử nghiệm Trung tâm giám sát, điều hành thông minh (IOC) của tỉnh; thử nghiệm tổng đài giải đáp dịch vụ công tự động dựa trên công nghệ AI; là tỉnh đầu tiên trên toàn quốc triển khai kết nối thành công chữ ký số công cộng với Cổng dịch vụ công của tỉnh... 100% sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã và các đơn vị đều đã được cấp phát chữ ký số, chứng thư số. Hầu hết các văn bản đều được phát hành trên phần mềm, trừ một số văn bản mật và văn bản đặc thù.

Lợi ích căn bản mà việc số hóa, kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ hành chính công là làm tăng hiệu quả làm việc của các cơ quan và chính quyền các cấp. Tính công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước được nâng lên. Đặc biệt, người dân và DN được các cơ quan quản lý nhà nước cung cấp thông tin, dịch vụ nhanh hơn, thuận tiện hơn thông qua các dịch vụ công trực tuyến, hạn chế tối đa DN và người dân phải đến trực tiếp các cơ quan chính quyền khi thực hiện các TTHC. 

Thông qua hệ thống các ý kiến góp ý, phản hồi của người dân, DN các cơ quan quản lý Nhà nước tiếp tục hoàn thiện công tác tổ chức, các quy trình nghiệp vụ... để nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan quản lý Nhà nước.

Bài, ảnh: QUANG VŨ

 
.
.
.